Đà Nẵng cuối tuần
Người tốt ở quanh ta
Cho đến nay, Thanh Thảo được xem là người viết trường ca nhiều nhất trong các nhà thơ Việt Nam. Người tốt ở quanh tôi (NXB Hội Nhà văn, 2019) với 591 câu thơ là trường ca mới nhất trong tổng số 15 trường ca của Thanh Thảo.
Khác với tính sử thi trọn vẹn, hoành tráng, chứa đựng “nội dung lớn” của lịch sử và thời đại theo đặc trưng của thể loại trường ca trước đây; ở trường ca này, Thanh Thảo lại khai thác yếu tố “sử thi” từ những chuyện đời thường, những con người bình thường với lòng tốt bình thường hiện diện giữa thời bình như ở Lời nói đầu anh thổ lộ: “Lòng tốt bình thường, không lớn lao hoành tráng, không nhằm chứng minh, không mong đền đáp, chính là lòng tốt mà chúng ta thường nhận được, mà chúng ta đôi khi lơ đãng bỏ qua”.
Qua chiêm nghiệm đời mình, Thanh Thảo nhận ra rằng: người tốt thường ít nói/ hoặc không nói gì/ như cái cây. Với quan niệm ấy, anh tập trung ngợi ca lòng tốt của những “nhân vật” bình thường, thậm chí là “những phận người bé mọn”.
Người tốt cũng chẳng phải ai xa xôi, mà hiển hiện quanh nơi ta ở: có chị hàng xóm gần nhà/…/ chăm tập thể dục/ chăm hơn, giúp người khác/ tới kỳ lương chị xung phong nhận giùm lương hưu/ thỉnh thoảng biếu nhà tôi bát canh cua/ vài quả ổi. Đơn giản vậy thôi mà anh vẫn nhận ra: chính từ những điều nhỏ nhoi ấy đã hướng con người đến một tình yêu lớn. Đó là sự hòa hợp giữa con người với thế giới tự nhiên chung quanh ta, ngay cạnh bên ta: giúp người khác như cái cây nở hoa/ đâu vì nó/ tôi yêu cây xanh từ lẽ đó/ cây khiêm nhường hơn tôi rất nhiều/ mỗi khi tôi tưới nước, cây yêu/ hàm ơn lặng lẽ. Chỉ một hành động tốt (rất nhỏ thôi), của một “anh bảo vệ” (bình thường thôi), nhưng khi hành động ấy được thực hiện như một thói quen hằng ngày, sẽ giúp lòng ta “bình thản như câu thơ”, trong “lành như dòng nước mát”, cứ như đã cây thì cứ phải xanh dù có phải “mọc trong góc khuất”: bình thản/ như câu thơ/ lành như nước/ uống được/ hệt anh bảo vệ/ phố đi bộ Sài Gòn/ chuyên sửa xe giùm người khác/ mọc trong góc khuất/ cứ là cây xanh… Người tốt ở quanh ta không chỉ có ở trên đường phố xa hoa tại một thành phố lớn phương Nam, mà còn nhìn thấy ở trên ruộng đồng - xứ sở “ăn rau má, phá đường tàu”, nơi “20 cô công nhân may lội bùn cấy lúa” giúp “bác già tuổi 70”. Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn, “không cần bình luận” gì thêm:
về một đám ruộng Thanh Hóa
thấy 20 cô công nhân may
lội bùn cấy lúa
giùm một bác già tuổi 70
không cần bình thêm gì nữa.
Rồi câu chuyện “tí hon” cảm động ở một ngôi trường miền núi Quảng Ngãi giữa một thầy hiệu trưởng (Đặng Văn Cương) và chú bé tí hon (Đinh Văn K’Rể): vào một ngày đẹp trời/ thầy hiệu trưởng đưa em bé tí hon về nuôi/ cứ ngỡ thu xếp dăm bữa thôi/ ngờ đâu, có thể suốt một đời. Đó còn là những người bạn thơ bình thường, giúp đỡ nhau, nương tựa nhau trong những ngày khốn khó, những đêm cơ nhỡ: cái đêm hôm ấy cũng chẳng đêm gì/ bạn đạp xe về nhà Thụy Kha/ 60 Hàng Bông nơi tôi đang tạm trú/ còn bao nhiêu tiền dốc ra/ ba chúng mình uống bia cười ha ha.
Bên cạnh những người tốt quanh tôi ở ngoài đời thực, Thanh Thảo còn liên tưởng đến những người tốt bình thường, thậm chí là những nhân vật bất bình thường từ trang sách nổi tiếng của nước ngoài mà anh đã đọc: tôi yêu Berthold Brecht/ cả thơ lẫn kịch/; trong “Người tốt ở Tứ Xuyên”, anh có biết/ vì sao người tốt ấy lại là cô gái điếm?/ vì sao người ta ăn quỵt lòng tốt của cô?... Jean Paul Sartre cũng từng tôn vinh/ một cô gái điếm. Không chỉ tôn vinh lòng tốt của những phận người bé mọn, thậm chí là bị xã hội khinh rẽ trên những trang sách viết về những người thấp hèn, bé mọn; Thanh Thảo cũng đã từng gặp ở phố cổ Hội An một con người tốt cụ thể, hơi “bất bình thường” trong con mắt của người chung quanh như thế: tôi đã gặp ở quán bánh mì Phượng Hội An một chú em xăm trổ đầy mình
thấy tôi xếp hàng mua bánh…
…chú đưa tôi hai chiếc bánh vừa mua
kiên quyết không lấy tiền.
Từ “hai chiếc bánh mì” của “chú em xăm trổ” ấy, anh đã nhận chân ra cái cao cả ẩn đằng sau cái tưởng chừng như không tốt: hạnh phúc/ là khi mình già như cục gạch/ lại được trẻ trai cho quà/ xăm trổ thì đã sao? Vui mà. Vui vì cho dù cuộc đời có thế nào, người tốt ở quanh ta vẫn còn nhiều và mang đến cho ta niềm tin yêu cuộc sống: những người tốt quanh tôi/ như đá mọc. Nó như ngọn gió nồm Nam mát rượi trong ngày nóng bức: những người tốt quanh tôi/ nồm lên những ngày nóng bức. Cũng từ đó, ta trao yêu thương cho nhau, “từ đây người biết yêu người” (Văn Cao), yêu cả cỏ cây, muông thú, hòa hợp giữa con người với thế giới tự nhiên:
những cái cây tốt
sinh ra để giao cành
đời tôi yêu bạn
tiếng chim gù một cõi trong xanh.
Tình yêu thương, đối đãi tốt với nhau, sống tử tế cùng nhau, rõ ràng khó có “khoa học nào giải thích được”, kể cả “máy đo trường sinh học” cũng không thể nào phân cực âm - dương của sự “hi sinh” cho người khác: khoa học nào giải thích được/ nghĩa yêu thương/ máy đo trường sinh học nào chỉ được/ hi sinh là âm (-) hay là dương (+). Mặc dù nhà thơ từng biết: đâu phải những người sống quanh ta/ đều tốt, nhưng rõ ràng có rất nhiều những người tốt quanh ta, rất “thiện lành”, thật thà như hạt lúa, củ khoai: tôi đã gặp bao người/ họ dễ thương hơn tôi tưởng/ “thiện lành” như khoai nướng/ thế là ổn. Cho nên “sử thi” trong thời bình, nhất là trong cơ chế thị trường hiện nay, chỉ cần sống tốt với nhau “thế là ổn”!
Yên Phú, đầu thu 2023.
MAI BÁ ẤN