Đà Nẵng cuối tuần
Tấm bia vỡ và bài thơ hát nói tại động Hoa Nghiêm
Tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, bên vách trái động Hoa Nghiêm, đi từ ngoài vào, du khách sẽ nhìn thấy tấm bảng ghi tên động bằng chữ Quốc ngữ màu đỏ, tại chỗ hõm vào ở vách động có một tấm đá trắng, hình chữ nhật bị bể một góc, có khắc chữ Hán và Nôm nằm cạnh những cây nhang cháy dở giống như một nơi thờ phụng thần linh song kỳ thực đó là bài thơ hát nói “Nhớ Ngũ Hành Sơn” - một trong những ma nhai tiêu biểu của danh thắng này.
Tấm bia với bài thơ hát nói “Nhớ Ngũ Hành Sơn” - một trong những ma nhai tiêu biểu của danh thắng này. |
Tấm bia có kích cỡ rộng 36cm, dài 63cm, dày 6cm, bị vỡ một góc hình tam giác, hiện được gắn lại bằng xi măng. Toàn bộ bài thơ gồm 132 chữ (cả chữ Hán và chữ Nôm), được khắc với lối chữ khải chân phương, rõ, đẹp, dễ đọc; văn bản không ghi tiêu đề, ngày tháng, tên tác giả chỉ ghi hai chữ “Tiểu Cao” (tức Tiểu cao Nguyễn Văn Mại (1858-1945), người làng Niêm Phò, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên).
Một tác phẩm độc đáo
Bài thơ “Nhớ Ngũ Hành Sơn” được viết theo thể điệu hát nói, với những cung bậc biến chuyển tùy nguồn cảm hứng, nhiều câu khá hay: “Lối xe ngựa sau sau trước trước/ Cảnh Bồng Lai nước nước non non/ Thánh tích xưa đế tạo hãy còn/ Này Vọng Hải, Vọng Giang đài chẳng khác…”. Đương thời, Tổng đốc Quảng Nam là Tôn Thất Hân lấy làm thích vì ý thơ không có gì cao siêu, tứ thơ chẳng mấy tân kỳ, chữ dùng chưa được toàn Nôm giản dị nhưng tiết điệu thì nhịp nhàng giàu nhạc tính, dễ truyền cảm, nhất là khi được diễn ngâm hay ca hát, vì vậy ông thường kêu con hát vào dinh để ngâm bài hát nói này.
Nguyễn Văn Mại từng làm Án sát Quảng Nam (vào các năm 1895 và 1898), người từng vận động quyên góp 800 đồng để khắc in Giá viên toàn tập của Phạm Phú Thứ. Năm 1898, giới học sĩ Quảng Nam cùng lúc đậu 3 tiến sĩ, 2 phó bảng (thường gọi “ngũ phụng tề phi”), khi Tổng đốc Đào Tấn thiết tiệc tại nhà hát mới xây là “Khán hoa đình”, đã giao ông Nguyễn Văn Mại làm bài ký, rồi viết vào lụa để đón mừng các tân khoa.
Trong hồi ký Lô giang tiểu sử của mình, Nguyễn Văn Mại có viết: “Những người văn nhân mặc khách từ Bắc từ Nam đi qua đó, các quan đến nhậm chức trong tỉnh, cùng thân sĩ trong hạt… không ai không đến đó du lãm và đề vịnh. Cho đến những trang nữ sĩ, những nhà tu hành, không ai không khắc tên tuổi. Vào động Huyền Không, như là duyệt một tập Đường thi, không có miếng đá nào là không có chữ. Ta làm quan ở tỉnh trong 8 năm, không có tài làm thơ nên không dám đề vịnh…”.
Giữa năm 1902, khi được bổ ra làm Tuần vũ tỉnh Hà Tĩnh, nhớ lại Ngũ Hành Sơn, ông đã làm bài này và gửi về tặng Tổng đốc Quảng Nam. Bài họa cũng được làm theo thể hát nói của Tổng đốc Tôn Thất Hân thay tỉnh thuộc làm đáp lại có mấy câu khá tuyệt: “Hồng cao bay mà dấu cũ vẫn còn/ Này hòn Kim, hòn Mộc, hòn Thủy, hòn Hỏa, hòn Thổ, mấy hòn/ Tình lưu luyến chon von trên góc biển/ Muôn ngửa đội ơn trên hạ quyến/ Nước non còn trìu mến khách Bồng Lai/ Còn non, còn nước, còn dài…”.
