Đà Nẵng cuối tuần
Người bác bỏ nhận thức sai lệch về Tuồng
Trước năm 1950, với mục tiêu “đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến, làm cho nước Nam hoàn toàn độc lập”, cùng với việc chưa có nghiên cứu chuyên sâu về nghệ thuật Tuồng nên nhiều người xem đây là “loại hình sân khấu phong kiến”, chủ yếu để phục vụ vua quan hoàng tộc trong cung đình. Chính Giáo sư Hoàng Châu Ký là người bác bỏ các nhận thức sai lệch về Tuồng và văn hóa truyền thống trong buổi ban đầu khôi phục Tuồng.
Từ lâu với người dân xứ Quảng, Tuồng đã trở thành món ăn tinh thần thấm sâu vào tiềm thức. TRONG ẢNH: Các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn trích đoạn Tuồng “Nguyệt Cô hóa cáo”. Ảnh: ST |
Tuồng - còn gọi là hát bội (hát bộ) là một loại hình sân khấu truyền thống Việt Nam. Cùng với chèo, tuồng là một trong hai bộ phận chủ yếu của văn kịch. Bàn đến nghệ thuật Tuồng, các nhà nghiên cứu, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, sân khấu và người thưởng thức nhớ ngay đến cố Giáo sư Hoàng Châu Ký (1921-2008) bởi những đóng góp có tính tiên phong, mở đường của ông.
Bước ngoặt trong lịch sử Tuồng
Lúc bấy giờ, “tình yêu hát bội của người dân Khu 5 đã bị thử thách khi nghệ thuật này bị quy là thứ nghệ thuật chỉ toàn đề cập đến công - hầu - khanh - tướng và bị cấm ở các tỉnh Thừa Thiên, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên” (1). Một điều may mắn hơn là ở Quảng Nam, ông Phan Thao, phụ trách Ty Thông tin Tuyên truyền đã thể hiện quan điểm “thoáng hơn” khi tuyên bố nghệ thuật Tuồng là của dân tộc, chỉ cấm diễn những vở phản cách mạng và mê tín dị đoan.
Vì vậy năm 1950, Quảng Nam là địa phương đầu tiên trong cả nước tổ chức hội thảo và kết luận Tuồng là vốn quý dân tộc, đề cao trung - hiếu - tiết - nghĩa. Chính Giáo sư Hoàng Châu Ký đã có đóng góp mạnh mẽ để tạo ra sự chuyển biến định kiến, quan điểm này, trước hết là ở quê hương Quảng Nam. Vì vậy không phải ngẫu nhiên mà khi Trung ương Đảng đề ra chủ trương phục hồi và bảo tồn các nghệ thuật truyền thống bị phôi pha trong 80 năm của chủ nghĩa thực dân Pháp thì Giáo sư Hoàng Châu Ký được chọn đảm nhận phụ trách Đoàn Tuồng Liên khu 5 năm 1952.
Xét vào hoàn cảnh lúc bấy giờ, vấn đề lý luận văn học nghệ thuật cách mạng còn mới mẻ, đặc biệt là đối với các khu vực xa đầu não của Trung ương như Liên khu 5, song “Giáo sư Hoàng Châu Ký đã có những quan điểm khá hợp lý về văn nghệ phản ảnh hiện thực, không giáo điều, khiêng cưỡng và cứng nhắc” (2). Thiết nghĩ để có được quan điểm này chính là nhờ vào việc ông có bề dày tích lũy kiến thức trước đó với quan niệm: nghệ thuật không thể phản ánh một cách đơn sơ, nghệ thuật phải phản ảnh hợp lý đặc điểm của hoàn cảnh.
