Đà Nẵng cuối tuần

NƯỚC SẠCH ĐÔ THỊ

Vì nước sạch không là vô tận

06:09, 05/11/2023 (GMT+7)

Khi cộng đồng ý thức được nước không phải là vô tận, việc sử dụng nước hợp lý không còn bó hẹp ở mục đích tiết kiệm chi tiêu mà đã trở thành câu chuyện gìn giữ sự bền vững cho nguồn tài nguyên quý giá này. Ở Đà Nẵng, bằng cách này hay cách khác, người dân và đơn vị khai thác nguồn nước sạch đã và đang có những phương án để tiết kiệm, bảo vệ nguồn tài nguyên nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn.

Dawaco thi công một tuyến ống cấp nước trọng điểm tại quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh: Dawaco
Dawaco thi công một tuyến ống cấp nước trọng điểm tại quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh: Dawaco

Từ những hành động nhỏ nhất

Thời gian qua, các mô hình về giảm thiểu rác thải nhựa, phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, tăng cường xử lý rác hữu cơ tại nhà... được triển khai tại trường học, doanh nghiệp, khu vực dân cư trên địa bàn thành phố đã đem lại kết quá tích cực, góp phần đáng để trong việc bảo vệ nguồn nước.

Là người từng làm việc trong lĩnh vực môi trường, chị Nguyễn Thị Thắm (phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) ý thức được việc giữ gìn, bảo vệ nguồn nước từ chính những hành động nhỏ trong sinh hoạt và kinh doanh. Theo chị, việc tuyên truyền sử dụng nước sạch tiết kiệm hay bảo vệ nguồn nước sẽ hiệu quả khi cộng đồng hiểu sâu sắc về nguồn nước và tác động của nó đến môi trường và những hoạt động sản xuất. Tiết kiệm nước không đơn giản là dùng ít nước đi mà làm sao cho những thứ mình dùng tác động đến nguồn nước ít nhất. Đơn cử như chuyện sản xuất hàng may mặc, chị Thắm nhận ra quá trình nhuộm vải tốn một lượng nước đáng kể. 

Từ đó, chị và người thân hướng đến việc sử dụng áo quần theo hướng tiết giảm, trong sinh hoạt chung, chị chia sẻ có thể sử dụng lại nước rửa rau củ quả ở lần rửa cuối cùng để rửa tay hay lau sàn. Ngoài ra, chị chủ động ủ phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt gia đình, điều này cũng giảm được 80% lượng rác thải ra môi trường và điều này cũng góp phần bảo vệ nguồn nước, phân hữu cơ ủ đúng cách sẽ không có mùi khó chịu và có thể dùng bón cây...

“Tôi nhận ra những thứ mình ăn, mình mặc đều cần nước để sản xuất nên luôn nói với các con rằng không nên lãng phí. Lãng phí thức ăn cũng là lãng phí nước. Ngày xưa, lúc tôi còn ở Hà Nội, các thế hệ trước của gia đình tiết kiệm nước kiểu “truyền thống” hơn như hứng nước mưa để dùng hay chỉ bật máy bơm nước khi cần nhằm giảm thiểu chi phí sinh hoạt. Bây giờ, mức giá nước sinh hoạt hiện nay đã bao gồm cả phí xử lý nước thải, tôi thấy khá phù hợp và có thể nói là rẻ, câu chuyện tiết kiệm nước bây giờ nhìn xa hơn là nằm ở ý thức của mọi người, mọi nhà để hướng tới bảo vệ tài nguyên nước bền vững”, chị Thắm cho hay.

Gia đình chị Phạm Vũ Khánh Vân (phường Thuận Phước, quận Hải Châu) khá đông thành viên với 7 người lớn và 1 trẻ em. Do đó nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt hằng tháng tương đối lớn. “Mỗi tháng nhà tôi chi trả khoảng trên dưới 1 triệu đồng tiền nước sinh hoạt. Đây là con số đáng để mọi người phải tính toán khi đặt trong bối cảnh cân nhắc về chi tiêu. Do đó mọi người trong gia đình vẫn luôn nhắc nhau tiết kiệm nước, tiết kiệm điện và nhiều thứ khác. Ví dụ như lúc đánh răng, rửa mặt thì sẽ hứng đủ lượng nước từ vòi vào ly hoặc thau nhỏ để dùng thay vì xả vòi nước ào ào”, chị Vân chia sẻ.

Là chủ tiệm trà trái cây - trà sữa Mapu ở 530 Tôn Đức Thắng (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu), anh Phan Hữu Thọ chia sẻ 3 cách tiết kiệm nước mà anh vẫn áp dụng hằng ngày. Trong đó, tự chế hệ thống tưới nước nhỏ giọt để tưới cây thay vì tưới trực tiếp bằng lượng nước lớn; tận dụng nước rửa rau quả, trái cây để tưới cây và lau dọn sân nhà hay dùng vòi rửa tiết kiệm nước. "Hóa đơn tiền nước của tiệm tôi mỗi tháng không quá nhiều, chỉ dao động đâu đó khoảng vài chục nghìn đồng. Tuy nhiên, tôi và gia đình cũng ý thức sử dụng nước vừa đủ, tránh lãng phí. Theo tôi, việc sử dụng nước sạch hợp lý không còn là câu chuyện tiết kiệm về mặt kinh tế mà còn hướng tới sử dụng bền vững, lâu dài trong bối cảnh nhiều nơi khác vẫn thiếu nước sạch”, anh Thọ chia sẻ.

