Đà Nẵng cuối tuần
Mời ăn sáng
Chẳng nhớ có báo chí nào từng viết, ăn sáng chẳng qua chỉ là trò của công ty ngũ cốc bên trời tây làm quá lợi ích lên để bán được hàng. Rồi từ bao giờ, nó thành việc chẳng thể thiếu để bắt đầu một ngày mới. Biết sao giờ, người ta có thể tin tờ báo ấy hoặc không, nhưng cái bụng mình 100% người ta chắc chắn tin. Không tin sao được, thử đừng ăn sáng mà đi làm, không đau bao tử cũng gục ngã giữa núi công việc như chơi.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Có việc ăn sáng thì có việc chọn người ăn sáng chung. Bạn bè, đồng nghiệp, người thân, người yêu… Từ lúc nào đó, mời nhau ăn sáng thành một cử chỉ đẹp. Đẹp thật mà, khi cái bụng no con người dễ tính hơn, đôi mắt thấy điều chi cũng long lanh hẳn, chắc vậy. Tôi hay mời thằng bạn thân ăn sáng, và nó cũng mời lại tôi, dù không khác gì nếu cả hai tự trả tiền phần mỗi người ăn nhưng như vậy nó ý nghĩa và vui hơn. Xong xuôi lại ngược dòng xe, mỗi đứa đi làm một chỗ.
Đi ăn sáng chung cũng là cái cớ để gặp gỡ, tám chuyện này kia và than thở về cuộc sống lúc nào cũng thừa mứa những điều cần than thở. Chứ không lý do hơi khó hẹn nó, ngày nghỉ dạo này nó luôn về quê. Thôi, lo cho gia đình là tốt, sao tôi phàn nàn được. Thì cũng cần ăn sáng, cần gặp nhau, hợp thức hóa hai điều thành một vừa tiện vừa hay.
Bữa sáng ngồn ngộn chuyện. Bạn không trả lời khi tôi hỏi dạo này chăm về nhà dữ. Bạn lái qua chuyện khác, chuyện ăn sáng, coi món nào người ta ưa ăn nhất. Tôi lại chuyển chủ đề qua thân thiết mới mời nhau ăn sáng. Bạn ngừng một lát, nhìn tôi như nhìn cái cây biết nói, khùng khục cười nói vậy mà bạn biết một ông già chuyên mời người lạ ăn sáng. Tôi không tin, làm gì có ai kỳ lạ vậy. Bạn chầm chậm kể.
Một ông già bình thường, nhà cũng đủ ăn, sáng sáng hay đem ghế với ấm trà quạu ra trước nhà ngồi chơi. Ngồi ngắm người, coi ai vừa mắt thì… mời ăn sáng. Có khi vừa uống một ly đã chọn được, có khi phải cạn ấm, có khi chẳng kịp đụng trà chốt ngay người đầu tiên gặp. Toàn người lạ. Không phải ai cũng gật, nhưng thường người ta gật, vì xóm đó nhiều người nghèo. Ổ bánh mì, tô phở, bún riêu… quá hấp dẫn đủ để che mờ suy nghĩ họ sẽ bị lừa gạt. Họ cũng chẳng có gì để mất. Họ gật đầu.
Vậy thì ông già được gì? Bạn bật cười lần nữa, trước câu hỏi của tôi, ừ con trai ông già cũng hỏi y hệt. Ông già được những câu chuyện. Ông già tốn vài chục ngàn, nhưng mua được một bữa ăn rôm rả. Ông được nghe bà bán vé số kể chuyện hồi xưa mê kép hát bỏ nhà đi theo phiêu bạt tới giờ, giông gió trải nhiều quên luôn người mình từng si mê. Ông được nghe chuyện ông già cụt tay hồi xưa là tay lặn số một, vớt trúng mìn nổ mới ra như vầy. Nghe chuyện vợ chồng bán ve chai đi hết chùa này miếu kia cầu một đứa con. Chuyện nào với ông cũng hay, cũng đầy sức sống.
Tôi hỏi còn gì nữa không, bạn đáp còn chớ. Không những nghe chuyện, ông còn được học. Học cách lựa trái cây từ anh khuân vác, biết dưa chín ngon khác dưa bọng lạt nhách ra làm sao. Học nghị lực từ anh thợ hồ đang tích cóp từng đồng mơ tới ngày tự tay xây ngôi nhà cho vợ con mình. Học ý chí của đứa bé bán bánh cam, mơ sau này lớn lên làm bác sĩ. Học một mớ mẹo vặt cuộc sống từ bà đẩy xe dừa bán dạo. Học tình yêu vô bờ bến của người đàn bà ăn xin, hỏi rằng bà có thể không ăn mà bỏ bọc đem về cho mấy đứa con ở nhà được không. Tụi nhỏ chưa bao giờ được ăn phở, dù chính bà cũng chưa từng được ăn.
Miếng chả từ tô bún riêu nghẹn hơi cổ họng tôi. Ớt làm mắt tôi cay, chắc vậy. Tôi chống chế, cho là có ông già đó đi, nhưng chắc gì ổng nói thật. Ai lại đi ăn sáng với người lạ. Ai lại chịu kể chuyện mình dễ dàng vậy. Bạn ừ, ngoảnh mặt nhìn mấy con chim sẻ bay ngang qua, nói con ông già cũng không tin những điều đó. Nó trách ông già ở không làm chuyện tào lao, không biết tiết kiệm cho nó nhờ. Rồi ông già trả lời sao? Ổng nói nó đừng lo, tiền từ lương hưu, tiền nó gửi về ổng chưa đụng tới. Nó lại hỏi, sao ông già lại làm vậy. Có ý nghĩa gì đâu, mắc công người ta xầm xì nghĩ ông không đứng đắn đàng hoàng. Nó muốn ông già ngừng chuyện đó.
Rồi ổng trả lời sao, tôi hối, khi thằng bạn đương không lại trầm ngâm. Bạn đáp, ổng hỏi ngược lại, vậy chứ nếu ba mời con đi ăn sáng, con có đi không? Mấy chục ngàn có mua được câu chuyện của con không? Có mua được một buổi ngồi cùng con không?
Thằng bạn nhìn tôi bằng đôi mắt ươn ướt, như xuyên thủng tôi. Mọi câu hỏi đang khuyết được lấp đầy. Ông già kỳ lạ đó quen thuộc quá. Ai cũng có một người cha mà, và sau này ai cũng có một đứa con? Tôi tự hỏi mình, bao lâu tôi chưa về mời người nhà ăn sáng? Bao lâu?
PHÚC GIANG