Phóng sự - ký sự

Đổi đời nhờ cá

14:20, 05/11/2023 (GMT+7)

Gần hai thập kỷ qua, từ vùng đất cằn cỗi, bạc màu, người dân 2 xã Hòa Phong và Hòa Khương (huyện Hòa Vang) mạnh dạn chuyển đổi những thửa ruộng trồng cây nông nghiệp kém hiệu quả thành ao mặt nước nuôi các loại cá diêu hồng, trắm cỏ, diếc, rô phi, basa… Đến nay, con cá đã thay da đổi thịt một vùng quê nghèo, xây nên ước mơ mà ngày trước họ chẳng dám nghĩ đến.

Bước ngoặt cuộc đời

Men theo con đường làng quanh co, khúc khuỷu, những rặng tre già bị gió thổi như muốn ngã rợp xuống chào đón vị khách ở xa đến. Phong cảnh nơi đây đồi núi một màu xanh ngắt, cỏ cây bao phủ lối mòn và hơn hết là có hàng trăm ao nuôi cá được phân vùng với bọt bèo, cây cầu tre không khác gì bức tranh miền quê trong câu thơ của các thi sĩ. Tôi gặp chị Phạm Thị Nhung (53 tuổi, thôn Khương Mỹ, xã Hòa Phong), với dáng vẻ nhỏ nhắn, nụ cười tươi rói, chị đang nâng niu thả vài con cá giống xuống ao, chị là người gắn bó với nghề nuôi cá nước ngọt gần 20 năm.

Nhờ mô hình nuôi cá nước ngọt, chị Phạm Thị Nhung đã thay đổi kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo hơn 20 năm qua. Ảnh: H.T.V
Nhờ mô hình nuôi cá nước ngọt, chị Phạm Thị Nhung đã thay đổi kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo hơn 20 năm qua. Ảnh: H.T.V

Chị quê ở tỉnh Nam Định, lấy chồng tại xã và có 2 người con. Thời đó, chân ướt chân ráo đi làm dâu xứ lạ, không bà con thân thích, không công ăn việc làm nên hai vợ chồng đành “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” canh tác trên mấy sào ruộng của gia đình để trồng lúa, trồng khoai. Nhưng làm mãi vẫn không đủ nuôi con, việc đồng áng khá nặng nhọc nên chị tính đến đi làm thuê và đã có nhiều lúc cuộc sống của vợ chồng chị rơi vào bế tắc.

Nhớ lại bước ngoặt cuộc đời, chị Nhung trầm ngâm nói: “Từ năm 2003, vì nhận thấy chính sách chuyển đổi mô hình nuôi cá nước ngọt của huyện có tiềm năng và lợi ích kinh tế ổn hơn trồng lúa nên tôi cải tạo đất trồng nông nghiệp để nuôi cá. Đến nay, 20 mươi năm gắn bó với cá, tôi chưa bao giờ cảm thấy chán nản hay muốn bỏ nghề dù có lúc thua lỗ nặng. Hôm nay nhìn lại, dù trải qua nhiều khó khăn và chông gai, tôi vui mừng khi nhờ con cá mà nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn, xây căn nhà khang trang và mở rộng quy mô kinh doanh vừa nuôi cá thịt vừa nuôi cá giống”.

Chị Nhung chia sẻ, để nuôi cá nước ngọt đạt hiệu quả cao thì công đoạn xử lý, cải tạo ao nuôi rất quan trọng, sẽ giúp loại bỏ phèn chua, mầm bệnh. Đồng thời, phải chọn cá giống khỏe, kích cỡ bằng nhau, màu sắc đẹp, không bị dị dạng và cần nuôi mật độ thoáng, khẩu phần ăn thích hợp cho từng giai đoạn. Chị Nhung hiện nuôi nhiều loại cá như diêu hồng, trắm cỏ, rô phi, basa và diếc. Hơn 5 năm trước, chị nuôi thêm các loại cá cho doanh thu cao như cá leo, thát lát và cá koi.

Mỗi ngày, chị cho cá ăn 2 lần vào 9 giờ sáng và 5 giờ chiều. Cá đang trong giai đoạn phát triển thì tăng số lượt cho ăn từ 4 đến 5 lần, thức ăn là bột, cá xay, rau và cỏ mềm. Ví như cá trắm cỏ, khi còn nhỏ dưới 3 tháng sẽ cho ăn bột, khi cá bắt đầu mọc răng thì thức ăn chính là cỏ mềm và các loại rau. Hoặc cá leo phải cho ăn cá biển xay giúp mau lớn và nhiều chất dinh dưỡng hơn. Mỗi loại cá chị sẽ chia nhỏ và tính toán thời gian chăm sóc phù hợp. Chính vì vậy, chưa tính tiền vốn bỏ ra thì công nuôi vất vả gấp bội, chưa kể cá mắc bệnh hay mùa mưa, nước dâng cá sẽ bẻ bờ bơi ra ruộng.