Giáo sư Hoàng Châu Ký cũng là con đẻ của xứ sở “cãi cho đến cùng kỳ lý”, ông không khoan nhượng những ai có tư duy nghệ thuật hẹp hòi, máy móc, nhất là khi ông với vai trò lãnh đạo Chi hội Văn nghệ Liên khu 5, là người phụ trách Đảng Đoàn. Do vậy, Giáo sư Hoàng Châu Ký là người có công đầu trong việc làm sống lại và nâng cao vị thế của nghệ thuật Tuồng bằng cách thể hiện quan điểm rõ ràng trong lúc “tranh tối tranh sáng” cho nghệ thuật này còn bị xem là “loại hình sân khấu phong kiến”, không cần quan tâm, bảo tồn, phát huy. Đây chính là điều kiện tiên quyết để Tuồng có bước phát triển trong giai đoạn tiếp theo mà Giáo sư Hoàng Châu Ký là người mở đường, tiên phong, có tính bước ngoặt trong lịch sử Tuồng.
Bảo tồn, phát huy nghệ thuật Tuồng
Kể từ những năm 1950 trở về sau (cho đến khi đất nước hòa bình và ra sức truyền dạy về nghệ thuật Tuồng vào thập niên đầu thế kỷ XXI), Giáo sư Hoàng Châu Ký luôn trăn trở, phản biện, nhắc nhở về quan niệm, cách tiếp cận, phát huy nghệ thuật Tuồng và nếu không có ông, chắc lẽ nghệ thuật này, qua quá trình biến đổi, không còn giữa được bản sắc của nó.
Giáo sư Hoàng Châu Ký lúc đương thời cho biết, ông nhớ mãi lời dạy của Bác Hồ: “Nghệ thuật Tuồng quý lắm. Chớ có giẫm chân tại chỗ, nhưng cũng đừng gieo vừng ra ngô”. “Nghệ thuật Tuồng phải thay đổi. Nhưng muốn thay đổi, phải hiểu rõ bản sắc của Tuồng” (3). Hoặc ngay từ năm 1950, Quảng Nam tổ chức hội thảo về Tuồng, có ý kiến rất sâu sắc được Giáo sư Hoàng Châu Ký đồng tình là ý kiến của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân cho rằng: “Tuồng đã đạt đến tuyệt đỉnh của nghệ thuật, thò vào chữa có khi làm bậy bạ, hạ thấp giá trị của nó”. Ông rất quan tâm đến phát huy nghệ thuật Tuồng nhưng cũng rất e sợ nó sẽ bị biến đổi, mất đi tính chất đặc trưng của nó. Vì vậy, ngoài việc quản lý, hướng dẫn về Tuồng, ông rất chú trọng nghiên cứu về lịch sử Tuồng để có cơ sở bảo tồn, phát huy.
Giáo sư Hoàng Châu Ký đã thực hiện việc sáng tác, cải biên, đạo diễn nhiều tác phẩm Tuồng cổ rất thành công, nhưng vẫn giữ cái gốc truyền thống của Tuồng ở tính tình huống, nói lối. “Tuồng phải là Tuồng, chứ không phải kịch nói pha ca” (4). Trong bài viết Người khám phá ra vàng Tuồng, Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Viết đã đưa ra hai ví dụ điển hình trong việc giữ giá trị của Tuồng của Giáo sư Hoàng Châu Ký. Đó là tính nhạc của Tuồng “có trống thúc thì nhân vật mới ra, trống dứt rồi thì mới được mở miệng”; hoặc việc dàn dựng vở Tuồng Ông Ích Khiêm với sự kịch tính, đi sâu vào chất hài của Tuồng.
Cũng vì giữ được giá trị truyền thống của Tuồng mà từ sau năm 1954, việc diễn Tuồng đã diễn ra thường xuyên, nhất là ở miền Bắc. Theo ông Nguyễn Viết, khi ông theo học tại Hà Nội trong những năm 1956-1959, đến tối thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần thì Tuồng Liên khu 5 biểu diễn tại rạp Ái Liên - được miễn phí, trong vòng hơn 2 năm ông không vắng buổi diễn nào.
