Đà Nẵng cuối tuần
Tâm sự "người vận chuyển"
Không chỉ đối mặt với những tình huống giao thông nguy hiểm, với áp lực về thời gian, doanh số, mỗi lái xe ôm công nghệ còn phải nhanh chóng thích ứng với sự thay đổi trong môi trường kinh doanh cùng nỗi lo “chiết khấu”.
Dịch vụ vận chuyển giúp khách hàng tự tin mua sắm trực tuyến. Ảnh: T.Y |
“Năng nhặt, chặt bị”
Là sinh viên năm cuối Trường Đại học Thể dục - Thể thao (Đại học Đà Nẵng), Nguyễn Văn Ng. có hơn 2 năm kinh nghiệm chạy GrabBike. Chàng trai quê tỉnh Gia Lai kể, cuối năm 2021, cơn bão số 8 gây ngập sâu tại xã Ia Kriêng (huyện Đức Cơ), cuốn theo toàn bộ hoa màu, gia súc của gia đình. Thời điểm đó, Ng. sắp tới kỳ hạn đóng học phí cho trường. Trong cơn quẫn bách, Ng. nghĩ đến chiếc xe máy của ba và nghề chạy GrabBike với mong muốn có thể tạo ra nguồn thu nhập trang trải cuộc sống, đỡ gánh nặng cho gia đình. Nghĩ là làm, Ng. gặp thầy chủ nhiệm trình bày hoàn cảnh, xin hoãn thời gian đóng học phí và gọi điện thoại về nhà mượn chiếc xe máy ba Ng. vừa mua cách đó một năm.
Để trở thành xe ôm công nghệ, Ng. nộp về công ty giấy căn cước, bằng lái, thẻ sinh viên, bảo hiểm xe máy và trả lời khoảng 20 câu hỏi trắc nghiệm liên quan đến các tình huống giao thông và sự hiểu biết về dịch vụ của công ty. Ng. cho hay, mỗi GrabBike trước khi được công ty cấp mã số đối tác và cài phần mềm GrabBike lên điện thoại đều phải học qua nội quy công ty, quy tắc tham gia giao thông và văn hóa ứng xử với khách hàng. Chưa kể, để được công ty cấp mũ, áo có logo Grab, xế mới phải chạy được 10 cuốc xe đầu tiên.
Cuốc xe đầu tiên của Ng. là chở khách - cũng là một bạn học - từ cổng Trường Đại học Thể dục - Thể thao lên Bến xe trung tâm với giá 43.000 đồng. Sau khi công ty cắt phí 20%, Ng. bỏ túi 34.000 đồng. Chỉ tranh thủ chạy ngoài giờ học nên tổng kết tháng đầu tiên, Ng. nhận khoản lương hơn 2 triệu đồng sau khi đã khấu trừ chi phí xăng xe và phí gửi về công ty. “Số tiền ấy so với tài xế khác có thể không cao, nhưng với em khi đó quý lắm, đủ trang trải tiền thuê trọ và sinh hoạt trong một tháng”, Ng. nhớ lại.
Công việc của Ng. giờ đỡ vất vả hơn trước. Nhiều khách hàng quen khi biết em là sinh viên, đã không ngần ngại “bo” thêm lúc 10.000 đồng, lúc 20.000 đồng. Không ít lần, Ng. nhận vận chuyển hàng hóa từ chợ về nhà cho khách, được khách dúi vào tay bó rau, con cá, thậm chí cả bịch trái cây. Ng. nói, ưu điểm lớn nhất của lái xe công nghệ là giờ giấc linh hoạt nên không ảnh hưởng nhiều đến việc học. Đa số khách hàng đồng cảm và lịch sự, vui vẻ đánh giá “5 sao” trên ứng dụng GrabBike.
Nhiều lái xe thừa nhận, họ đến với grab vì mức thu nhập tốt hơn các ngành nghề khác, nếu chịu khó thức khuya, dậy sớm, nhận nhiều đơn hàng. Trước khi trở thành đối tác của GrabBike, anh Huỳnh Văn Quang (41 tuổi, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) là công nhân làm việc trong một nhà máy tại Khu Công nghiệp Hòa Khánh với mức thu nhập trung bình 7 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, sau khi lấy vợ và có con, mức lương ấy không đủ gia đình anh trang trải, nhất là khi con gái nhỏ thường xuyên đau ốm.
Hành trình từ việc làm công nhân đến lái xe GrabBike với anh Quang không hề dễ dàng. Anh phải đối mặt với nhiều khó khăn, bao gồm cả sự cạnh tranh cao từ số lượng lớn lái xe grab khác. Anh Quang chia sẻ, ngày đầu chạy grab, anh bị các tài xế xe ôm truyền thống trước cổng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) xua đuổi. Rút kinh nghiệm, những lần tiếp theo, anh đứng cách họ một quãng xa, khi có cuốc trên ứng dụng mới chạy tới đón khách.
