Đà Nẵng cuối tuần

Về địa danh huyện Diên Phước

20:22, 25/11/2023 (GMT+7)

* Tôi nghe nói thị xã Điện Bàn ngày nay nguyên ngày trước có tên là huyện Diên Phước. Địa giới của hai đơn vị hành chính này có trùng khớp nhau hay có sự đổi thay nào khác? (Lương Ngọc, quận Thanh Khê, Đà Nẵng).

Cầu Câu Lâu bắc ngang sông Thu Bồn - ranh giới thị xã Điện Bàn và huyện Duy Xuyên ngày nay. Ảnh: V.T.L
Cầu Câu Lâu bắc ngang sông Thu Bồn - ranh giới thị xã Điện Bàn và huyện Duy Xuyên ngày nay. Ảnh: V.T.L

- Theo sử sách lưu truyền, thị xã Điện Bàn ngày nay là một vùng đất thuộc đất Việt Thường Thị thời các vua Hùng. Từ năm 214 đến năm 205 Trước Công nguyên (TCN), thời nhà Tần, thuộc Tượng Quận. Từ năm 206 TCN đến năm 192 Sau Công nguyên, thời nhà Hán, thuộc quận Tượng Lâm; từ năm 192 đến năm 1306 thuộc vương quốc Chăm-pa. Năm 1306, vua Chăm là Chế Mân đã dâng hai châu Ô và Lý cho nhà Trần để làm sính lễ cưới Công chúa Huyền Trân. Năm 1307, hai châu Ô và Lý được đổi thành Thuận Châu và Hóa Châu. Vùng đất Điện Bàn thuộc phần đất phía Nam của Hóa Châu.

Theo phần “Giới thiệu chung về Điện Bàn” đăng trên Cổng thông tin điện tử thị xã Điện Bàn, địa danh Điện Bàn được Nguyễn Trãi ghi vào “Dư địa chí” năm 1435, gồm 95 xã thuộc phủ Triệu Phong của lộ Thuận Hóa.

Năm 1471, vua Lê Thánh Tông thành lập đạo thừa tuyên Quảng Nam. Năm 1520, vua Lê Chiêu Tông đổi thành trấn Quảng Nam. Điện Bàn bấy giờ là một huyện thuộc phủ Triệu Phong của trấn Thuận Hóa. Năm 1602, chúa Tiên Nguyễn Hoàng đổi trấn Quảng Nam thành dinh Quảng Nam. Hai năm sau, chúa Nguyễn Hoàng đã thăng huyện Điện Bàn vốn thuộc phủ Triệu Phong, Thuận Hóa thành phủ Điện Bàn, thuộc về dinh Quảng Nam. Phủ Điện Bàn mới bấy giờ quản lãnh năm huyện là Tân Phước, An Nông, Hòa Vinh, Diên Khánh (Diên Khánh chính là Điện Bàn hiện tại), Phước Châu. Dinh Quảng Nam thời các chúa Nguyễn bao gồm 4 phủ: Điện Bàn, Thăng Hoa (phần đất Quảng Nam ngày nay), Tư Nghĩa (phần đất Quảng Ngãi hiện nay) Hoài Nhơn (phần đất Bình Định ngày nay). Vì vậy dinh trấn Thanh Chiêm (nay thuộc xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn) của Quảng Nam là thủ phủ của cả bốn phủ nói trên.

Đến đầu thế kỷ XIX, sau khi đánh bại được Tây Sơn, năm 1803, vua Gia Long lập dinh mới Quảng Nam chỉ gồm hai phủ là Điện Bàn và Thăng Hoa. Phủ Điện Bàn bao gồm hai huyện là Hòa Vang và Diên Khánh. Huyện Diên Khánh lúc bấy giờ gồm 7 tổng, 1 thuộc với 221 làng. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822) đổi huyện Diên Khánh thành huyện Diên Phước. Như thế, thị xã Điện Bàn ngày nay chính là huyện Diên Phước và trước đó là huyện Diên Khánh.

Năm 1806, dinh Quảng Nam đổi thành trực lệ Quảng Nam dinh thuộc Kinh Sư. Năm 1827, vua Minh Mạng cho đổi thành trấn Quảng Nam. Năm 1832, đổi trấn Quảng Nam thành tỉnh Quảng Nam. Năm 1833, tỉnh đường Quảng Nam được xây dựng tại Điện Bàn (tại làng La Qua, nay thuộc hai phường Điện Minh và Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn).

Năm 1836 phủ Điện Bàn có thêm huyện Duy Xuyên, năm 1899 có thêm huyện Đại Lộc. Sang đầu thế kỷ XX, Điện Bàn chỉ gồm phần đất của huyện Diên Phước, gồm 9 tổng: An Lưu, Thanh Châu, Đa Hòa, An Thái, Phú Triêm, Hạ Nông, Phú Khương, Thanh Quýt, An Nhơn và Hội An. Sang đầu thế kỷ XX, khi huyện, phủ thành những đơn vị hành chính riêng thì huyện Điện Bàn hôm nay chính là phần đất của huyện Diên Phước trước đây.

Ngày 11 tháng 3 năm 2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết công nhận Điện Bàn thành thị xã.

Tên gọi huyện Diên Khánh sau đổi thành huyện Diên Phước (nay là thị xã Điện Bàn) có thể gây nhầm lẫn, bởi tỉnh Khánh Hòa cũng có một huyện tên là Diên Khánh và huyện này cũng có một xã tên là... Diên Phước!

ĐNCT

.