Đà Nẵng cuối tuần

Giá như…

17:33, 25/11/2023 (GMT+7)

Ở tuổi nổi loạn, Nguyệt thường hay bực dọc, khó chịu khi phải sống trong ngôi nhà tam đại đồng đường. Cô thường bĩu môi mỗi khi nghe khách khứa tới nhà khen gia đình mình có âm phúc. Cô cho rằng họ không nằm trong chăn nên không biết có rận. Cô chỉ tin lời bè bạn, chúng nói rằng bà ngoại Nguyệt khó tánh.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Nguyệt tin. Vì khi có bà ở chung, cô cảm thấy mọi thứ không được tự do. Cô bị bó buộc bởi bà ngoại.

Nói gì cũng bị bắt lỗi bắt phép, làm gì cũng bị cho là sai quấy. Hễ ngồi yên là bị sai biểu.

- Nguyệt à!

Nghe tiếng bà gọi mình, Nguyệt đã vùng vằng, xì xịt. Cô không nghĩ bà sẽ nói điều gì mình mong muốn. Nếu không phải là nói chén dĩa đã chất thành đống thì bà cũng bảo sàn nhà nhám rô, hoặc là chê nhà cửa bề bộn, bầy hầy, không thì quần áo trong máy giặt chưa phơi… Mỗi lần bị gọi, bà sẽ đưa cho

Nguyệt hàng tá việc nhà, cô ghét cay ghét đắng.

Cô đoán không hề sai, cô thuộc nằm lòng “kịch bản” của bà.

-  Nấu cơm đi con, trưa trời trưa trật rồi!

-  Từ từ, ai hối mà lật đật lầy đầy.

-  Con phải tự giác coi ngó công chuyện nhà. Hồi xưa, nhiều công việc hơn bây giờ, bà phải nấu cơm, giặt giũ, đồng áng… Tụi bây sướng quá sinh tệ.

-  Thời nào rồi mà bà còn nhắc mấy chuyện cũ rích như cổ tích nữa. Sao cứ đem so sánh cái thời này với hồi đó, biết bao nhiêu năm rồi.

- Thời nào cũng vậy, việc nhà phải quán xuyến.

Nguyệt cau mày, bực bội. Cô quây quẫy xuống bếp trong sự ép buộc của bà.

Từ khi ở nhà Nguyệt, bà đã ngủ nghỉ và sinh hoạt chung phòng với cô, vì nhà không đủ phòng. Ban đầu, Nguyệt cũng không ưng. Vì bà ngoại có thói quen nhai trầu nên hay nhễu nhão. Nguyệt rùng mình khi nghĩ về điều đó. Nhưng do bà không quen nằm nệm mà thích dưới đất, nên cô cũng thấy may. Người già khó ngủ nên bà của Nguyệt thường trằn trọc, trở mình. Đã nửa đêm, bà vẫn thấy ánh sáng ở trên giường. Bà ngồi dậy. Trong bóng tối, Nguyệt chăm chú dán mắt vào màn hình điện thoại.

- Giờ này còn chưa ngủ để mai còn đi học. Mê chi mà mê lạ mê kỳ.
Nguyệt giật nảy mình, làm rơi cả điện thoại. Lồng ngực đánh trống đình. Lấy lại bình tĩnh, Nguyệt giãy nảy. Cô phớt lờ những lời của bà, rồi tiếp tục nhắn tin với đám bạn:

- Có bà ngoại, làm gì cũng không thoải mái, mày ơi!

Và thế là cô tìm được sự đồng điệu. Chúng nó thỏa thích bài xích những lời dạy răn của ông bà. Được trớn, Nguyệt nghĩ mình chẳng sai mảy may nào. Vì đám bạn của cô, những đứa không có ông bà ở chung, chúng nó tự do nằm cùng những ký tự đến thâu đêm suốt sáng, mà chẳng sợ ai phàn nàn. Nguyệt thèm được như vậy.

Rồi mỗi lần bực dọc, là bao nhiêu chuyện cũ và thành kiến của Nguyệt về bà lại kéo nhau theo về. Nguyệt nhớ những hôm người giao hàng mang gói hàng đến, cô lại phải len lén mang vào phòng mới mở ra. Nhưng có vài lần bà cũng thấy. Bà bước ra hè, hai tay chắp sau lưng rồi nheo mắt ngó ra:

-  Mua chi mà mua hoài, tốn kém tiền của.

Nguyệt bực bõ, lùng bùng:

- Con mua tiền của con, chứ có tiền của ai đâu mà bà nói.

- Con làm gì ra tiền. Ba mẹ nai lưng làm việc, con cái thì vung tiền qua cửa sổ.

Nguyệt đi, vung tay giậm chân bước vào nhà, bao nhiêu bực tức dồn xuống thành những tiếng thình thịch trên nền gạch.

Trong đêm tối, Nguyệt nghe thấy tiếng thở dài. Rồi cô cũng chán chường mà thở hắt ra.