“Nghề này, muốn có thu nhập phải chạy thường xuyên và không được hủy chuyến. Nhiều đợt rơi vào cuối tháng, tiền trong nhà đã cạn, tôi cố gắng chạy liên tục từ 5 giờ đến 23 giờ với niềm tin “năng nhặt, chặt bị”. Vất vả, mệt mỏi đủ cả nhưng nhiều lúc không có khách cũng chỉ dám đậu xe nghỉ ngơi trên vỉa hè chứ không về nhà vì sợ mất mối”, anh Quang bộc bạch.
Với tài xế xe ôm công nghệ, khoảng thời gian mệt mỏi nhất là chở khách vào giờ cao điểm, khi hàng trăm xe cộ đan xen, nối nhau trên đường. Nhiều năm trong nghề, anh Quang cho biết có tài xế đạt mức thu nhập gần 1 triệu đồng/ngày nhưng số này khá ít. Theo anh, để nhận về khoản đó, trung bình một ngày tài xế phải nhận 50-55 cuốc và chạy liên tục trên đường từ sáng sớm đến tối mịt. Thời gian ăn uống, nghỉ ngơi chỉ khoảng 10-15 phút rồi phải bật ứng dụng chờ khách. Như vậy thì quá vất vả và ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe tài xế.
Nỗi lo “chiết khấu”
Cùng với sự phổ biến của dịch vụ gọi xe qua ứng dụng, sự cạnh tranh trong ngành vận chuyển đang ngày càng trở nên khốc liệt. Nhiều lái xe cho biết họ không chỉ cạnh tranh với những tài xế khác mà còn phải nhanh chóng thích ứng với sự thay đổi trong môi trường kinh doanh. Ngoài những áp lực về doanh số, áp lực trong tìm kiếm và giữ chân khách hàng, thu nhập của tài xế ngày càng giảm do Grab đưa ra nhiều quy định mới về mức chiết khấu cho mỗi đơn hàng.
Nguyễn Văn Bình, tài xế GrabFood khu vực Hải Châu cho biết, hơn 2 năm nay, thu nhập hằng tháng của anh giảm hơn 20% do grab tăng giá các dịch vụ GrabCar, GrabBike, GrabFood… Anh đơn cử, trước đây, với cuốc xe giá 100.000 đồng, anh bỏ túi 80.000 đồng, nhưng từ cuối năm 2020, khi grab tăng chiết khấu lên 28%, cuốc xe 100.000 đồng, tài xế chỉ nhận về 72.000 đồng. “Mức chiết khấu tăng cùng với việc áp dụng các khoản phí giao dịch mới đã làm giảm thu nhập ròng của nhiều tài xế. Điều này khiến chúng tôi không hài lòng, thậm chí lo lắng về mức thu nhập của lái xe công nghệ trong tương lai”, anh Bình cho hay.
Bên cạnh đó, không ít tài xế công nghệ làm việc cho các ứng dụng giao hàng online cũng phàn nàn về mức chiết khấu cho mỗi đơn hàng ngày càng tăng. Cụ thể, ứng dụng GrabFood, Baemin thu về 25%/đơn, Loship 27,5%/đơn và Foody 18%/đơn… dẫn đến số tiền tài xế thực nhận khá thấp. Anh Bình chia sẻ thêm, năm 2014, khi mới vào Việt Nam, grab có mức chiết khấu 15%/cuốc, đồng thời có thêm nhiều chính sách khuyến khích như tặng điểm thưởng, tặng chặng cho tài xế. Đến năm 2017, mức chiết khấu đơn hàng tăng lên 20%, năm 2018 tăng 23,6% trước khi tăng lên 28% vào năm 2020. Trong cộng đồng chạy grab, nhiều tài xế mới, sau thời gian làm việc không đạt thu nhập như mong muốn đã quyết định rao bán xe, mũ, áo, dù trước đó không ngại vay tiền mua xe máy, thậm chí ô-tô để trở thành đối tác của hãng này.
Luật sư Nguyễn Văn Vĩnh Điền, Văn phòng Luật sư Đồng Thông (quận Hải Châu) thông tin thêm, từ tháng 2-2022, grab tiếp tục thay đổi chính sách thuế giá trị gia tăng theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 15-2-2022. Theo đó, khoản thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ kinh doanh vận tải hành khách sẽ được giảm 2% (tức mức thuế suất thuế giá trị gia tăng do người dùng chi trả là 8% thay vì 10% như trước đó). Dù vậy, đây vẫn là mức cao, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của lái xe ôm công nghệ lẫn người sử dụng dịch vụ mua, bán trực tuyến.
Số tiền thực nhận sau khi khấu trừ khoản chiết khấu, thuế giá trị gia tăng không cao, nhưng nhiều tài xế xe ôm công nghệ cho biết họ không dám từ chối nhận khách (nhất là những cuốc xe có quãng đường di chuyển ngắn), vì như vậy sẽ khó nhận thêm những cuốc tiếp theo, thậm chí mất điểm thưởng giữa thời điểm công việc còn nhiều khó khăn.
TIỂU YẾN