Đà Nẵng cuối tuần
Khiên - vật bất ly thân của người Ca Dong
Với đồng bào Ca Dong, khiên là báu vật, biểu tượng cho tinh thần bảo vệ bản làng của các chàng trai Ca Dong dũng cảm. Không người đàn ông Ca Dong nào mà không có khiên, không làng nào lại thiếu khiên treo trên vách nhà rông. Những lúc không dùng đến, khiên được cất giữ, trưng bày một cách trang trọng trên vách ở nhà làng truyền thống...
Đi kèm khiên là một con dao có lưỡi bằng sắt dát mỏng sắc nhọn, có cán bằng gỗ xoài. |
Nếu có dịp đi điền dã trên huyện vùng cao Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam), may mắn bạn sẽ được tiếp chuyện các già làng Ca Dong, những người am hiểu phong tuc tập quán của tộc người nằm tựa lưng vào dãy Trường Sơn dọc theo ba tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum. Người Ca Dong sinh sống trong môi trường rừng núi nên xem khiên là loại vũ khí tự vệ không thể thiếu của dân tộc mình.
Thuở xưa, khiên luôn là điều quan tâm hàng đầu của đàn ông Ca Dong. Già làng Đinh Văn An (80 tuổi), ở thôn 6, xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My, cho biết khi đi rẫy, vào rừng săn bắn hay đi chơi xa, họ luôn mang theo khiên kèm với con dao. Đây là vật bất ly thân, cho thấy nhu cầu tự vệ của người miền núi khi gặp phải sự tấn công từ bên ngoài và của những loài thú lớn. Người ta thường nói, muốn hiểu về một chàng trai Ca Dong, hãy quan sát cách múa khiên của họ. Họ tập luyện thường xuyên để phòng khi gặp phải hiểm họa ập đến không lường trước được.
Khiên từ lâu đã ăn sâu vào tiềm thức trong cộng đồng người Ca Dong ở huyện Bắc Trà My. Để làm ra được một khiên mất rất nhiều công đoạn và phải tuân thủ các luật tục của tộc người Ca Dong một cách nghiêm ngặt. Khiên được làm từ gỗ nguyên thân và sử dụng các dụng cụ như dao, rìu, đục… Người chịu trách nhiệm cúng khiên phải là người lớn tuổi nhất trong gia đình hoặc mời già làng thực hiện nghi thức quan trọng này, họ lấy tiết gà bôi lên miếng gỗ làm khiên để cầu mong thần linh che chở và ban những điều may mắn khi sử dụng khiên.
Khiên có dáng tựa hình thoi; chiều dài gấp đôi chiều rộng; phía ngoài bịt da trâu, lấy từ lễ hiến sinh trâu sau khi cộng đồng thực hiện nghi lễ ăn mừng lúa mới của làng. Bên trong khiên có 2 quay móc vòng cung bằng cây mây được gắn chặt vào miếng gỗ có dáng hình bán nguyệt, để dễ dàng luồn tay vào khi sử dụng. Đi kèm khiên là một con dao có lưỡi bằng sắt dát mỏng sắc nhọn, cán bằng gỗ xoài. Phần giữa cán dao có một cái khâu bằng đồng dùng để giữ chặt lưỡi dao. Phần trên cán dao, có một cái khâu bằng sắt để giữ đầu cán và một cây sắt nhỏ dài khoảng 2cm. Đi kèm theo dao là bọc bằng gỗ xoài dùng để xỏ lưỡi dao, trên đó có dây đeo bằng sợi mây thắt kiểu con tít.
Thuở xưa người Ca Dong phòng vệ bản thân mọi lúc mọi nơi, luôn sẵn sàng phòng ngự chống các trường hợp bị tấn công từ thú rừng hay chống lại các thế lực tấn công, cướp bóc từ bên ngoài. Mỗi khi đi rừng, đi rẫy hay đi đâu xa, đàn ông thường mang theo giáo, mác, ná và khiên; phụ nữ cũng mang theo rựa, dao phát để đề phòng một khi bị bất trắc xảy ra. Từ các công cụ sản xuất cho đến các vật dụng dùng để săn bắt đều là công cụ phòng thân. Từ xưa đến nay, người Ca Dong dùng khiên làm vũ khí tự vệ đi đôi với cách thức phòng thủ, chưa hề có chuyện đánh nhau xảy ra trong cộng đồng Ca Dong với nhau.
Trong quá trình sử dụng khiên, đàn ông Ca Dong hiểu rằng, cần phải có cách phòng vệ tốt thì khiên mới đem lại hiệu quả. Ở nhà thì tổ chức bố phòng. Khi chọn đất lập làng thì tính toán đến điều kiện địa hình thuận tiện cho việc bố trí phòng thủ. Người Ca Dong chặt cây rào xung quanh làng, có đào hào và cắm chông thò, cạm bẫy. Trên cổng vào làng, có treo mõ bằng ống tre để báo động. Mỗi làng đều tổ chức đội tự quản gồm những thanh niên, trai tráng khỏe mạnh. Người có khiên ai cũng mưu trí, dũng cảm để tự vệ dưới sự chỉ huy của già làng.
Ngoài ra, khiên còn được sử dụng như đạo cụ tham gia những điệu múa cồng chiêng của nam nữ Ca Dong trong các lễ hội truyền thống như: lễ mừng chiến thắng, lễ trưởng thành, lễ ăn trâu huê mừng được mùa, Lễ cúng bến nước... Cũng theo già làng Đinh Văn An, điệu múa khiên thường có 2 hoặc 4 người, thể hiện tư thế dũng mãnh của các chàng trai. Lúc chống đỡ, khi tấn công,... tay cầm dao, tay cầm khiên phải vung lên đưa xuống nhịp nhàng. Nhịp điệu sôi nổi, dũng mãnh lúc múa khiên góp phần làm cho lễ hội thêm rộn ràng, sôi động. Trò diễn này còn mang một mục đích sâu xa hơn, là tạo ý thức thường trực phòng vệ cho mọi thành viên trong cộng đồng của tộc người Ca Dong. Điệu múa khiên giúp cho thế hệ trẻ Ca Dong hiểu ông bà mình đã đối phó thế lực từ bên ngoài, với thú dữ để tự bảo vệ mình, bảo vệ bản làng như thế nào.
Có thể nói, khiên là loại công cụ che đỡ, phòng vệ rất hữu ích của tộc người Ca Dong trên vùng Trường Sơn - Tây Nguyên thuở xưa. Đây là vật bất ly thân, cho thấy nhu cầu tự vệ của người miền núi khi gặp phải sự tấn công từ bên ngoài và kể cả khi bị những loài thú lớn tấn công. Khiên đã gắn bó với bà con bao kỷ niệm buồn vui trên hành trình lập làng, dời làng từ những năm còn định cư trên tận núi cao. Ngày nay việc chế tác cũng như sử dụng khiên đối với người Ca Dong hầu như không còn nữa. Trong cái ngoái nhìn tích cực về quá khứ, thấy dẫu thế nào thì khiên cũng đã góp phần làm phong phú hơn trong kho tàng văn hóa vật thể, phi vật thể trong bức tranh tổng thể 54 dân tộc Việt Nam...
NGUYỄN VĂN SƠN