Những chuyện ấy đều đến tai ba mẹ Nguyệt. Mỗi lần Nguyệt trả treo đều bị ba mẹ mắng một trận nên thân. Điều đó không làm cô thay đổi mà còn phản tác dụng, Nguyệt càng bực bội và khó chịu mỗi lần thấy bà ngoại. Bà xuất hiện, cô đưa mắt nhìn một vài giây bằng ánh mắt thù địch. Đó đã là tử tế lắm. Đôi khi, cô chỉ liếc mắt một cách hằn học. Cô cho rằng bà ghét mình, và bà thật nhiều chuyện khi cái gì cũng nói lại với ba mẹ mình.

Mọi thứ cứ quanh đi quẩn lại như vậy, mãi cho đến hôm, khi những dồn nén tuôn trào như núi lửa. Đó là cái ngày mà mãi đến sau này Nguyệt vẫn còn day dứt. Buổi trưa ấy, cũng tại đơn hàng mà ra mọi chuyện. Thế là Nguyệt la lối, to tiếng và tỏ ra phản đối bà ngoại.

Chiều lại, bà đem chuyện đó than thở với ba mẹ Nguyệt khi cả nhà quây quần bên mâm cơm. Nguyệt bực bội, nhai cơm mà hai hàm răng va vào nhau kịch kịch. Tay dùng đũa không ngừng dằm dằm vào chén, những hạt cơm như muốn nhuyễn ra. Trong cơn bực bội, ba Nguyệt tát cho cô một bạt tai thật mạnh, má cô đỏ lên. Chén cơm trên tay rơi xuống đất, cái chén vỡ toang và cơm vung tung tóe. Nguyệt tấm tức, đứng phăng dậy, rồi òa lên khóc. Bà ngoại can:

- Thôi thôi, em nó còn dại, từ từ thủng thẳng mà dạy cho nó hiểu. Trời đánh còn tránh bữa ăn, bây làm vậy mang tội chết.

Rồi bà vuốt tóc, vuốt lưng cô dỗ dành:

- Thôi ngồi xuống, rồi từ từ sửa nghen con. Để bà ngoại lấy chén mới cho con.

- Con không cần. Nếu bà không nói thì con đâu bị la như vầy. Nếu bà không ở đây thì đâu có chuyện gì xảy ra đâu.

Nói rồi, cô lại vùng và vùng vằng vào phòng đóng sầm cửa, mọi thứ như chững lại. Bà ngoại sững người, ba mẹ cô cũng sững sờ. Ba Nguyệt trừng mắt, mặt đỏ phừng phừng như Quan Thánh nhập. Ông thét tên Nguyệt như hổ gầm, tay nắm đấm. Đứng phăng dậy, ông toan đến phòng Nguyệt, bà ngoại đã kịp can.

-  Thôi đi con!

Sự nóng giận bắt đầu hạ nhiệt, không khí căng thẳng cũng vơi đi trong vài giây im lặng.

- Má đừng giận, đừng buồn nó nghen má!

- Giận sao được con cháu mình. Nhưng có lẽ đây sẽ là lần cuối cùng nó có những lời lẽ đó với má. Má tin như vậy.

Bữa cơm cũng kết thúc dù chén cơm của mỗi người còn đầy nhóc. Bà ngoại dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa, rồi lặng lẽ ra ngã ba lộ tẻ bắt xe về nhà. Đồ đạc bà để trong phòng Nguyệt. Cháu bấm chốt cửa, nên bà phải đi tay không.

Trước khi lên xe, bà còn ngó về phía nhà con gái. Bà thở một hơi thật dài, hơi thở nhẹ tênh chở theo muôn vạn muộn phiền trĩu trịt trút hết ra ngoài.

Ba ngày rồi vắng mặt bà ngoại, Nguyệt bình chân như vại. Bà ngoại không xuất hiện trong bất kỳ một câu hỏi nào của cô. Dĩ nhiên. Có lẽ ông Bụt đã nghe thấy lời than thở của cô.
Cô đã hân hoan khi tối đến được thỏa thích nhắn tin mà không quở mắng. Cô đã thoải mái nhận những đơn hàng mà không phải lén lút như một tên ăn trộm. Việc nhà cũng không bị ai đôn đốc, hối thúc.

Mọi chuyện êm xuôi được vài hôm, đến ngày thứ tư thì cô bắt đầu thấy mẹ mình bị…bà ngoại “nhập”. Vì mẹ cô đã bắt đầu phàn nàn khi quần quật làm cả ngày, còn phải về nhà lo đủ thứ chuyện. Nào là bếp núc, nhà cửa, rồi thì quần áo… Nguyệt đã gắt gỏng khi mẹ cứ bảo: “Không có bà ngoại là thế này đây”. Cô nghĩ, có phải bà ngoại làm tất tay đâu. Cô cũng phải phân thân để làm đủ mọi việc trong nhà. Cô trả lời trả vốn, rồi bị mẹ tát một cái đau điếng vì trả treo. Cô vùng vẫy, rồi tiếng cửa phòng cô đóng sầm.

