Đà Nẵng cuối tuần

Đi tìm giá trị văn hóa đặc trưng của Hòa Vang

17:51, 11/11/2023 (GMT+7)

Trước xu thế đô thị hoá, hội nhập sâu rộng và yêu cầu chuyển đổi số, bản sắc văn hóa là yếu tố căn cốt để định vị dân tộc, địa phương, cộng đồng trên bản đồ nhân loại. Trong bối cảnh đó, việc đi tìm và xác định đặc trưng văn hóa vùng đất và con người Hòa Vang - mảnh đất có bề dày lịch sử, văn hóa hằng trăm năm - là tất yếu và cần kíp trên hành trình vươn lên.

Đặc trưng riêng có của văn hóa bản địa Hòa Vang hình thành, thể hiện trong cốt cách, tâm hồn, lối sống, nét ứng xử của con người Hòa Vang ở mọi nơi, mọi lúc, mọi khung cảnh. TRONG ẢNH: Người dân chuẩn bị cho lễ hội Đình làng Túy Loan. Ảnh: HUỲNH VĂN TRUYỀN
Đặc trưng riêng có của văn hóa bản địa Hòa Vang hình thành, thể hiện trong cốt cách, tâm hồn, lối sống, nét ứng xử của con người Hòa Vang ở mọi nơi, mọi lúc, mọi khung cảnh. TRONG ẢNH: Người dân chuẩn bị cho lễ hội Đình làng Túy Loan. Ảnh: HUỲNH VĂN TRUYỀN

Theo các tài liệu lịch sử địa phương ghi lại, vùng đất Hòa Vang từ cuối thế kỷ XV nằm ở phía Nam núi Hải Vân, thuộc phủ Điện Bàn. Sự hấp dẫn của hình sông, thế núi xanh tươi trù phú của vùng đất này cũng như dưới áp lực của nạn sưu cao, thuế nặng do chiến tranh Lê - Mạc, các thế hệ nông dân từ Thanh Nghệ Tĩnh cũng như đồng bằng Bắc Bộ lựa chọn Hòa Vang để dừng chân trên hành trình Nam tiến, trở thành những cư dân đầu tiên của Hòa Vang. Họ cũng là nhân chứng cuộc mở cõi do hạm đội của vua Lê Thánh Tông từ năm 1471 tại cửa biển An Hòa - Núi Thành, Quảng Nam để đến tháng 6 năm đó, lập ra đạo Thừa tuyên Quảng Nam.

Sự hợp lưu của nhiều dòng văn hóa

Lịch sử văn hóa Hòa Vang của riêng cư dân Việt có bề dày hơn nửa thế kỷ. Song nếu nhìn ở biên độ hơn 3.000 năm trước thì vùng đất Hòa Vang đã từng là nơi người tiền sử - chủ nhân nền văn hóa Sa Huỳnh - hiện diện và có sự giao lưu với cư dân các nước Trung Cận Đông, Đông Bắc Á, Ấn Độ. Để từ đó ra đời vương quốc Champa có ảnh hưởng văn hóa  Ấn Độ giáo cũng như thiết lập mối quan hệ chính trị, ngoại giao với Đại Việt.

Là sản phẩm của nền nông nghiệp trên nền tảng lịch sử rộng lớn hàng ngàn năm như thế, văn hóa Hòa Vang được hình thành và bồi đắp dần qua sự chắt chiu từ tập quán canh tác nông nghiệp, từ ứng xử, từ sự tiếp biến văn hóa giữa cư dân xứ Quảng với nhiều cư dân nơi khác, cũng như có sự giao thoa với văn hóa dân tộc thiểu số (còn lại ngày nay trên địa bàn Đà Nẵng là 28 tộc người). Văn hóa Hòa Vang xưa từng được định hình bởi cư dân ngư nghiệp (sông, biển, ao hồ), nông nghiệp (trồng lúa, nông sản hoa màu)... thể hiện qua một hệ thống các tín ngưỡng, lễ hội… khá dày dặn còn tồn tại đến hôm nay.