Năm 1912, Ưng Bình Thúc Giạ Thị (tức Nguyễn Phúc Ưng Bình) là học trò cũ của Nguyễn Văn Mại ở Trường Quốc học (Huế) được cử vào làm Tri phủ Điện Bàn đã cho khắc bài thơ lên bảng đá, rồi đem đặt ở vách động Hoa Nghiêm. Ưng Bình Thúc Giạ Thị là một nhà thơ có tiếng ở đất thần kinh, việc khắc và đặt bài thơ này ở động Hoa Nghiêm hẳn không chỉ vì tình thầy trò, mà vì nó có một sắc thái khá đặc biệt. Giữa hầu hết những bài thơ đề vịnh thắng cảnh Ngũ Hành Sơn đều làm theo thể Đường luật, thì bài hát nói bằng chữ Nôm với những lời ca réo rắt của Nguyễn Văn Mại được xem là một tác phẩm độc đáo.
Tấm bia vỡ khi nào?
Cần nói thêm, vì muốn “lưu danh thiên cổ” nên Tiểu cao Nguyễn Văn Mại đã từng thuê thợ khắc tên tự Tiểu Cao của mình trên lưng một con hạc đá, tại đình Huyền Hạc trong động Huyền Không. Năm 1902, khi vua Thành Thái ngự du đến đó, thấy hai chữ ấy liền hỏi ai khắc, ông tâu thật và xin tạ lỗi. Do đó trong bài họa của mình, Tổng đốc Tôn Thất Hân mới có câu: “Cửa Huyền Không nhìn thấy chữ Tiểu Cao”.
Gần đây (năm 2005), một số tác giả khi bàn về bài thơ này cho rằng chính họ đã tìm ra từ “trong một hốc sâu dưới đất” phần tấm bia bị vỡ và đã gắn lại như ta thấy hiện nay, tức phần vỡ hình tam giác (26cm chiều rộng, 29cm chiều dài, chứa 14 chữ). Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng, nguyên là Trưởng phòng Quản lý di tích thuộc Sở Văn hóa thành phố cho biết: “Tôi không biết gì về thông tin được cho là “phát hiện” này. Thực tế là năm 1998, khi tôi đưa thầy Nguyễn Đình Thảng lên dịch các ma nhai tại Ngũ Hành Sơn thì tấm bia đã bị bể và gắn lại như vậy rồi!” (xem hình chụp do ông Tuấn cung cấp).
Có ý kiến cho rằng do quân Mỹ ném bom hoặc bắn đại bác vào động Hoa Nghiêm nên làm vỡ tấm bia trong trận chiến với Anh hùng Phan Hành Sơn (vào năm 1968). Ý kiến này e là không đúng, vì khu vực xung quanh bia không cho thấy vết đạn, bom nào để lại. Tấm bia được đặt âm vào vách động, cách một bệ đá tự nhiên cao hơn 1,5m ở cửa vào động, lại cách bề mặt của bệ đá này chừng 1m và dày 6cm thì khó có chuyện tự vỡ, nếu không có một lực tác động đủ lớn.
Ít nhất là đến năm 1952, tấm bia có bài thơ trên vẫn còn nguyên vẹn, căn cứ vào bài thơ cảm tác của Linh mục Nguyễn Văn Thích là con của Ưng Bình Thúc Giạ thì: “Cách bốn mươi năm lại đến đây/ Tình xưa dấu cũ ngậm ngùi thay/ Kìa Tàng Chân động, Huyền Không động/ Nọ Vọng giang đài, Vọng hải đài/ Bước tới hang Trăng ngồi hứng gió/ Trèo lên bia đá đứng trông mây/ Tiểu Cao tìm thấy thơ đề vách/ Phơi phới lòng con nhẹ muốn bay”.
Một nhà nghiên cứu chuyên khảo về thơ văn trên núi Ngũ Hành Sơn đưa ra giả thiết là tấm bia đã bị đập, vì sự phẫn nộ của dân chúng Quảng Nam đối với Nguyễn Văn Mại. Chuyện kể rằng, do thù hằn cá nhân, khi ông Mại giữ chức Án sát Khánh Hòa đã cùng Phạm Ngọc Quát là Bố chánh tỉnh ấy khép tội cụ Trần Quý Cáp vào tội âm mưu xúi giục phong trào chống thuế Trung Kỳ năm 1908 và đã sử dụng hình thức “yêu trảm” (chém ngang lưng) vô cùng tàn độc đối với cụ Trần. Sự kiện đó tạo nên sự phẫn nộ tột cùng của sĩ dân Quảng Nam mà môn sinh của Trần Quý Cáp là Trần Huỳnh Sách đã từng ghi lại.
Chỉ với bài thơ “Nhớ Ngũ Hành Sơn” cho ta thấy bao điều lý thú vẫn chưa được giải mã, nên việc Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương công nhận ma nhai Ngũ Hành Sơn với khoảng 60 văn bia, chưa kể hơn 30 bia bị bôi trát hoặc mờ chữ, đã cho thấy giá trị di sản ma nhai độc đáo của danh thắng này.
LƯU ANH RÔ