Đà Nẵng cuối tuần

Để xin lỗi trở thành văn hóa

16:11, 21/10/2023 (GMT+7)

Sáng 18-10, ngay trong lễ khai giảng năm học mới, lễ trọng của bất kỳ trường học nào, ở các bậc học khác nhau, một hiệu trưởng trường đại học đã gửi lời xin lỗi công khai đến sinh viên, giảng viên, các bậc phụ huynh. Người làm việc khác thường ấy là GS,TS. Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại sao GS. Hà lại phải nói lời xin lỗi vào đúng ngày bắt đầu năm học mới, trước đông đảo mọi người? Thì ra là trước đó nhà trường gặp khó khăn trong việc tìm kiếm địa điểm học tập cho sinh viên, nên phải thay đổi địa điểm từ quận Gò Vấp sang huyện Nhà Bè, khiến sinh viên phải đi xa hơn 20km so với cơ sở cũ.

Khoảng 4.000 sinh viên phải thay đổi địa điểm học tập, kéo theo đó là những xáo trộn trong việc đi lại, ăn ở. Hẳn nhiên, với sự thay đổi về địa điểm học tập, kéo theo đó là những âu lo, thậm chí bất an trong hành trình đi lại của con em mình, các bậc phụ huynh cũng không thể yên tâm. Tất nhiên, không chỉ sinh viên, phụ huynh, các giảng viên cũng bị động tương tự, với những mối bận tâm, sự bất tiện không hề nhẹ. Vậy nên, lời xin lỗi đưa ra của người đứng đầu nhà trường là dễ hiểu. Không chỉ vậy, GS. Hà còn cam kết rằng, nhà trường đã gấp rút khẩn trương triển khai các hoạt động hỗ trợ để sinh viên, giảng viên nhanh chóng ổn định, yên tâm học tập tại cơ sở mới.

Trước đó một ngày, chiều 17-10, một lời xin lỗi của lãnh đạo cũng được cất lên. Đó là việc ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình đến nhà riêng xin lỗi người dân vì xưng hô thiếu chuẩn mực khi làm việc. Lời xin lỗi được thực hiện khi lãnh đạo tỉnh Ninh Bình nhận được đơn phản ánh của người dân về hành động không đúng của ông Dũng với người dân khi thi hành công vụ và yêu cầu xác minh, chấn chỉnh.

Ông Dũng đã thừa nhận cái sai của bản thân là “nóng nảy, không kiểm soát được lời nói” và xin phép đến nhà người dân để xin lỗi. Nhưng lãnh đạo tỉnh Ninh Bình yêu cầu ông Dũng khi đi xin lỗi phải có sự chứng kiến của lãnh đạo huyện và lãnh đạo xã...

Trước đó một ngày, hôm 16-10, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định Trần Huy Thành đã ký quyết định xin lỗi người dân ở xã Bình Hòa, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định về việc giải quyết thủ tục hành chính quá hạn. Nguyên do là hơn 10 năm kể từ khi người dân nộp hồ sơ, Trung tâm Giao dịch hành chính một cửa thành phố Nam Định và một số đơn vị liên quan đã làm thất lạc hồ sơ, dẫn đến chậm giải quyết thủ tục, người dân phải dài cổ chờ đợi...

Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Ba lời xin lỗi trên của các vị lãnh đạo ở ba địa phương cũng như vậy, bất luận là do tự nguyện, thành tâm hay buộc phải xin lỗi. Nhưng có một điểm chung, ấy là đã có những lời xin lỗi được cất lên. Điều ấy thật sự không dễ dàng, bởi cái gọi là văn hóa xin lỗi ở ta lâu nay còn những sự “ngại ngùng”, “e thẹn”, hiếm khi xảy ra. Không ít lãnh đạo làm sai, biết rõ ràng là mình sai, nhưng vẫn rất khó nhọc trong việc thừa nhận và nói lời xin lỗi, nhất là với cấp dưới, với người dân.

Thế nên, những lời xin lỗi được cất lên, dù dưới hình thức nào đi nữa, cũng cho thấy sự văn minh, công bằng, sòng phẳng trong các mối quan hệ ứng xử xã hội, công việc. Đã sai thì phải thừa nhận, cất lời xin lỗi chân thành và tìm giải pháp khắc phục tốt nhất, đó là điều tất yếu!

Mới đây, ngày 18-8-2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 117-QĐ/TW, về “Xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng và đảng viên bị kỷ luật oan”. Quy định này ngay lập tức nhận được sự quan tâm đặc biệt và đánh giá cao của dư luận, bởi vừa thể hiện tính nghiêm minh, vừa thắm đượm tình đồng chí, góp phần hoàn thiện thể chế kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng, thể hiện rõ tính nhân văn của một đảng cầm quyền.

Từ những lời xin lỗi được cất lên thường xuyên hơn của các vị lãnh đạo làm chưa tốt, làm sai đến một quy định cụ thể của Bộ Chính trị về xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức Đảng, đảng viên bị kỷ luật oan cho thấy sự công bằng, nhân văn trong đời sống chính trị, xã hội. Điều ấy chắc chắn sẽ tạo ra bầu không khí dân chủ, cởi mở, thấu hiểu, cảm thông, đồng cảm, sẻ chia giữa Đảng với dân, giữa “đầy tớ của dân” với dân, và ngược lại. Khi khoảng cách được rút ngắn, khi sự sai lầm được thừa nhận, và những vướng mắc được bỏ qua, cảm thông, văn hóa xin lỗi sẽ dần hình thành và trở thành nét đẹp tất yếu trong cuộc sống.

NGUYỄN TRI THỨC

.