Đà Nẵng cuối tuần

Rác thải nhựa: Chuyện cũ chưa hồi kết

08:52, 26/11/2023 (GMT+7)

Có một thời gian, lối sống hạn chế sử dụng đồ nhựa được lan truyền rầm rộ như một câu chuyện cảm hứng và nhận về nhiều sự ủng hộ, thực hiện. Nhiều bạn trẻ đã từ chối ống hút nhựa, uống nước trong bình, ly đã chuẩn bị trước, mang theo túi/giỏ khi đi chợ, tăng tái chế… Tuy nhiên, phong trào này dần dần “tĩnh” lại qua thời gian. Trong khi đó, cuộc chiến rác thải nhựa là một câu chuyện dài hơi và không của riêng ai.

Nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ ăn uống sử dụng ly nhựa, muỗng nhựa dùng một lần cho cả khách mang về lẫn khách tại chỗ. Ảnh: T.N
Nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ ăn uống sử dụng ly nhựa, muỗng nhựa dùng một lần cho cả khách mang về lẫn khách tại chỗ. Ảnh: T.N

Cuộc chiến rác thải nhựa là câu chuyện cũ nhưng luôn “nóng” bởi thực trạng người người, nhà nhà vẫn đang sử dụng sản phẩm dùng một lần mà thờ ơ trách nhiệm với môi trường.

Bài toán lợi nhuận và môi trường

Mới đây, dù trời đang mưa, chúng tôi vẫn quyết rời đi nơi khác vì điểm hẹn đầu tiên sử dụng ly nhựa cho khách dùng tại chỗ. Và “danh sách đen” của chúng tôi lại dài thêm một dòng. Đây là cam kết chung của nhóm trong những năm gần đây dẫu biết hành vi này vô cùng nhỏ bé trong nỗ lực bảo vệ môi trường. Cảm giác câu chuyện bảo vệ môi trường của các đơn vị kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ là cuộc đua truyền thông. Và khi trào lưu ngơi nhiệt, các cửa hàng cũng dần “lãng quên” các dụng cụ chứa đựng thực phẩm thân thiện môi trường, dễ phân hủy làm từ tre, giấy, bã mía, bột gạo… từng được quảng bá rầm rộ trước đó.

Dạo một vòng quanh thành phố, không khó để nhận ra thực trạng sử dụng ly nhựa dùng một lần thay vì ly thủy tinh cho khách tại chỗ đang nhan nhản khắp nơi. Tại đường Núi Thành (phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu), một quán trà sữa tấp nập khách tại chỗ lẫn xếp hàng mua về. Chỉ trong một giờ, gần trăm ly nước được bán ra, đồng nghĩa với việc khoảng 100 ly nhựa, 100 ống hút nhựa và hàng chục muỗng nhựa, túi ni-lông được sử dụng. Khi chúng tôi ngỏ ý về mong muốn dùng ly thủy tinh, một nhân viên vội từ chối: “Khách đông lắm chị ơi. Quán chỉ có ly nhựa thôi”.

Không riêng các quán bình dân “gói ghém” giá “cost” (các hao phí về nguồn lực để các doanh nghiệp đạt được mục tiêu cụ thể về hoạt động sản xuất, kinh doanh) bằng sản phẩm dùng một lần, nhiều chuỗi cửa hàng, thương hiệu nổi tiếng với giá bán cao hơn cũng gia nhập cuộc đua này, đơn cử như: chuỗi cà phê H., quán cà phê ngủ qua đêm Z… Những ống hút, muỗng nhựa được bọc từng chiếc trong giấy hoặc bì ni-lông không chỉ được gửi kèm khi giao ly mà còn trưng bày ở quầy tự phục để khách có thể tùy nghi lấy thêm nếu muốn.