Quyết tâm chứ không bỏ cuộc

Từ những ngày đầu nuôi trồng, ao nhà chị Nhung từ 1.000 m2 đến nay đã lên 4.000m2. Mỗi năm chị thả hơn 15.000 con cá giống đủ loại, ngoài nuôi cá thịt, chị nuôi thêm cá giống để bảo đảm đầu ra và doanh thu. Bởi nuôi cá thịt như cá thát lát, cá leo, trắm cỏ, basa sẽ mất khoảng 1 đến 2 năm mới thu hoạch nhưng cá giống thì chỉ cần 5 đến 6 tháng sẽ xuất ao. Ước tính mỗi năm chị cung ứng ra thị trường cá giống lẫn cá thịt khoảng 1,2 tấn.

“Thực ra, nghề nuôi cá như đánh bạc, có may có rủi. Có những năm bội thu nhưng có năm phải bù lỗ, đó là chuyện bình thường. Năm nào thời tiết thuận lợi thì có lãi nhưng nếu gặp mưa lũ, cá trôi hết thì coi như trắng tay. Nhưng nhờ tình yêu với cá, tôi không hối hận khi chọn nghề này và tôi luôn cố gắng làm việc, chia sẻ sự hiểu biết của mình cho những người mới nuôi”, chị Nhung tâm sự.

Công việc nào cũng phải trải qua thất bại thì mới làm nên thành công. Chị Nhung cũng vậy, nhớ đợt đầu tiên chị thả 5.000 con cá diêu hồng, nuôi gần đến lúc thu hoạch thì sau một đêm mưa, cá chết nổi đầy mặt ao. Sau này, chị tìm ra nguyên nhân bởi trời đang nắng nhưng mưa đột ngột, thay đổi nhiệt độ sẽ khiến khí độc dưới ao tăng vọt làm cá chết. Bây giờ, mỗi khi nghe dự báo trời chuẩn bị mưa, chị sẽ rải vôi trước đó bởi vôi giúp độ đệm pH trong ao mạnh hơn, ngăn ngừa sự biến động đột ngột của pH trong môi trường nước. Khi vôi được sử dụng trong ao sẽ dẫn đến nhiều tác động có lợi trên đất, dưới đáy và trên mặt nước giúp cá được bảo vệ và tăng sản lượng.

Hay cơn mưa lịch sử hồi tháng 10 năm ngoái, toàn bộ ao nuôi cá leo của chị mất sạch, thua lỗ vài trăm triệu đồng. Chị nói rằng, thất bại nhưng chị quyết tâm chứ không bỏ cuộc vì đam mê nuôi cá quá lớn. Con cá, con nước như ngấm sâu vào máu chị, hôm nào “trái gió trở trời” không thể ra thăm cá là chị ăn không ngon, ngủ không yên. Niềm vui mỗi ngày của chị là theo dõi từ ngày đầu thả cá giống đến chăm sóc rồi nhìn cá lớn lên khỏe mạnh. Nghề nuôi cá nhàn hơn trồng lúa nhưng yêu cầu sự chăm chỉ, chịu khó, có những lúc phải ăn ngủ cùng cá giữa trưa hè nắng chói hay cơn mưa đông lạnh lẽo để canh cá, xem cá. Vì vậy, nếu người làm nghề không có tình yêu với cá thì khó lòng theo đuổi lâu dài.

Từ vùng quê khốn khó một thời, nay con đường làng đã đổ bê-tông bóng loáng, nhà cửa cao tầng dần mọc lên, vườn ao ươm xanh một màu hy vọng. Đó là bước đệm để tương lai người dân dần mở ra hướng phát triển trong nuôi trồng thủy sản, làm chủ được quy trình nuôi để nâng cao sản lượng, tăng thu nhập. Theo Phòng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang, xã Hòa Phong có 25 hộ nuôi cá nước ngọt, tổng diện tích ao nuôi là 7,9ha. Trong đó, nuôi cá chiếm 4,6 ha, diện tích còn lại nuôi ốc, ếch, một số bỏ hoang, nuôi cá tự nhiên không chăm bón. Xã có lợi thế lưng tựa đồi núi, có hồ nước ngọt Hốc Khế gần đó nên khá thuận lợi cho việc cấp nước ao nuôi.

Làm nên cái mới

Sinh ra và lớn lên tại thôn Phú Sơn 2, xã Hòa Khương, gia đình anh Cao Văn Tới (38 tuổi) sống với nghề nuôi cá nước ngọt hơn 20 năm. Ba anh là ông Cao Văn Mễ, người đầu tiên nuôi cá nước ngọt tại vùng đất đầy nắng gió này. Nhờ đó, gia đình anh cũng có cái ăn, cái mặc ở những giai đoạn khó khăn nhất. Dẫu vậy, gia đình anh vẫn mong muốn có một mô hình nuôi cá đạt năng suất cao hơn bởi nếu nuôi theo kinh nghiệm truyền thống thì sẽ khó phát triển. Anh Tới cho biết, trước khi chuyển sang nuôi cá thát lát, gia đình anh vẫn nuôi các loại cá truyền thống.

