Đà Nẵng cuối tuần
Mẹ
Hà Nội những ngày đầu đông mưa bất chợt. Ngồi thu mình trong căn phòng trọ chật hẹp, Vân nghĩ ngợi nhiều điều: từ việc không tin nổi mình đã trở thành sinh viên năm nhất đại học đến việc thấy nhớ nhà, nhớ quê, nhớ ban công nhỏ đầy ắp những chậu hoa lưu ly, thược dược của mình. Và Vân nhớ mẹ. Nghĩ về mẹ là biết bao cảm xúc cứ thế ùa về. Với Vân, mẹ là một người thật đặc biệt.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Vân sinh ra trong gia đình nhỏ chỉ có ba người. Bố Vân là bộ đội, công tác tận thành phố Cam Ranh. Vì thế, từ thời thơ ấu cho đến lúc trưởng thành, người duy nhất Vân có thể ở bên là mẹ. Nhưng mẹ Vân… có phần không giống những người mẹ trong câu chuyện mà mọi người hay kể. Bởi mặc dù mẹ chăm Vân rất chu đáo nhưng bà hiếm khi âu yếm, vỗ về Vân. Thậm chí đôi khi, mẹ có phần hơi nghiêm khắc.
Nhớ về sự nghiêm khắc của mẹ là Vân nhớ ngay tới kỷ niệm kỳ nghỉ hè năm lớp chín. Lần ấy, Vân xin phép mẹ đi dã ngoại cùng hội bạn thân. Mặc cho Vân thuyết phục gãy lưỡi, mẹ vẫn kiên quyết lắc đầu. Mẹ bảo: “Năm nay cuối cấp rồi, con ở nhà lo ôn bài đi. Vả lại, đi chơi xa cần có người thân mà mẹ lại bận không đưa con đi được. Để con đi một mình như vậy, mẹ đâu thể yên tâm”. Vân không chịu, khóc lóc, bỏ ăn các kiểu. Vậy mà, mẹ chẳng “rung động” chút nào. Từ trước tới giờ, việc gì mẹ đã quyết, Vân không thể làm trái, dù chỉ một ly.
Những chuyện như thế xảy ra với Vân nhiều như cơm bữa. Hồi bé, Vân buồn. Lớn hơn, Vân nghĩ ngợi một chút còn bây giờ lớn hẳn Vân quen rồi. Có điều, quen thì quen thật nhưng Vân vẫn chạnh lòng. Nhiều lúc, Vân ước mẹ dịu dàng như mẹ nhỏ Hồng Minh lớp trưởng. Lắm khi, Vân lại ước mẹ có khiếu hài hước như mẹ nhỏ Bảo Anh. Hoặc giá mà, mẹ có thể chiều mình như mẹ Hoàng Sơn thì thật tốt. Mà ước thì ước vậy chứ mỗi người một tính cách. Vân không thể đòi hỏi bởi mẹ yêu Vân theo cách riêng.
Vân thích vẽ - từ nhỏ. Mỗi lần cầm bút vẽ là thấy mình như được sống thêm một cuộc đời mới cùng những màu sắc, đường nét, hình khối sinh động, đa chiều. Vân cũng từng tham gia các cuộc thi vẽ tranh và lần nào thi cũng đạt giải thưởng. Cô giáo dạy Mỹ thuật rất thích tranh Vân vẽ, đến mức có lần cô gọi riêng Vân ra ngoài bảo: “Theo cô, em nên đi học vẽ. Với tài năng của em, nếu được đào tạo trong môi trường chuyên nghiệp, cô tin sau này em sẽ trở thành một họa sĩ đại tài”. Làm họa sĩ? Vân thích lắm. Đó cũng chính là ước mơ duy nhất của Vân. Vân muốn sau này, mình sẽ đi đến nhiều vùng đất thật xa, vẽ những bức tranh phong cảnh ngợi ca vẻ đẹp của quê hương, đất nước. Sau đó, Vân sẽ treo chúng tại phòng trưng bày để mọi người có thể cùng chiêm ngưỡng, tham quan.
Ý định là vậy nên đứng trước ngưỡng cửa lựa chọn trường cấp ba, dù học giỏi đều các môn, đặc biệt là Ngữ văn và Hóa học, Vân không có ý định thi chuyên. Vân dự định chỉ thi vào một trường công lập gần nhà để giảm bớt áp lực. Thời gian còn lại, Vân sẽ đi học vẽ để theo đuổi ước mơ. Nhưng mẹ Vân kịch liệt phản đối. Mẹ nói: “Con muốn làm họa sĩ hay kiến trúc sư, mẹ không cấm. Có điều, đó là chuyện của tương lai. Còn bây giờ, con phải lo học văn hóa cho tốt đã. Mà muốn học văn hóa tốt, chỉ có cách duy nhất là thi vào trường chuyên”. Lời mẹ nói, Vân thấy không hẳn đúng. Học trường thường cũng có thầy giỏi, bạn giỏi mà. Vả lại, học chuyên rồi, Vân sẽ rất vất vả trong việc cân bằng lịch học. Haiz, thôi thì cố gắng vậy! - Vân lắc đầu, tặc lưỡi quyết định vào đúng ngày hạn chót nộp hồ sơ.