Anh T., chủ một quán cà phê trên đường Nguyễn Văn Linh, ngại ngần chia sẻ: “Chúng tôi từng áp dụng sản phẩm thân thiện môi trường một thời gian ngắn nhưng sau đó đành bỏ vì chi phí cao. Ví dụ, ống hút nhựa sẽ rẻ hơn ống hút giấy, bột gạo… từ 3 đến 4 lần. Còn khi sử dụng ly nhựa, chúng tôi tiết kiệm không gian rửa, giảm chi phí nhân công, chất tẩy rửa… Là người kinh doanh, chúng tôi buộc phải ưu tiên lợi nhuận…”.

Chọn tiện nghi thay vì môi trường

Lợi ích của người bán là giảm chi phí, lợi ích của người mua là sự tiện lợi khiến sản phẩm dùng một lần ngày càng tràn lan. Còn nhớ có lần vào Sài Gòn thăm em gái, giờ trưa, các phòng trong dãy trọ í ới rủ nhau đặt món về nhà. Chọn tới, lựa lui, các bạn chốt một quán cơm gần nhà. Khi tôi rủ rê đi bộ ra ăn để bảo đảm độ tươi ngon của thực phẩm, bạn thì từ chối với lý do “trời nắng, lười ra đường”, bạn thì cho hay “mua về nhà được khuyến mãi nên rẻ hơn nhiều”. Qua các lần trò chuyện, được biết, việc mua đồ ăn về nhà đã trở thành nếp sống thường ngày của khu trọ.

Nhìn thức ăn được giao đến với mấy lớp túi to, túi nhỏ ni-lông rồi hộp nhựa, muỗng nhựa…, tôi giả vờ cảm thán về số lượng rác thải nhựa. Các bạn nghe thì hơi chững lại nhưng vội biện minh: “Chi phí tự nấu ăn tính ra đắt hơn nhiều so với mua. Mà di chuyển đến điểm bán vừa tốn tiền hơn vừa nắng vừa mất thời gian. Cái nào tiện lợi hơn thì mình ưu tiên ạ”.

Khi tôi đem câu chuyện này chia sẻ với một số bạn bè ở Đà Nẵng, bạn Lê Thị Gia H. (SN 2003, sinh viên một trường đại học trên địa bàn) cũng thừa nhận bản thân là “tín đồ” của việc đặt đồ ăn online. Theo Hân, nhiều sinh viên trọ học thường không lựa chọn tự nấu ăn vì nhiều lý do: phòng trọ nhỏ, không đủ không gian nấu nướng, chi phí mua sắm thiết bị nấu nướng nhiều, lỉnh kỉnh đồ đạc khi chuyển trọ…

Trong khi đó, bạn Nguyễn Thị Hoài N. (SN 1997, nhân viên văn phòng) cho biết, thời gian đầu, bạn cũng siêng nấu ăn mang đến chỗ làm. “Sau này, công việc nhiều, tôi thấy việc nấu nướng tốn kha khá thời gian nên chuyển sang đặt đồ ăn qua các ứng dụng trực tuyến. Hiện nay có rất nhiều app đặt đồ ăn với nhiều chương trình khuyến mãi, giá cả phải chăng. Vừa không tốn thời gian đi lại, vừa không chịu nắng mưa nên mọi người ở công ty cũng dần rủ nhau đặt chung…”, N. tâm sự.

Có thể thấy, sự thuận tiện của dịch vụ đặt đồ ăn online giao tận nhà cũng như sự cạnh tranh của các thương hiệu giao thức ăn nhanh đã hình thành nên một thói quen, lối sống thờ ơ với môi trường của không ít người, nhất là các bạn trẻ (sinh viên, người mới đi làm).