Có thể nói văn hóa Hòa Vang là sự hợp lưu của nhiều dòng văn hóa: có văn hóa Bắc bộ (xưa), văn hóa Quảng Nam (trong lịch sử) và văn hóa của đô thị văn minh Đà Nẵng trong hành trình phát triển đi lên của mình ngày nay. Nhìn suốt chiều dài lịch sử và hành trình văn hóa, văn hóa Hòa Vang - Quảng Nam - Đà Nẵng là một khối thống nhất, có gốc tích từ văn hóa Bắc Bộ, trên nền tảng cơ cấu xã hội cơ bản “nhà - làng - nước” của cư dân nông nghiệp lúa nước lâu đời. Từ đó, đặc trưng riêng có của văn hóa bản địa Hòa Vang hình thành, thể hiện trong cốt cách, tâm hồn, lối sống, nét ứng xử của con người Hòa Vang ở mọi nơi, mọi lúc, mọi khung cảnh.

Văn hóa Hòa Vang được tìm thấy trong hệ giá trị mà con người Hòa Vang theo đuổi và sống chết vì nó. Đó là đức tính đề cao tinh thần hiếu học, tôn vinh bậc thánh hiền của người dân quê nghèo khó (Văn chỉ La Châu thờ đức Khổng Tử, hệ thống Nhà thờ tiền hiền Quá Giáng, Túy Loan) đã sinh thành nhiều nhân tài đóng góp cho quê hương (Tiến sĩ Đỗ Thúc Tịnh và 24 cử  nhân, 52 tú tài).

Theo các nhà nghiên cứu từ nhiều góc độ: kiến trúc, hội họa, điêu khắc, di chỉ, khảo cổ, hệ thống các đình làng, miếu thờ, di tích văn hóa - tôn giáo - lịch sử - cách mạng trên mảnh đất Hòa Vang đã đạt tới giá trị cao về mặt kiến trúc và thấm đẫm nhân văn. Qua đó thể hiện chiều sâu tâm hồn, cốt cách người Hòa Vang. Họ yêu tất thảy những gì thuộc về quê hương họ. Để rồi từ tình yêu đó, họ sẵn sàng không tiếc máu xương đứng dậy bảo vệ quê hương, để lại ngày nay cho hậu thế những trang sử sáng chói.

Lễ hội Tắt bếp và Rước mục đồng hết sức độc đáo, là bức tranh sinh động về tình nghĩa xóm giềng, thể hiện tinh thần cố kết cộng đồng cũng như tôn vinh giá trị của lao động nông nghiệp... Và còn rất nhiều những giá trị vật thể và phi vật thể khác trên mảnh đất Hòa Vang còn lại ngày nay, hun đúc nên giá trị sống, chuẩn mực xã hội được người dân tôn vinh, gìn giữ dù bao đổi thay, biến thiên của lịch sử, thời cuộc.

Và hiện tại, trước sức ép đô thị hóa Hòa Vang, quá trình hội nhập của thành phố Đà Nẵng, yêu cầu chuyển đổi số…, những giá trị đó không bị mai một mà mang một nội hàm mới, neo lại đâu đó trong quan niệm sống giản dị, chân thành, trong nếp sống trọng nghĩa tình và cao thượng… Sự khác biệt đó còn thể hiện trong âm sắc ngôn ngữ, cách biểu cảm, nếp nghĩ, lối ứng xử…thể hiện sắc thái riêng của người dân nơi đây.

Nhận diện đặc trưng văn hóa

Bao thế hệ người dân Hòa Vang kiêu hãnh trước truyền thống cách mạng của vùng đất này, ví như lòng yêu nước, căm thù giặc, tinh thần quả cảm nơi nào trên đất nước và con người Việt Nam cũng có, song nét riêng của Hòa Vang là gì? Nhận diện đặc trưng văn hóa Hòa Vang để lựa chọn giải pháp tối ưu nhằm tiếp tục trao truyền, phát huy những giá trị văn hóa của mảnh đất và con người Hòa Vang.