Giảm thất thoát nguồn nước sạch

Bảo đảm nguồn nước đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân, sản xuất của doanh nghiệp trước những tác động của thiên tai, môi trường là vấn đề được cấp chính quyền thành phố quan tâm, việc quy hoạch cấp nước cho thành phố giai đoạn đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã triển khai nhiều nội dung mang tầm chiến lược. Tuy nhiên, việc trước mắt là cần phải làm sao để giảm thất thoát tối thiểu nguồn nước sạch cần sự chung tay của cả cộng đồng.

Theo Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco), tổng chiều dài mạng lưới đường ống truyền tải nước trên địa bàn thành phố gồm cả 3 tuyến cấp I, II và III là 3.536.366m. Hằng năm, công ty xây dựng kế hoạch phòng, chống thất thoát cho từng khu vực, từng cụm, qua đó tiến tới giảm thất thoát chung cho toàn thành phố; xây dựng kịch bản cấp nước an toàn trình các sở, ngành xem xét để có biện pháp ứng phó khi có sự cố. Đồng thời đầu tư phát triển mạng lưới cấp nước, tập trung cải tạo hệ thống để nâng cao chất lượng, dịch vụ. “Chúng tôi rà soát tuổi thọ và tình trạng các tuyến ống tại những khu vực có xu hướng thất thoát cao. Nếu đường ống quá cũ và tỷ lệ thất thoát nước sạch lớn thì sẽ xây dựng kế hoạch thay thế, cải tạo”, Tổng Giám đốc Dawaco Hồ Minh Nam nhấn mạnh.

Được biết, trong năm 2023, Dawaco phê duyệt 2 kế hoạch phòng, chống thất thoát cho Xí nghiệp cấp nước Hải Châu và Xí nghiệp cấp nước Thanh Khê với tổng giá trị khoảng 10 tỷ đồng. Trong đó, tập trung các khu vực có tỷ lệ thất thoát cao trên 30% ở khu vực trung tâm với các tuyến 3 Tháng 2 - Ông Ích Khiêm - Quang Trung - Đống Đa hay Hải Phòng - Trần Cao Vân… Sau 6 tháng triển khai, tỷ lệ thất thoát nước tại các khu vực đã giảm rõ rệt, chất lượng nước được bảo đảm, các ống bị tắc hay vỡ đều được thay thế cơ bản để bảo đảm áp lực lưu lượng nước cho toàn vùng. Trong đó, khu vực quận Thanh Khê đạt tỷ lệ thất thoát nước còn 17% và quận Hải Châu là 22% sau cải tạo. “Tính toàn thành phố, từ chân đèo Hải Vân đến giáp địa bàn tỉnh Quảng Nam, tỷ lệ thất thoát nước trung bình đạt dưới 15%. Với một đô thị lớn như Đà Nẵng hiện nay thì tỷ lệ này là một kết quả đáng kể”, ông Nam cho biết.

Về bảo vệ nguồn nước, Dawaco có phối hợp các địa phương thực hiện cắm mốc, xác định rõ vùng được đưa vào bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của các công trình được cấp phép khai thác sử dụng nước sinh hoạt theo quyết định của UBND thành phố.

Đối với công tác tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước sạch tiết kiệm, lãnh đạo Dawaco cho biết luôn có phương án tổ chức tuyên truyền các thông điệp về sử dụng nước đến khách hàng thông qua thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, website công ty, các tin nhắn gửi khách hàng, mạng xã hội… và trên thông báo ngưng cung cấp nước. Trong đó khuyến cáo người dân tích trữ nước ở các bể chứa, kiểm tra thường xuyên để phát hiện rò rỉ nước, sử dụng các thiết bị vệ sinh tiết kiệm, tắt nước khi không sử dụng…

 “Đà Nẵng là địa phương chịu ảnh hưởng thiên tai hằng năm, điều này có thể dẫn tới sự tê liệt về lưới điện khi có sự cố thiên tai, khi đó các nhà máy nước của thành phố phải đợi có điện trở lại để vận hành cấp nước. Tuy nhiên để phục hồi nước trên toàn bộ hệ thống cung cấp cho người dân thì cần rất nhiều thời gian. Do đó, người dân nên có phương án dự trữ nước sạch khi có cảnh báo, dự báo thiên tai để có nước sinh hoạt sử dụng trong thời gian hệ thống trên chờ phục hồi”.
Tổng Giám đốc Dawaco Hồ Minh Nam

XUÂN SƠN

.