Đà Nẵng cuối tuần
Bình yên nghe một tiếng gà
Sớm mai, hơi sương lành lạnh làm tôi tỉnh giấc. Nằm chờ trời sáng, chợt nghe tiếng gà gáy phía sau vườn. Đó là tiếng gáy của chú gà ri (gà rừng) f2, tôi nuôi đã lâu, dù nhỏ con nhưng lông rất đẹp và oai vệ. Rồi đồng loạt những chú gà khác trong vùng cùng cất tiếng ngân vang, kéo dài. Tiếng gà gáy thoạt nghe mơ hồ như từ xa xưa vọng lại. Âm thanh vọng vang, khỏe khoắn như muốn phá vỡ sự bình yên của buổi sớm, khi mặt đất còn mờ mờ tối, ngoài vườn tiếng côn trùng vẫn rỉ rả, tiếng chó sủa nhúc nhắc và những con đường làng chưa kịp ầm ào xe cộ ngược xuôi. Tiếng gà gáy từ canh ba, tiếng gà đã đánh thức tôi khỏi giấc ngủ mộng mị một đêm dài, đánh thức cả một vùng ký ức thẳm sâu đã ngủ quên từ lâu lắm, về một miền quê bình yên vẫn còn đây mà ngỡ xa lắc.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Từ ngày xưa, mỗi sớm mai, tuổi thơ tôi đã quen thuộc tiếng gà gáy sáng, quen đến nỗi có lúc thấy bị phiền toái bởi chúng làm loạn giấc ngủ của đứa trẻ con đang tuổi ăn tuổi lớn. Bữa nào ngủ quên không nghe tiếng gà để thức dậy thì lại thấy dáng cha đứng bên đầu giường, lay từng đứa con dậy học bài. Cha thường bảo sớm mai trong lành, đầu óc còn minh mẫn sau một đêm nghỉ ngơi nên học dễ vào. Ngày ấy, chị em tôi chỉ thấy bị cha gọi dậy sớm là uể oải, ngáp ngắn ngáp dài, đặc biệt là những sớm mùa đông khi gió mùa Đông Bắc tràn về. Tuổi thơ, tôi nào biết chính thanh âm thân thuộc, bình dị tiếng gà gáy sáng làm nên cái hồn quê mộc mạc, tiếng gọi của mẹ cha là cả một miền yêu thương, lo toan cho tương lai của con. Tôi nào biết để cho chị em được ăn học, được bình yên nghe những tiếng gà, cha mẹ luôn dậy trước cả tiếng gà. Ngày mùa, cha sửa soạn nông cụ để ra đồng, mẹ lo cơm nước cho cả nhà. Ngày nông nhàn, cha dậy mài chiếc rìu, chiếc rựa để lên rừng đốn củi, mẹ chuẩn bị mo cơm cho cha mang theo khi đi cả ngày trời. Tiếng gà gáy lần ba, lần tư, đã thấy bóng cha lầm lũi cùng cày bừa trên đường làng giăng mờ sương sớm; dáng mẹ tần tảo với quang gánh ngược xuôi...
Nằm trên giường, nghe những chú gà trống râm ran gáy sáng, chợt nhớ chợt thương, tự dưng nước mắt tôi chảy tràn trên gối. Hình ảnh ký ức xưa bên mái nhà tranh như một cuốn phim chầm chậm quay về. Một sớm mai như những buổi mai khác, lúc mẹ tôi trở dậy nhóm bếp lo cơm nước rồi đun nồi nước chè xanh đặc sóng sánh, dường như mọi hương vị quê nhà đều lắng vào trong ấm nước. Cái bóng dáng tảo tần, lúi húi mẹ đổ nghiêng trên liếp phên ám đầy bồ hóng. Khi tiếng gà gáy sáng, đó cũng là lúc cha tôi ngồi trên chiếc phản gỗ trước hiên hút thuốc lào, rồi đăm chiêu nghĩ ngợi về công việc, mùa màng. Mấy chị em lại chụm đầu bên chiếc đèn dầu ê a học thuộc trong ánh nhìn đầy thương yêu, tự hào của mẹ của cha
Theo thời gian, diện mạo làng quê không ngừng thay đổi, có những thứ hồn hậu, bình dị và trong sáng đã thành quá khứ, có những tập tục dần thay đổi. Duy chỉ có tiếng gà gáy sáng là vẫn vậy. Vẫn là chú gà trống có thứ hạng cao nhất trong đàn luôn là con gáy đầu tiên vào mỗi buổi sáng. Thời gian bắt đầu gáy của gà đầu đàn cũng có thể thay đổi giữa các ngày, các mùa tuy nhiên tiếng gáy của những chú gà khác luôn luôn bắt đầu ngay sau tiếng gáy của gà trống có thứ bậc cao nhất. Chúng ngầm truyền cho nhau bảo bối ấy một cách trang nghiêm, thuần khiết, không dị bản.
Nếu tiếng gà gáy sáng bình yên neo vào hồn ta niềm thương nỗi nhớ thì tiếng gà nhảy ổ cục tác cục ta lại gợi lên bao niềm vui về mong ước một cuộc sống sung túc, đủ đầy. Có những buổi trưa ta trốn ngủ rình gà đẻ. Con gà mái mơ, mái vàng nào vừa nhảy lên ổ, thấy mấy cái đầu thập thò lại nhảy xuống và “cục tác” loạn lên. Quan sát quá trình gà mái mặt nó đỏ au, lông chung quanh cổ dựng đứng lên. Khi quả trứng lăn xuống ổ rơm, cũng là lúc chị ta nhảy xuống đất, kêu ầm lên, rằng “cục ta cục tác”, như nói với mọi người rằng, tôi đẻ rồi! Tôi đẻ rồi!Ta chẳng biết, nhưng vẫn nhớ bọn trẻ thường đùa nhau biến tấu từ tiếng cục tác của gà mái thành “chập - bác” để mong ước có món trứng rán trong tuổi thơ đói mỏi đói mòn. Tiếng gà mẹ tục tục gọi con khi những vụ mùa bội thu, những đụn rơm dát vàng đường làng ngõ nhỏ, nơi ruộng đồng cò bay thẳng cánh, nơi đàn gà con ngày ngày líu ríu theo chân mẹ kiếm mồi cũng khiến ta nôn nao nhớ về một khoảng bình yên của cuộc sống, bình yên và hạnh phúc được che chở của mẹ hiền.
Chẳng ai lạ gì tiếng gà gáy sáng, tiếng gà cục tác ban trưa nếu người ấy sinh ra và lớn lên ở một làng quê. Và sẽ chẳng ai mấy quan tâm khi ngày ngày âm thanh rất đỗi quen thuộc ấy hiện hữu như một khúc nhạc của làng quê. Thế nhưng một lúc nào đó như sáng nay, sau những tất bật của cuộc sống đời thường, vào một ngày nhàn tản, dậy sớm bắt gặp tiếng gà, lòng ta chợt thấy thân thương và ăm ắp một miền ký ức êm đềm. Tiếng gà bình yên gợi lại những ký ức êm đềm chẳng khác nào một điệu nhạc sâu lắng, luyến thương…
ĐINH HẠ