Anh Cao Văn Tới bên cạnh ao nuôi cá thát lát, sản phẩm chả cá thát lát của anh được thị trường khá ưa chuộng, mở ra hướng sản xuất mới mô hình nuôi cá nước ngọt. Ảnh: H.T.V
Anh Cao Văn Tới bên cạnh ao nuôi cá thát lát, sản phẩm chả cá thát lát của anh được thị trường khá ưa chuộng, mở ra hướng sản xuất mới mô hình nuôi cá nước ngọt. Ảnh: H.T.V

Năm 2019, Chi cục thủy sản và UBND xã vận động chuyển đổi sang nuôi cá thát lát nên anh đánh liều đăng ký tham gia và là hộ nuôi đầu tiên của xã. Anh mạnh dạn thay đổi 3 ha mặt nước để thả 2.000 con cá thát lát giống. Lứa cá đầu tiên cho lợi nhuận cao, anh quyết định chuyển đổi hoàn toàn sang nuôi cá thát lát. Ước tính mỗi năm anh Tới cung ứng ra thị trường từ 15-17 tấn cá. Với mong muốn bảo đảm đầu ra ổn định và đạt số lượng lớn, anh liên kết nhiều hộ dân nuôi cá ở các xã lân cận như Hòa Phong, Hòa Phú để thu mua.

Theo anh Tới, cá thát lát có giá bán gần 100.000 đồng/kg nên chăm sóc cá thát lát phải thật sự cẩn trọng từ khi thả cá đến lúc thu hoạch. Bởi cá thát lát dễ mắc bệnh đỏ vay cá, mắt và đường ruột. Nếu không xử lý kịp thời thì lứa cá đó sẽ không mang lại hiệu quả. Nhưng bù lại cá thát lát là giống cá ăn ít, lớn nhanh và chất thải ra không gây ô nhiễm môi trường. Mỗi ngày, anh cho cá ăn 2 lần, thức ăn chủ yếu là bột, lớn hơn thì cho ăn cá tạp xay nhỏ và phải bảo đảm 40% lượng đạm thì cá mới đủ khả năng sinh trưởng. Cá phát triển nhanh nhất vào giai đoạn từ 400 đến 500 gram, thời gian nuôi trưởng thành hơn 1 năm. Đến nay, anh Tới có 5.000 m2 nuôi cá thát lát và các loại cá khác. Ngoài nuôi cá thát lát, anh Tới còn sản xuất chả cá thát lát tươi để đưa đi các địa phương như Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh…

Bởi anh nhận thấy, đôi lúc thị trường lũng đoạn, đầu ra cá tươi khó khăn thì việc chế biến chả cá sẽ giúp khách hàng tiếp cận sản phẩm theo cách mới. Để hướng các thành viên nuôi cá có nền nếp, nâng tính chuyên nghiệp kinh tế tập thể, tạo nguồn nguyên liệu tại chỗ, giảm chi phí vận chuyển, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm để sản xuất lâu dài, tháng 5-2022, anh Tới quyết định thành lập hợp tác xã nuôi cá gồm 9 hộ dân và đầu năm 2023 sản phẩm cá thát lát được chứng nhận OCOP.

Nhờ con cá anh đã đổi thay kinh tế gia đình như xây nhà, nuôi con ăn học, mở rộng quy mô nuôi cá và sản xuất chả cá. Bên cạnh thành quả ngày hôm nay, anh Tới không đếm nổi số lần muốn bỏ cuộc khi chuyển đổi mô hình nhưng nhờ tình yêu cá quá lớn đã giúp anh vượt qua tất cả. Tâm sự với anh Tới, dường như hương sắc nắng gió hòa quyện vào trong anh sự liều lĩnh, dám thay đổi, mong muốn người dân trong thôn có thể nuôi cá, tạo ra kinh tế làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Được anh dẫn đi tham quan khu nuôi cá tập trung tại thôn Phú Sơn 2, tôi ngỡ mình lạc vào miền Tây thu nhỏ bạt ngàn một vùng sông nước. Dọc con đường làng dài hàng trăm mét, hai bên là những ao cá xanh um và nhiều loại cây trồng cạnh ao tạo bóng mát cho cá như dừa, xoài, mít, bưởi… Nhìn đàn cá tung tăng bơi lội, người dân ai nấy hớn hở, người cho cá ăn, người sửa sang lại tấm lưới cá, người dọn dẹp ao nuôi khẩn trương, rộn rã, tôi thầm nghĩ chắc có lẽ người và cá cùng giúp sức tạo một vùng nuôi cá quy mô lớn, mang lại cho họ đời sống sung túc, đủ đầy.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang Lê Đình Ca, hiện nay, xã Hòa Khương có 200 hộ nuôi cá nước ngọt với diện tích khoảng 50 ha. Tuy điều kiện nuôi cá ở các xã nói chung vẫn còn rất khó, diện tích manh mún bởi một số giống cá có thời gian sinh trưởng dài và thường xuyên bị ảnh hưởng của mưa lũ, giá thức ăn cao nhưng một số người dân đã vượt lên khó khăn để canh tác hiệu quả, mang lại thu nhập kinh tế giúp thoát nghèo bền vững, khởi sắc diện mạo vùng ngoại ô.

HUỲNH TƯỜNG VY

.