Đà Nẵng cuối tuần

Sinh viên nghiên cứu trung tâm xử lý rác thải

10:35, 17/12/2023 (GMT+7)

Muốn bãi rác Khánh Sơn có trung tâm xử lý rác an toàn, thân thiện môi trường, sinh viên Phan Thị Bích Thảo, lớp 18KTCLC, khoa Kiến trúc, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) đã nghiên cứu thành công đồ án thiết kế “Trung tâm xử lý rác thải và tái chế, sáng tạo sản phẩm từ rác”. Đồ án xuất sắc vượt qua gần 100 đồ án của sinh viên cả nước, đoạt giải Nhất giải thưởng “Kiến trúc xanh sinh viên 2023” do Viện Khoa học Công nghệ Đô thị xanh, Sen Vàng Group, Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển Đô thị xanh Việt Nam tổ chức.

Đồ án “Trung tâm xử lý rác thải và tái chế, sáng tạo sản phẩm từ rác của sinh viên Phan Thị Bích Thảo đoạt giải Nhất. Ảnh: H.V
Đồ án “Trung tâm xử lý rác thải và tái chế, sáng tạo sản phẩm từ rác của sinh viên Phan Thị Bích Thảo đoạt giải Nhất. Ảnh: H.V

Nói về đồ án trung tâm xử lý rác, Thảo cho biết, theo số liệu nghiên cứu, vài năm gần đây, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt toàn thành phố đang tăng nhanh. Theo dự đoán, chất thải rắn sinh hoạt thành phố đến năm 2025 trên 1.800 tấn/ngày; năm 2030 lên 2.400 tấn/ngày và đến năm 2040 là 3.000 tấn/ngày.

“Em đặc biệt quan tâm đến vấn đề môi trường bởi trong quá trình học tập có thời gian dài tham gia nhiều hoạt động, cuộc thi liên quan đến rác thải. Hơn hết, em sinh ra và lớn lên gần khu vực bãi rác Khánh Sơn (quận Liên Chiểu) nên đó là động lực giúp em có ý tưởng thực tế hoàn thành đồ án xây dựng nhà máy xử lý rác, với mục đích giải quyết vấn đề về môi trường và con người. Đồng thời, đồ án không chỉ hướng đến vấn đề rác thải mà mong muốn nâng cao kiến thức và ý thức của mọi người, nhất là thế hệ học sinh, sinh viên. Em vui khi đồ án dự thi đoạt giải Nhất và mong muốn trong tương lai trung tâm xử lý rác sẽ có cơ hội hình thành”, Thảo nói.

Theo Thảo, dây chuyền hoạt động của trung tâm xử lý rác tại nhà máy sử dụng công nghệ Danco của Đan Mạch, cải tiến phù hợp rác thải Việt Nam (được áp dụng tại Nhà máy xử lý và tái chế rác thải Đập Đá, tỉnh Đồng Tháp) và vận hành kiểm soát vi khí hậu hoàn toàn tự nhiên thông qua các giải pháp kiến trúc thông gió, chiếu sáng. Quy trình trải qua các bước: rác đưa đến sảnh nhập liệu cho vào thùng chứa rác và sau đó qua dây chuyền phân loại tại nhà máy; quá trình phân loại thì rác thải nguy hại sẽ được loại bỏ và rác còn lại tiếp tục phân loại chia thành rác thải hữu cơ, rác thải nhựa và rác thải trơ; rác trơ đưa vào dây chuyền đốt rác cho ra sản phẩm tro xỉ và mang đi đóng rắn tái chế thành gạch không nung lát vỉa hè (chuyển tiếp đến nhà máy đốt rác); rác thải nhựa đưa sang dây chuyền tái chế nhựa và cho ra thành phẩm là các hạt vi nhựa tập kết tại kho thành phẩm (tại nhà máy tái chế nhựa); rác thải hữu cơ đưa vào các bể ủ lên men của dây chuyền sơ chế và qua dây chuyền tinh chế đưa ra sản phẩm là phân compost (tại nhà máy sản xuất phân bón).

Thảo cho biết, ưu điểm trung tâm xử lý rác là dây chuyền xử lý rác nguyên sơ ra thành phẩm có giá trị. Đồng thời, trung tâm xử lý rác có hệ thống khép kín, giải quyết tất cả vấn đề mùi hôi, lượng rác qua các giai đoạn được tái sử dụng 100% thành các sản phẩm hữu ích và không phát sinh rác, đất chôn lấp. Nhược điểm là vấn đề địa hình bởi khu đất lựa chọn xây dựng trung tâm xử lý rác phải nằm sát chân núi, bảo đảm khoảng cách an toàn môi trường quy định, bởi hiện trạng đất ở khu vực không bằng phẳng nên sẽ tốn kém nhiều chi phí làm phẳng.

Ngoài ra, trung tâm xử lý rác còn có không gian triển lãm - sáng tạo và không gian khởi nghiệp. Không gian triển lãm sẽ trưng bày các tác phẩm tái chế rác thải. Mong muốn là điểm đến để nâng cao kiến thức và ý thức bảo vệ môi trường cho mọi người. Không gian khởi nghiệp đòi hỏi tinh thần năng động sáng tạo, chú trọng sự kết nối, giao tiếp trong công việc và tạo ra môi trường lao động hạnh phúc cho nhân viên.

PGS.TS.KTS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Kiến trúc, Trường Đại học Bách khoa, giảng viên hướng dẫn chia sẻ, đồ án trung tâm xử lý rác thải và tái chế, sáng tạo sản phẩm từ rác được đánh giá cao bởi chú trọng đến tính cấp thiết cho thực tiễn rác thải trên cả nước nói chung và ở địa phương nói riêng. Đồng thời, đồ án mang tính nhân văn, gắn kết cao, thể hiện ý thức về kiến trúc xanh, cuộc sống xanh, quan tâm đến các đối tượng ở nhiều độ tuổi và bám sát 5 tiêu chí của giải thưởng Kiến trúc xanh 2023 đưa ra là sáng tạo; địa điểm bền vững; công nghệ xanh; vật liệu bền vững; cộng đồng - nhân văn - đậm đà bản sắc dân tộc.

HUỲNH VŨ

.