Đà Nẵng cuối tuần

Nhà ga Huế

14:08, 09/09/2023 (GMT+7)

* Lần đi du lịch bằng đường sắt vừa rồi, tôi nghe nói ga Huế là một trong những nhà ga cổ ở Việt Nam. Xin giới thiệu đôi nét về nhà ga nổi tiếng xứ Thần kinh này. (Trương Văn Ánh, Thanh Khê, Đà Nẵng).

* Lần đi du lịch bằng đường sắt vừa rồi, tôi nghe nói ga Huế là một trong những nhà ga cổ ở Việt Nam. Xin giới thiệu đôi nét về nhà ga nổi tiếng xứ Thần kinh này. (Trương Văn Ánh, Thanh Khê, Đà Nẵng).
Nhà ga Huế nổi bật như một biểu tượng của vùng đất cố đô cổ kính. Ảnh: V.T.L

- Ga Huế là một nhà ga chính trên tuyến đường sắt Bắc Nam, tọa lạc tại Phường Đúc, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Tồn tại hơn một thế kỷ, theo dòng thời gian, nhà ga Huế như một nhân chứng lịch sử hào hùng của dân tộc và cũng là người bạn tri kỷ của biết bao thế hệ người dân ở mảnh đất cố đô.

Theo giới thiệu của Nhà ga Huế, người Pháp xây dựng ga Huế từ năm 1908 chỉ sau ga Hàng Cỏ (Nhà ga Hà Nội) hiện nay. Ban đầu nhà ga có tên gọi là ga Trường Súng - gọi vậy vì lúc trước đây là khu đất để các binh lính tập bắn súng. Đến khoảng năm 1936, tuyến đường này dần trở thành một phần của tuyến đường sắt Bắc - Nam. Ga Huế cách ga Đông Hà (phía Bắc) khoảng 66km, cách ga Đà Nẵng (về phía Nam) khoảng 100km.

Nhà ga Huế được người Pháp xây dựng theo lối kiến trúc dịch vụ đường sắt châu Âu. Nơi đây bao gồm một quần thể công trình liên hoàn với một nhà ga dùng để chào đón khách, tiếp đến là ga tiếp nhận hàng hóa và các phòng làm việc, khách sạn...

Theo tổng hợp du lịch của trang mia.vn, tuổi của ga Huế bằng với cầu Trường Tiền, chợ Đông Ba, Bệnh viện Trung ương Huế và Trường Quốc học Huế. Nhà ga Huế còn lưu giữ được một số chứng tích của thời kỳ Pháp thuộc mà hiếm có nơi nào còn. Trở thành nhà ga cổ kính đứng vững qua bao năm tháng và là điểm đến đậm chất cổ điển với du khách bốn phương. Nhà ga Huế luôn nằm trong danh sách những ga tàu đẹp nhất ở Việt Nam. Điểm thu hút đặc biệt của nhà ga này so với những công trình nổi tiếng khác ở Huế chính là mang đậm nét kiến trúc châu Âu cổ.

Trong hơn một thế kỷ tồn tại, ga Huế đã in dấu chân của của rất nhiều nhân vật quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Đây thường là điểm trung chuyển các vị vua Khải Định và Bảo Đại trên đường ra cảng biển Đà Nẵng hoặc từ Đà Nẵng về Huế trong những chuyến đi về Pháp quốc. Ngoài ra, những nhân vật tên tuổi trong lịch sử của dân tộc như Huỳnh Thúc Kháng, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Võ Nguyên Giáp… đều đã ghé qua nhà ga này trong những chuyến đi vào Nam. Vậy nên có thể nói nơi đây là điểm lưu giữ những dấu mốc quan trọng trong lịch sử của dân tộc Việt Nam. Ở mảnh đất Cố đô cổ kính, Nhà ga Huế như một nhân chứng sống đã chứng kiến sự mất mát cũng như hồi sinh, phát triển của vùng đất này hay những con người đầy chân tình nơi đây.

Ga Huế cũng là nhà ga được hai nhà thơ tài danh tiền chiến (Tế Hanh và Nguyễn Bính) đưa tên vào trong kho tàng thi ca Việt Nam. Vào năm 1938, Tế Hanh - chàng học sinh Trường Quốc học Huế - thích đến ga Huế ngắm những đoàn tàu Bắc Nam đến rồi đi, bỗng ngẫu hứng làm bài thơ đầu tay Những ngày nghỉ học. Nguyễn Bính - nhà thơ “chân quê” lừng danh - trên bước đường phiêu bạt giang hồ từ Bắc vào Nam, khi dừng chân tại Huế, ông đã để lại cho đời hai bài thơ: Xóm Ngự Viên và Những bóng người trên sân ga.

ĐNCT

.