Đà Nẵng cuối tuần

Những mùa trăng

18:01, 23/09/2023 (GMT+7)

Nhắc đến Trung thu, chúng ta đều dễ dàng hình dung đến hình ảnh chị Hằng, chú Cuội, những chiếc đèn ông sao sắc màu, những chiếc bánh nướng, bánh dẻo và trẻ em khắp nơi rồng rắn rước đèn trong tiếng trống rộn ràng … Thế nhưng, đâu đó vẫn có những mùa trăng không theo “khuôn mẫu” chung, mang những nét riêng hay chứa đựng cả bầu trời nỗi niềm xao xác, thương nhớ. Và hôm nay tôi sẽ kể cho các bạn về những ngày Trung thu như thế.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Mùa trăng năm đó - mà bạn tôi đã gọi bằng tên “Mùa biết ơn” - là khi Covid-19 đang hoành hành. Những đứa trẻ nhà tôi, nhà bạn và phần lớn các gia đình khác đều trải qua đêm hội Trung thu đặc biệt không trống lân, không lồng đèn và không cả bánh trái. Thời khắc đó, khi mặt trăng tròn vành vạnh, sáng ánh bạc trên bầu trời cũng là lúc chúng tôi cùng lũ trẻ cảm nhận rõ sự biết ơn về những yên bình đang hiện hữu trong ngôi nhà mình. Từ đó, chúng tôi đã có một đêm Trung thu giản dị nhưng ấm cúng, cùng quây quần, trò chuyện bên nhau và cùng mong sự an yên này sẽ được lan tỏa khắp nơi.

Mùa trăng năm khác - mà tôi đã đặt tên là “Mùa sẻ chia”, khi tôi vinh dự được tham gia chương trình “Mang âm nhạc đến bệnh viện” với hàng trăm bệnh nhân, y, bác sĩ và các tình nguyện viên. Trong khoảng vài tiếng diễn ra chương trình, các bệnh nhân, y, bác sĩ và cả người nhà bệnh nhân được thưởng thức nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc, tạo không khí vui tươi, động viên, chia sẻ để các bệnh nhân thêm nghị lực vượt qua nỗi đau bệnh tật; đồng thời, giúp đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ giảm bớt áp lực, căng thẳng trong công việc. Cùng bệnh nhân hòa mình vào bữa tiệc âm nhạc tràn ngập yêu thương, tôi không nhớ nổi mình đã bao lần rơi nước mắt khi bắt gặp hình ảnh những em nhỏ trên người vẫn còn kim tiêm, đầu quấn khăn, có em phải ngồi xe lăn nhưng vẫn say sưa hát và nhún nhảy theo nghệ sĩ trên sân khấu. Ở góc kia, có em một tay giơ cao chiếc lồng đèn, một tay cầm điện thoại quay lại những lời ca tiếng hát.

Trên khuôn mặt ấy, qua ánh mắt ấy, trong thoáng chốc, tôi không cảm nhận được nỗi đau, nỗi sợ, thay vào đó là niềm vui và những hy vọng về cuộc sống. Trung thu năm đó, dù các em không được chạy nhảy rước đèn qua khắp các con đường, ngõ phố, dù cơ thể các em vẫn còn dịch truyền, dù những đau đớn về thể xác và tinh thần vẫn còn hành hạ; nhưng các em đã có một đêm hội ấm áp và đầy ý nghĩa, các em đã được tiếp sức bởi năng lượng tích cực từ mọi người xung quanh. Khuôn viên bệnh viện lúc bấy giờ không chỉ bừng sáng bởi ánh sáng trăng rằm, bởi ánh đèn sân khấu mà tưởng chừng như còn lung linh bởi ánh sáng tình người lan tỏa, bởi sự sẻ chia nhiệm màu trong mùa đoàn viên.

Và mùa trăng năm nay - khi những ngày Trung thu đang cận kề - tôi lại nghĩ về “Mùa nguyện ước”. Bên cạnh Tết thiếu nhi 1-6 thì Trung thu là ngày hội lớn nhất trong năm của trẻ em cả nước. Vậy mà, thay vì rước đèn, phá cỗ, có nơi nhiều đứa trẻ đã phải nói lời từ biệt cuộc sống vì một tai nạn cháy nổ thương tâm; có những em đột ngột mồ côi với sự bơ vơ, hụt hẫng không thể bù đắp. Đã quá muộn để thốt lên hai tiếng “Giá như” khi món quà thật sự cần và đáng trân trọng với trẻ em chính là sự bình an, là không khí sum vầy, yêu thương của gia đình. Người ta vẫn thường nói, trăng Rằm tháng Tám được cho là tròn và sáng nhất trong năm, tượng trưng cho sự trọn vẹn và tình yêu gia đình.

Nhưng có lẽ, Trung thu năm nay, vầng trăng sẽ thôi lấp lánh, đèn lồng sẽ thôi thắp sáng, lân rồng sẽ ngưng tiếng trống, để dành không gian cho sự nguyện ước - cầu nguyện cho những đau thương sẽ sớm được xoa dịu và ước mong tất cả những mùa trăng đều trọn vẹn cho trẻ nhỏ mọi nơi. Với mọi nỗ lực, trách nhiệm và sự chung tay của cộng đồng, mong rằng những nguyện ước kia sẽ sớm thành hiện thực.

Miên man nghĩ về mùa trăng năm sau và những năm sau nữa, tôi mong sẽ được kể cho các bạn về những “Mùa hy vọng” không bệnh tật, không nỗi đau, không mất mát - chỉ có niềm vui hân hoan, tiếng cười giòn giã và những hy vọng về một tương lai tốt đẹp. Những mùa trăng vì thế, sẽ ghi dấu trong ký ức mỗi người để nhớ, để thương, để chờ mong và cảm thấu…

ĐỖ LAN HƯƠNG

.