Vân trúng tuyển vào lớp chuyên Văn với vị trí thứ 9/35. Ngày nhà trường gửi giấy báo nhập học về nhà, mẹ mừng vui ra mặt còn Vân thì… cảm giác rất khó diễn tả thành lời. Không phải Vân không trân trọng thành quả của mình, càng không phải Vân đã mất đi cảm tình với bộ môn đòi hỏi nhiều suy tư, rung cảm mà là Vân lo lắng. Bởi không ít lần khi vô tình lướt chia sẻ ẩn danh của ngôi trường mình chuẩn bị theo học, Vân thấy các anh chị khóa trên than thở kha khá về áp lực học hành.
Mới đó mà Vân đã chuẩn bị kết thúc năm học lớp mười hai. Sáu kỳ học trôi qua, Vân thấy hài lòng về những gì mình đạt được. Không chỉ duy trì được danh hiệu học sinh giỏi nhiều năm liền, Vân còn “rinh” về giải nhì cấp tỉnh môn Văn cùng vô số giải thưởng khác về Mỹ thuật. Những kết quả ấy tuy không phải quá lớn lao nhưng đủ để Vân tin tưởng hơn vào lựa chọn của mình.
Còn chuyện học trường chuyên… thì ra cũng không đáng sợ như Vân tưởng. Thầy cô ở đây rất tâm lý, dễ gần. Bạn bè thì luôn sẵn sàng giúp Vân từ chuyện học hành đến chuyện “tư vấn tình cảm”. Mà Vân cũng không quá khó khăn trong việc cân bằng giữa lịch học trên lớp với lịch học vẽ tranh. Với Vân, mọi thứ đều diễn ra thuận buồm, suôn sẻ.
Hôm đó là Chủ nhật – một ngày Chủ nhật bình thường mà quá đỗi đặc biệt với Vân bởi có bố ở nhà. Đã ba tháng rồi, Vân chưa được gặp bố. Vân nhớ bố, thèm được ôm bố, khát khao được tâm sự cùng bố và nghe bố tỉ tê đủ thứ chuyện trên đời. Khác với mẹ, bố rất gần gũi, ấm áp, hiền lành. Bố luôn lắng nghe Vân, cho Vân nhiều lời khuyên hay, bổ ích.
Tám rưỡi tối, Vân hoàn thành xong bài vở. Thu dọn đồ đạc, tắt đèn, Vân vội vàng đi xuống phòng khách.
Đang định tạo bất ngờ thì đi gần đến nơi, Vân nghe thấy mẹ nói với bố:
- Con Vân nhà mình tính thi trường Mỹ thuật. Làm họa sĩ cũng tốt nhưng giá như nó chọn ngành Sư phạm thì tốt biết bao…
Lời mẹ nói khiến Vân từ háo hức chuyển sang khó chịu, tức giận, thậm chí muốn nổi khùng. Không giữ nổi bình tĩnh, Vân chạy đến trước mặt mẹ hét lớn:
- Tại sao lúc nào mẹ cũng bắt con làm theo ý mẹ? Từ bé đến giờ, con chưa từng được quyết định chuyện gì. Mẹ thật quá đáng! Lần này, con không nhượng bộ mẹ nữa đâu. Nói rồi, Vân chạy một mạch lên phòng. Vừa chạy, Vân vừa khóc nức nở.
Trong căn phòng nhỏ, Vân tựa mình vào cửa sổ, ngước mắt nhìn lên bầu trời, tự hỏi tại sao bản thân lại phải sống một cuộc đời như thế? Vân ước mình giống những ngôi sao kia, có thể tự do tỏa sáng trên dải ngân hà. Đã rất nhiều lần, Vân cố gắng hiểu mẹ, cảm thông cho mẹ. Vậy mà tại sao chưa một lần, mẹ hiểu cho những tâm tư, tình cảm của Vân?
11 giờ, đèn điện phòng Vân đã tắt, chỉ còn ánh sáng của bóng đèn ngủ lập lòe. Nằm trên giường đã một lúc lâu, Vân vẫn không sao chợp mắt. Toàn thân Vân mỏi nhừ còn tai thì ù ù, cảm giác vô cùng mệt mỏi.
- Vân ơi, con ngủ chưa? - Tiếng bố gọi làm Vân giật mình.
- Con chưa ạ!
- Mở cửa cho bố được không?
Vân chậm chạp đứng dậy, bật đèn, mở cửa. Thấy dáng vẻ hồi hộp, lo âu của bố, Vân đoán bố đã tần ngần trước cửa hồi lâu.
- Bố có chuyện muốn nói với con.
- Nếu bố định giải thích giúp mẹ và khuyên con làm theo ý mẹ thì không cần đâu, con quyết định xong rồi.