Nguyệt nằm trên giường ôm sự bực tức như cách mà cô ôm con gấu bông mỗi tối. Cô cứ vẫy vùng, đạp quấu. Tiếng giường kêu ầm ầm.

Chợt tỉnh. Đã nửa đêm, không gian im bặt, chỉ còn nghe tiếng máy quạt è…è… Nguyệt không biết những hành động vừa rồi là thực hay mơ nữa. Những cảm xúc vừa trong tấc gang đã biến tan đâu mất, như làn khói mỏng tang từ chái bếp nhẹ nhàng bay lên trời cao, rồi mất hút.

Nguyệt trằn trọc, trở mình liên tục. Tự nhiên Nguyệt thấy bức rứt, khó chịu. Tự nhiên cô thấy ruột gan mình như nướng trên than đỏ. Cô bật điện thoại lên xem Tiktok giải khuây. Câu hát ru “Ầu… ơ… con chim se sẻ nó đẻ cột đình/ Chớ bà ngoại đẻ má… ờ…/ Ầu…ơ… bà ngoại đẻ má, má mới đẻ mình… mình ơi”, làm cô khựng lại. Lòng cô nghiêng xuống trong giây lát.

Ký ức bỗng tràn về sầm sập như mưa ngày bão. Trong đêm dài miên man, chợt đâu những năm tháng tuổi thơ ùa về. Nguyệt chợt nhớ ra mình cũng từng lớn lên từ lời ru của ngoại. Tiếng võng kẽo kẹt bỗng làm cô thấy nao lòng. Cô nhớ những trưa tháng sáu nắng bỏng, tiếng ve sầu dắng dỏi trên cao, tiếng ru của bà đã vỗ về giấc ngủ tuổi thơ. Lời ru gói trời nam nắng lửa, dìu dịu gió đưa mát rượi cả trưa hè. Nguyệt nhớ hồi còn tấm bé, cô đã từng yêu thương và gần gũi bà. Cứ mỗi sớm, mỗi chiều bà lại bế bồng cô đi trên con đường làng có cỏ non mọc lan, dọc theo triền đê. Cô nhớ những lần ngoại đi chợi về, cô lon ton chạy theo níu áo, rồi lục trong chiếc giỏ đề tìm quà. Cô vui sướng cười híp mắt khi bà lấy cho bịch bánh tằm, hay cây kẹo kéo. Nụ cười hồn hậu của bà đen nhánh. Cô tự hỏi, vì sao bây giờ mình lại quá quắt như vậy, trước kia mình đã thương bà biết bao nhiêu. Nghĩ thế thôi, mà gối đã ướt đẫm tự lúc nào…

Nguyệt dự rằng ngày mai sẽ về nhà ngoại để xin lỗi bà.

Ngày hôm sau, Nguyệt nôn nao. Tan học, cô tức tốc chạy về nhà để bắt xe xuống ngoại. Nhưng vừa vào đến nhà, cô chững lại vài giây vì tự nhiên thấy mẹ mình khóc bù non bù nước. Giây sau, cô sững người như bị đổ bê-tông. Bà ngoại cô đã mất, mất một cách đột ngột. Người cô cứng đờ. Nhưng cảm xúc thì không, nó đã tuôn thành dòng trước khi cô kịp vỡ òa vì tin dữ.

Cô đã chít trên đầu chiếc vòng trắng, dù không muốn tin đó là sự thật. Tiếng đàn bầu não nuột từng cung, khiến cho Nguyệt càng thêm đớn đau, dằn vặt. Nhìn di ảnh bà sau làn khói hương nghi ngút, Nguyệt giận mình mà khóc tức tưởi. Cô nói với mẹ trong tiếng nấc nghẹn ngào:

- Giá như hồi đó con gần bà ngoại hơn, giá như hồi đó con không có những lời vô lễ ấy, giá như con nghe lời bà hơn, giá như…

- Phải, giá như con nghĩ được như vậy sớm hơn, thì con sẽ không phải hối tiếc như thế này.
Mẹ cô vuốt tóc, vuốt lưng, vỗ về con gái. Cô bật khóc to hơn trước hành động của mẹ. Mẹ cô ôn tồn nói tiếp:

- Con người ta, cái gì khi mất đi họ mới thấy hối tiếc. Đến khi mọi thứ tuột khỏi tay mình họ mới thấy điều đó đáng trân trọng. Nên con à, đừng để mình phải nói “giá như…”. Con còn thời gian để thay đổi, nhưng bà đã không còn thời gian để nhìn thấy sự thay đổi của con nữa rồi.

Cháu gái ngước nhìn di ảnh bà, chợt thấy nhớ người đã hai lần làm mẹ, nhưng chưa một lần kể công. Lòng cô bây giờ ngổn ngang và đang âm thầm vang lời kinh sám hối. Lại gần linh cữu, cô nhìn bà rồi lâm râm:

-  Con xin lỗi ngoại…

NGUYỄN NHẬT THANH

.