Trách nhiệm đó thuộc về người dân và người yêu Hòa Vang hôm nay: Đi tìm những nét riêng trong cách thức biểu đạt giá trị văn hóa, định hình nên cái riêng của văn hóa Hòa Vang. Càng dày trải nghiệm, ham mê hiểu biết về vùng đất và con người Hòa Vang qua sách vở, qua thực tế lao động, làm việc và quá trình điền giả văn hóa địa phương, để phân tích, so sánh… cũng là cách giúp cảm nhận được đặc trưng văn hóa riêng của Hòa Vang.

Về phía các cơ quan chức năng và hệ thống chính trị, cần bắt đầu từ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị thật tốt… tạo môi trường để nuôi dưỡng các giá trị văn hóa. Tập trung vào cách thức, biện pháp để khơi dậy, gieo vào lòng người dân Hòa Vang lòng mến yêu kính phục, ngưỡng mộ những giá trị văn hóa lịch sử mảnh đất và con người Hòa Vang.

Điều cần phải làm hôm nay, trước hết cần phát huy trí tuệ, nhiệt huyết của lực lượng các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa của Đà Nẵng và Hòa Vang. Xem đây là vốn xã hội, nguồn lực quý báu và có kế hoạch thông qua họ để tạo dựng mạng lưới nhân lực nghiên cứu, tìm kiếm chắt lọc các giá trị văn hóa của Hòa Vang từ trong lịch sử đến hôm nay.

Thông qua họ để xác định các nguồn gốc, sưu tầm các căn cứ, sử liệu của từng công trình. Ví như Hô hát bài chòi dọc các tỉnh miền Trung nơi nào cũng có, vậy sắc thái riêng của Bài chòi Hòa Vang ở đâu? Xây dựng lực lượng nhân lực có nghề, có kiến thức sâu rộng, có tình cảm dạt dào với văn hóa con người Hòa Vang để lan tỏa, truyền dẫn đến với mỗi người dân và du khách. Đưa giá trị văn hóa - truyền thống - lịch sử vùng đất và con người Hòa Vang vào trong nội dung - chương trình ngoại khóa nhằm giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật… để định hướng giá trị cho con người Hòa Vang, từ tuổi mầm non đến cán bộ, công chức, viên chức.

Song, trong hành trình đi tìm và định hình văn hóa Hòa Vang cần hết sức quan tâm đến những vấn đề gì? Rõ ràng trong kinh tế thị trường, văn hóa tất yếu được xem là hàng hóa, cần cảnh giác xu thế dễ dãi, tùy tiện trong truyền tải các giá trị văn hóa Hòa Vang đến với người dân và du khách. Khai thác các công trình di tích văn hóa - lịch sử Hòa Vang để quảng bá và làm du lịch, thực hiện biện pháp (chủ trương) “lấy di tích nuôi di tích” cần bảo đảm tính bền vững, chú trọng bảo tồn gắn với phát huy và ngược lại. Tôn trọng tính đặc thù của văn hóa Hòa Vang song cần quan tâm yêu cầu tiếp biến văn hóa cho phù hợp điều kiện hội nhập, số hóa hiện nay.

Lâu nay, ta thường nghĩ văn hóa như là cái gì đó được tạo ra, duy trì và phát triển bởi riêng những nỗ lực của con người. Không chỉ vậy, văn hóa khởi nguồn từ chính sự tương tác giữa con người với tự nhiên và xã hội. Văn hóa sẽ dần định hình khi con người bắt đầu biết nhận thức rằng xã hội và tự nhiên có sự thống nhất. Văn hóa ở trong hệ thống các giá trị vật chất và tinh thần được lưu giữ bảo tồn qua các thế hệ, qua bao biến thiên của thời gian, được tỏa sáng trên từng chặng của sự phát triển đời sống xã hội.

Văn hóa Hòa Vang sẽ thực sự là yếu tố cội nguồn để nâng đỡ và chắp cánh cho Hòa Vang trong chặng đường phát triển mới, công nghiệp hóa, đô thị hóa và hội nhập, hướng đến mục tiêu xây dựng Hòa Vang thành thị xã vào năm 2025, đưa mô hình “làng trong phố, phố trong làng” trở thành hiện thực trong tầm nhìn 2030, 2045 và dài hạn.

PHAN THỊ MỸ DUNG

.