Đà Nẵng cuối tuần
Về loài chim chột dột
* Về loài chim làm tổ đẹp như một “công trình kiến trúc”, ngoài “chột dột” ra còn có những tên gọi nào khác? Tổ của loài chim này được đan như thế nào? (Lương Ngọc Trung, quận Thanh Khê, Đà Nẵng).
Tổ chim chột dột. Ảnh: P.V |
- Có lẽ không một loài chim nào có khá nhiều tên gọi như loài chim “kiến trúc sư” trong việc làm tổ cho chính mình: chột dột, rồng rộc, giồng dộc, dồng dộc…
Độc đáo, còn có tên gọi là chim “dòng dọc” như trong bài “Ngỡ ngàng trước tổ chim dòng dọc tưởng chỉ có trong mơ ở miền Tây” đăng trên danviet.vn. Theo đó, dòng dọc là loại chim có nhiều ở vùng nông thôn Nam Bộ, có hình thể nhỏ nhăn nhưng nhanh nhẹn. Đặc biệt, loài chim này làm tổ kỹ càng, cầu kỳ, duyên dáng như một “công trình kiến trúc”.
Chim mái có loại tổ riêng, kín đáo còn tổ của chim trống thì thông thoáng, cẩu thả hơn. Tổ dòng dọc mái trông như những chiếc túi hình chuông, bên hông phình ra, nối liền với một cái ống tròn, phồng lên như ống tay áo của các chị, dài vài ba tấc, buông thõng, hướng xuống phía mặt đất làm cái “cửa” có một không hai, để chim dễ dàng chui ra chui vào đẻ rồi ấp trứng, nuôi con…
Từ xa, tổ chim mái trông như những cái dấu chấm hỏi treo lơ lửng giữa trời. Nếu được mục kích các “kiến trúc sư” dòng dọc xây tổ, ta sẽ thấy chúng cần mẫn cắp từng cọng cỏ, tươi có, khô có rồi nhả ra, lựa cọng khác rồi lại bỏ xuống, đến vài ba lần mới chọn được một cọng thật vừa ý, ngậm cho thật chặt bay về tổ.
“Nhà” của các “kiến trúc sư dòng dọc” thường được treo trên những cành cây sao, bần, gừa, da, sộp, tràm hoặc các bụi cỏ voi. Vào những ngày mưa gió, nhìn nhà của chúng đong đưa tưởng chừng sắp rơi xuống đất, nhưng chẳng có chiếc nào rơi cả, những chiếc tổ trông rất mong manh ấy cứ thế bám chặt lấy các cành cây, đung đưa giữa không trung, trông rất tuyệt.
Theo Wikipedia, người miền Nam Việt Nam gọi loài chim này là chim dòng dọc, một số địa phương gọi chim rồng rộc. Tên tiếng Anh: Weaver Bird. Họ rồng rộc (danh pháp khoa học: Ploceidae) là họ chứa các loài chim nhỏ trong bộ sẻ có họ hàng gần với các loài sẻ đồng (họ Fringillidae). Chúng là các loài chim ăn hạt với mỏ hình nón thuôn tròn, phần lớn sinh sống ở khu vực phía nam sa mạc Sahara của châu Phi, một vài loài ở vùng nhiệt đới châu Á cũng như tại Australia. Nhóm chim dạng rồng rộc này được chia thành rồng rộc trâu, rồng rộc sẻ, rồng rộc điển hình và rồng rộc góa phụ. Chim trống của nhiều loài có màu tươi, thường là đỏ hay vàng và đen, một vài loài có màu sắc thay đổi trong mùa sinh sản.
Người Quảng và người Huế đều gọi loài chim này là chột dột. Một giai thoại dân gian cho rằng, loài chim này làm tổ trên cao nên người Quảng gọi là chim “chót dót” (chót vót, nói theo giọng Quảng). Người làng giềng bên kia đèo Hải Vân phát âm thành “chột dột” (?!).
Dù gọi là gì thì dân gian vẫn “đánh giá cao” tài năng của loài chim này: “Thương con dòng dọc có tài/ Cất nhà lá mía tầng ngoài tầng trong”. Đoạn phim tài liệu “Loài chim gì mà được mệnh danh là “kiến trúc sư”?” trên VTV2 cho biết, năm 1905 Eugenf Marais (luật sư, nhà tự nhiên học người Nam Phi) bị thu hút bởi độ phức tạp của tổ chim rồng rộc.
Ông tiến hành một thí nghiệm để xem chúng học cách xây tổ hay là có được nhờ bản năng. Ông lấy trứng cặp chim rồng rộc hoang bỏ vào tổ chim hoàng yến để ấp. Ông thí nghiệm qua 3 thế hệ chim rồng rộc trên tổ chim hoàng yến nhưng không cho chúng nguyên liệu xây tổ. Qua thế hệ thứ tư, ông cho chúng nguyên liệu, và chúng ngay lập tức xây được tổ một cách hoàn hảo. Ông kết luận, việc xây tổ gần như hoàn toàn do gien di truyền, ít ảnh hưởng bởi kinh nghiệm và môi trường xung quanh.
ĐNCT