Chị V.T.M (SN 1989, chủ một quán ăn trên đường Tôn Thất Đạm, quận Thanh Khê) cho hay, 60% doanh thu của quán đa phần từ khách đặt qua các ứng dụng và giao đồ ăn online. “Thực tế, các phần ăn bán qua ứng dụng không lời bằng phần ăn tại chỗ vì chi phí đóng gói… cũng kha khá, chưa kể hoa hồng trích cho các ứng dụng. Tuy nhiên, trước đây, khách mua về đông nên số lượng bù lại”. Cũng vì vậy, mặc dù biết sản phẩm một lần gây hại cho môi trường, chị My chưa tìm ra được giải pháp khác, ngoài việc thay hộp nhựa bằng hộp giấy và triển khai các chương trình ưu đãi cho khách ăn tại chỗ.

Những con số biết nói

Báo cáo mới đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho thấy, trong năm 2021, thế giới đã sử dụng 460 triệu tấn nhựa, gần gấp đôi so với con số ghi nhận năm 2000. Trong khi đó, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank) công bố vào tháng 7-2022, mỗi năm tại Việt Nam ước tính có khoảng 3,1 triệu tấn chất thải nhựa thải ra đất liền và lượng rác thải đổ ra đại dương từ 0,28 đến 0,73 triệu tấn. Thực tế này khiến Việt Nam trở thành một trong quốc gia phát sinh rác thải nhựa lớn trên thế giới.

Để tìm hiểu mức độ ô nhiễm trong môi trường tại Việt Nam, World Bank đã thực hiện nghiên cứu trong khoảng thời gian từ tháng 7-2020 đến tháng 4-2021 về các loại chất thải nhựa rò rỉ ra sông và đại dương, và các sản phẩm trên thị trường có thể là lựa chọn thay thế phù hợp. Theo đó, chất thải nhựa là loại phổ biến thu gom được trong các khảo sát thực địa, chiếm 94% về số lượng và 71% trọng lượng. Trong đó, phần lớn là rác bao bì thực phẩm mang đi (chiếm 44% về số lượng). Khảo sát cũng cho thấy, mười loại nhựa phổ biến nhất chiếm hơn 81% tổng lượng rác thải nhựa, hầu hết trong số này là nhựa SUP. Túi nhựa và các mảnh vỡ từ túi, hộp xốp đựng thực phẩm và ống hút là một trong năm loại nhựa hàng đầu xuất hiện nhiều nhất trong môi trường (chiếm 38%). “Đến năm 2030, sau chưa đầy 15 năm, lượng chất thải phát sinh của Việt Nam dự kiến sẽ tăng gấp đôi từ 27 triệu lên 54 triệu tấn”, nghiên cứu dự báo tình trạng.

Báo cáo cũng đề cập giải pháp là thay thế các loại nhựa gây ô nhiễm hàng đầu, trong đó khuyến khích các vật dụng không phải nhựa có thể tái sử dụng nhằm mục tiêu cắt giảm về tổng thể phát sinh chất thải nhựa. Các khuyến nghị được đưa ra bắt đầu từ việc hạn chế sử dụng như hạn chế phân phối ống hút, sử dụng sản phẩm tiêu dùng tại chỗ, thìa đĩa nhựa từ dịch vụ giao đồ. Tiếp đến đề xuất tính phí người tiêu dùng khi mua túi nhựa không phân hủy sinh học (bắt đầu các bước hoạch định chính sách từ năm 2022-2023); đối với cốc cà phê mang đi (đề xuất chính sách từ năm 2025, thu phí và xử phạt từ năm 2026). Một phần lộ trình cũng đề xuất hướng tới cấm bán và phân phối sản phẩm ống hút nhựa, túi nhựa khó phân hủy sinh học và hộp đựng thực phẩm. Song quá trình chuyển đổi được khuyến cáo theo từng giai đoạn để giảm tác động và bù đắp tổn thất cho các nhà sản xuất nhựa dùng một lần phải gánh chịu.