Chi tiết này cho thấy Tuồng Khu 5 thực sự nổi bật và rất được quan tâm dưới sự phụ trách của Giáo sư Hoàng Châu Ký (lúc này là Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu, Trưởng Ban Nghiên cứu nghệ thuật), thậm chí được diễn tại các sự kiện quan trọng của đất nước và tiếp các đoàn khách nước ngoài. Điển hình, Tuồng được biểu diễn đầu tiên tại sự kiện chào mừng Đại hội Đảng bộ Khu 5 năm 1951. Lúc này, ông Nguyễn Duy Trinh có dự Đại hội và coi hát, thấy hay quá nên ông đề nghị Giáo sự Hoàng Châu Ký chuyển qua làm văn nghệ, phụ trách Đoàn tuồng Khu 5 và cũng từ đó cuộc đời của Hoàng Châu Ký gắn bó với Tuồng.
Theo tổng kết của Cục Nghệ thuật biểu diễn, “đồng chí Lê Duẩn đã xem vở Ngọn lửa Hồng Sơn 16 lần và thường khi tiếp khách quốc tế đều đưa Tuồng ra biểu diễn phục vụ” (5). Hoặc vở kịch Quang Trung đại phá quân Thanh được biểu diễn chào mừng Quốc hội tại Ba Đình (6). Khi các đồng chí lãnh đạo xem các vở Tuồng thì ông Huy Cận nói rằng: “Tiếng trống Chầu của Tuồng và tiếng Đế của Chèo, nếu không cao hơn thì cũng có giá trị ngang bằng với dàn đồng ca của bi kịch Hy Lạp. Còn khi xem vở Tam nữ đồ vương (là bản Tuồng cổ kéo dài 3 đêm, nhưng Giáo sư Hoàng Châu Ký đã rút gọn còn 1 đêm, rất hấp dẫn, dễ hiểu, bớt các chi tiết rườm rà và không những giữ và còn tăng được tính chất cuốn hút của Tuồng), ông Thế Lữ nói với tôi rằng có cảm tưởng như bi kịch Hy Lạp” (7).
Rõ ràng, nghệ thuật Tuồng từ khi được quan tâm với sự thay đổi định kiến và quan niệm có tính bảo thủ, không khoa học về Tuồng đã có một đời sống có ý nghĩa với bước ngoặt của nó, trong đó vai trò của Giáo sư Hoàng Châu Ký có tính tiên phong, mở đường..
VÕ HÀ
(1). Ngô Thị Kim Cúc, Giáo sư Hoàng Châu Ký - một đời say mê hát bội, Báo Thanh Niên, số 23, ngày 1-2-2008.
(2). Trường Lưu, Đôi dòng hồi ức về vị Giáo sư nghệ sĩ tài năng Hoàng Châu Ký, Tọa đàm Giáo sư Hoàng Châu Ký và Nghệ thuật Tuồng Việt Nam”, 2010.
(3). Tô Đình Tuân, Giáo sư Hoàng Châu Ký cánh chim đầu đàn của nghệ thuật Tuồng, Kiến thức ngày nay, số 240, 1997.
(4). Nguyễn Khoa Linh, Mấy suy nghĩ về sáng tác kịch bản Tuồng của Giáo sư Hoàng Châu Ký, Tọa đàm Giáo sư Hoàng Châu Ký và Nghệ thuật Tuồng Việt Nam”, 2010.
(5). Giáo sư Hoàng Châu Ký: đã làm thì làm đến nơi đến chốn, Nguyễn Anh Dũng phỏng vấn Giáo sư Hoàng Châu Ký, Phụ nữ chủ nhật, số 32, ngày 20-8-2000.
(6). Nguyễn Viết, Người khám phá ra vàng Tuồng, Tọa đàm Giáo sư Hoàng Châu Ký và Nghệ thuật Tuồng Việt Nam”, 2010.
(7). Giáo sư Hoàng Châu Ký: đã làm thì làm đến nơi đến chốn, đã dẫn.