- Bố đến đây đúng là để giải thích giúp mẹ nhưng khuyên con chọn trường Sư phạm thì không. Bố đến đây để tiết lộ cho con một bí mật.
Nói đoạn, bố ngồi xuống giường, đưa cho Vân một túi đồ.
- Con mở ra xem đi. - Bố nhẹ nhàng bảo.
Vân cầm lấy, mở ra thì thấy một tập giấy dày. Vân đọc kỹ từng tờ và bàng hoàng phát hiện, mẹ bị bệnh trầm cảm từ năm 15 tuổi.
- Mẹ con từng là một học sinh giỏi Văn. Mong ước lớn nhất thuở học trò của mẹ là trở thành học sinh chuyên Văn rồi thi vào ngành Sư phạm. Nhưng mẹ sinh ra trong một gia đình không hạnh phúc, ông bà ngoại cũng không ủng hộ mẹ thực hiện ước mơ. Bất đắc dĩ, mẹ phải chọn học gần nhà. Nhưng điều đen đủi vẫn chưa dừng lại. Ở ngôi trường gần nhà này, mẹ gặp phải những người bạn xấu. Họ đã làm nhiều việc khiến tinh thần mẹ bị tổn thương.
- Sau đó thì sao ạ? - Vân tò mò hỏi bố.
- Sau đó, bằng sự nỗ lực phi thường, mẹ con thi đỗ đại học. Có điều con biết đấy, một người vừa mang bệnh, vừa phải cố gắng học tập vất vả vô cùng. Thế rồi, mẹ gặp bố. Tình yêu thương chân thành của bố giúp mẹ hồi phục phần nào. Bố và mẹ đã kết hôn, sinh ra con… Công việc của bố bận rộn, lại ở xa, để con được phát triển bình thường như chúng bạn, dù bị bệnh, mẹ đã phải cố gắng. Mẹ từng bảo dù biết mình giáo dục con có phần hơi nghiêm khắc nhưng từ tận đáy lòng, mẹ luôn muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con.
- Bố…
- Cuộc nói chuyện vừa nãy, con mới nghe được một nửa. Đúng là mẹ nói với bố giá như con thi trường Sư phạm thì thật tốt nhưng vế còn lại là mẹ sẽ hạnh phúc hơn nếu như con thi đỗ đúng nguyện vọng của mình. Ngày xưa, mẹ chẳng thể thực hiện được ước mơ, cũng chẳng thể đỗ trường đại đại học mình mong muốn nên mẹ hiểu cảm giác bị ép buộc đáng sợ đến thế nào. Vậy nên, mẹ tuyệt đối không muốn con đi theo “vết xe đổ” ấy. Con gái, bố không trách con, mẹ cũng thế. Bố chỉ mong sau khi biết bí mật này, con sẽ thương mẹ, hiểu mẹ nhiều hơn.
Đêm ấy, nằm trên giường, Vân nghĩ hoài về những lời bố nói. Rồi Vân nghĩ cả tới những chuyện đã xảy ra trong quá khứ và ngộ ra nhiều điều. Thì ra, mẹ nhất mực muốn Vân thi vào trường chuyên là vì… mẹ không cho Vân đi chơi xa một mình là bởi… Vân chợt nhớ tới ánh mắt rạng ngời của mẹ khi Vân cầm trên tay giấy báo nhập học, nụ cười hiếm hoi của mẹ khi Vân đem về tấm ảnh kỷ yếu chụp cùng bạn bè. Càng nghĩ, Vân càng thấy áy náy vì trước giờ đã sống như một đứa con gái vô tâm, chỉ biết nhận, đòi hỏi và trách hờn mà không biết mẹ phải chịu đựng những tổn thương, mất mát.
Sáng, Vân dậy sớm - từ năm giờ, định bụng sẽ nấu cho bố mẹ một bữa ăn thịnh soạn. Nhưng vừa xuống bếp, chuẩn bị đeo tạp dề, thì mẹ đã nướng bánh từ bao giờ. Từ trong lò, những mẻ bánh bông lan được mẹ đem ra thơm ngào ngạt.
- Sao con không ngủ thêm mà lại dậy sớm thế? - Câu hỏi của mẹ làm Vân xúc động đến nghẹn ngào.
Không thể chờ đợi thêm, Vân chạy tới, ôm chầm lấy mẹ.
- Mẹ ơi! Con xin lỗi. Bố kể cho con nghe hết rồi. Con thương mẹ nhiều, kể từ bây giờ, dù có chuyện gì con cũng sẽ đồng hành cùng mẹ.
Lời Vân nói khiến mẹ bất ngờ, ngỡ ngàng, sửng sốt nhưng rồi bà cũng nhanh chóng hiểu ra. Mẹ ôm lấy Vân, hôn lên trán, lên tóc, lên gò má ứng đỏ của Vân.
Thế đấy, giữa những người thân với nhau, không có nỗi đau, hiểu lầm nào là không thể xóa nhòa, chỉ cần ta dành cho nhau cơ hội để cảm thông, thấu hiểu.
MINH HUYỀN