Cần chế tài nghiêm khắc

Thời gian qua, tại Đà Nẵng, việc giảm rác thải nhựa cũng được nhiều đơn vị, tổ chức quan tâm và tích cực thực hiện. Trong suốt 6 năm, tổ chức phi lợi nhuận Green Hero luôn nỗ lực đồng hành cùng thế hệ trẻ xây dựng một thế giới xanh đầy tích cực. Tiêu biểu, dự án Anti-Plastic Straw Campaign 2017 và Rethink Your Plastic Straws 2019 gặt hái nhiều kết quả tốt đẹp trong việc vận động các cơ sở kinh doanh đồ uống trên địa bàn thành phố thay đổi ống hút nhựa bằng các sản phẩm thay thế. Nhận thấy ngưng sử dụng ống hút nhựa là chưa đủ trong việc giải quyết bài toán về ô nhiễm rác thải nhựa, Green Hero tiếp tục triển khai dự án Rethink Your Business Models nhằm hỗ trợ các cửa hàng thực hiện các thay đổi trong mô hình kinh doanh để có thể vừa kinh doanh bền vững vừa góp phần giảm thiểu rác thải nhựa.

Tháng 7 vừa qua, Trại hè về tinh tế tuần hoàn với chủ đề “Áp dụng kinh tế tuần hoàn trong mô hình kinh doanh giải quyết vấn đề rác thải” của Green Hero thu hút 50 bạn trẻ tham gia với nhiều ý tưởng sáng tạo như: mô hình giải quyết áo thun cũ, mô hình áp dụng khí phát thải CO2 từ các nhà máy sản xuất xi-măng vào quy trình sản xuất nhựa sinh học, mô hình phân bón hữu cơ từ bã cà phê…

Có thể thấy, thay vì mơ về một thế hệ trẻ sống trách nhiệm với môi trường, Green Hero đã không ngừng hành động để hiện thực hóa ước mộng. Không riêng Green Hero, nhiều bạn trẻ tại Đà Nẵng cũng lựa chọn khởi nghiệp bằng những sản phẩm thân thiện góp phần bảo vệ môi trường, như: EcoLution của anh Nguyễn Tấn Lộc (SN 1983, quận Hải Châu) với các sản phẩm được sản xuất với thành phần chủ yếu là sợi rơm lúa mạch, Công ty CP  Green SP của Nguyễn Thị Xuân Hằng (1988, quận Thanh Khê) và Trình Ngọc Toàn (1995) với ống hút giấy… 

Bên cạnh đó, hằng năm, các địa phương, hội, đoàn thể, đơn vị trên địa bàn thành phố đều có những hoạt động tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về việc giảm thiểu rác thải nhựa, như: ngày hội thu gom rác tái chế, thi tiểu phẩm tuyên truyền bảo vệ môi trường, trưng bày gian hàng các sản phẩm sáng tạo tái chế, giới thiệu các mô hình hiệu quả cũng như cách tiếp cận sáng tạo của cộng đồng trong phân loại rác thải tại nguồn, giảm thiểu rác thải nhựa...

Việc đột ngột thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa của người dân thực sự khó, nhưng không phải là không có cách khắc phục. Tuy nhiên, đến nay, thực trạng vô tư sử dụng nhựa dùng một lần vẫn tồn tại. Điều này cho thấy, việc thay đổi hành vi người tiêu dùng/đơn vị kinh doanh nếu chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức thì sẽ không đạt được hiệu quả tối ưu. Thiết nghĩ, cần có các chế tài nghiêm khắc hơn, như việc xử phạt vi phạm hành chính cá nhân, hộ gia đình không thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn từ ngày 1-1-2025 theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường…

Theo nhiều nghiên cứu, đồ nhựa có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người và gây ra nhiều vấn đề bệnh tật, bao gồm bệnh tim và ung thư. Việc sử dụng đồ nhựa sai cách có thể gây nguy cơ ngộ độc thực phẩm đáng lo ngại. Nếu đựng thức ăn nóng, nhiều dầu mỡ hoặc đồ ăn chua, mặn… thì một số hóa chất từ nhựa, hộp xốp sẽ thôi nhiễm vào thực phẩm, gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người sử dụng.

TUỆ NGHI

.