Đà Nẵng cuối tuần

Để mai nở không rụng, mai nở đúng Tết

14:50, 06/01/2024 (GMT+7)

* Có loại thuốc nào xử lý để mai nở không rụng cánh? Có cách nào khắc phục tình trạng mai nở trước Tết? Xin quý báo cung cấp giúp thông tin. (Trần Văn Quang, Liên Chiểu, Đà Nẵng).

- Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật ngày càng giúp con người có thể kiểm soát, điều chỉnh được việc mai nở hoa đúng Tết - nỗi quan tâm của tất cả những người chơi mai.

Chăm sóc để mai nở không rụng, nở đúng Tết là cả một nghệ thuật. Ảnh: V.T.L
Chăm sóc để mai nở không rụng, nở đúng Tết là cả một nghệ thuật. Ảnh: V.T.L

Theo bài báo “Bài thuốc” mai nở không rụng của một lão nông đăng trên Báo Công an Nhân dân (cand.com.vn) vào năm 1993, lão nông Phạm Văn Hiếu (thường gọi là Năm Hiếu, ở ấp Bình Phó B, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ) đã tìm ra bài thuốc để hoa mai nở không rụng. Bài thuốc bao gồm Auxin; các nguyên tố đa, vi lượng. Cứ 10 gram thuốc pha với 5 lít nước rồi phun một lần duy nhất lên toàn bộ cây mai có hoa nở 5-10% số nụ hoa đang có trên cây, bất kể mai trồng trong chậu hay ngoài đất. Xử lý như thế có thể giữ cho hoa mai không rụng trong khoảng thời gian 10-15 ngày.

Trang giadinhmoi.vn nói thêm về kinh nghiệm này qua bài “Cách giữ hoa mai không rụng cánh”: Để giữ cho cánh hoa mai không bị rụng, nên tưới nước trà pha loãng, không nên tưới thẳng trà vào gốc. Hoặc có thể trước khi Tết khoảng 5-7 ngày thêm một lượng phân kali (pha loãng với nước 5 - 10%) để tưới cây.

Về việc khắc phục tình trạng mai nở trước Tết, Báo Lao Động (laodong.vn) trong bài Bí quyết giúp mai vàng nở đúng Tết từ nghệ nhân 40 năm kinh nghiệm đã dẫn lời nghệ nhân Tiêu Hùng Minh (Ba Tiền) 67 tuổi, Phó ban đại diện Làng nghề mai vàng Phước Định (Long Hồ, Vĩnh Long). Theo đó, đầu tiên là cây mai phải được tưới nước đầy đủ hằng ngày để gốc không bị khô, nhất là khi gần Tết.

Thời điểm lặt lá mai cũng là một trong những khâu quan trọng nhất cho việc chọn thời điểm ra hoa. Khi thấy hai miếng vỏ ở phần ngoài của nụ đã rụng thì mới tiến hành lặt lá được. Nếu cây nào có nụ hoa còn nhỏ (gọi là nụ kim) thì lặt lá sớm từ những ngày 13, 14 tháng Chạp. Nếu nụ hoa đã lớn tròn hơn thì lặt trễ hơn vài ngày, từ ngày 16, 17 tháng Chạp. Ngoài ra, khoảng 3-4 ngày trước khi lặt lá, phải "xiết nước" (bỏ khô không tưới) cho cây mai quen với việc thiếu nước để khi lặt lá mai sẽ không bị sốc. Sau khi lặt lá xong thì tưới lại nước, khi đó mai sẽ "tức" và bắt đầu ra hoa.

Trường hợp đến ngày 30 Tết mà mai vẫn chưa thể nở kịp, ông Ba Tiền chia sẻ "bí kíp". Đối với trường hợp này, khoảng 8 giờ sáng ngày 30 Tết, sử dụng bình phun nước lạnh khắp tán cây mai. Đến trưa cùng ngày, chọn lúc trời nắng gắt nhất, pha 1 bình nước ấm theo công thức 2 sôi 1 lạnh (khoảng 70 - 80 độ C) tiếp tục phun đều khắp tán cây mai. Theo kinh nghiệm của ông, phương pháp này sẽ cải thiện được hơn 50% tình trạng hoa nở muộn.

Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam (khuyennongqnam.gov.vn) chia sẻ thêm về nội dung này qua bài Kinh nghiệm điều tiết để mai vàng nở hoa đúng dịp Tết. Khi đến 23 tháng Chạp, nếu hoa mai đã bung vỏ trấu thì khả năng hoa nở vào đúng ngày mùng 1 Tết là rất cao. Nếu như vào thời điểm đó mà hoa mai đã nở búp thì hơi sớm, vì vậy phải đem mai để nơi bóng râm hoặc lấy vải đen che trùm lại để hạn chế quá trình quang hợp, tưới nước lạnh vào chiều tối và sáng sớm, mỗi lần tưới nên pha thêm phân urê vào nước để kích thích cho mai ra lá và hoa sẽ nở chậm lại vài ngày. Khi cây mai có nhiều lá thì lặt lá bớt để hoa ra nhiều.

ĐNCT

.