Đà Nẵng cuối tuần
Bảo vệ cán bộ bằng thể chế
Tiếp cận từ tư tưởng Hồ Chí Minh, để có được đội ngũ cán bộ tốt, nhằm mục tiêu phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân thì phải thực hiện đồng thời hai nội dung là “nuôi dạy cán bộ” và “giữ gìn cán bộ”. Trong đó, nuôi dạy cán bộ là tạo các điều kiện, tiền đề, giúp cán bộ có môi trường thuận lợi phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực; còn giữ gìn cán bộ là bảo vệ trước các nguy cơ gây hại có thể làm mất cán bộ.
Trong quản lý, sử dụng cán bộ, mục tiêu của việc bảo vệ cán bộ, nhất là những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới và sáng tạo là giúp “cán bộ làm được việc, khiến cho họ yên tâm làm việc, vui thú làm việc” (Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011).
Trên thực tế, đây không phải là nội dung mới nhưng cũng chưa bao giờ cũ. Nghị quyết 05-NQ/HNTW ngày 20-6-1988 của Hội nghị Trung ương 5 khóa VI lần đầu tiên đưa “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” trở thành một tiêu chuẩn đối với cán bộ lãnh đạo. Trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng khẳng định: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu… dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm” hay như Quy định 22-QĐ/TW ngày 28-7-2021 của Trung ương Đảng khóa XIII đã nhấn mạnh: “Công tác kiểm tra, giám sát phải bảo vệ cái đúng, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung”...
Tuy nhiên, thực tế quá trình “khai phá, mở đường” của những đổi mới, sáng tạo thường không dễ dàng, chưa có tiền lệ, có thể thành công, cũng có thể gây ra những hệ lụy không mong muốn. Đặc biệt, thời gian qua, khi Đảng tăng cường công tác kiểm tra và giám sát, siết chặt kỷ luật, kỷ cương và xử lý nghiêm những cán bộ vi phạm, thì ở nhiều cơ quan, đơn vị, đội ngũ cán bộ có xu hướng co lại, không dám nghĩ, không dám đột phá, sáng tạo, sợ sai và không dám làm, dẫn đến đôi lúc gây trì trệ hoạt động công vụ, suy giảm niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với cơ quan Nhà nước.
Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công tác cải cách hành chính tại khắp các tỉnh, thành, sự bùng nổ của công nghệ thông tin và xu hướng tự do ngôn luận, cán bộ, công chức phải chịu rất nhiều áp lực trong quá trình làm việc. Vì vậy, từ thể chế pháp lý đến phương cách ứng xử của người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị đều phải lưu ý rõ ràng việc bảo vệ cán bộ trên cơ sở suy xét, tìm hiểu và quyết định đúng đắn trong từng trường hợp, bảo đảm nguyên tắc: “Cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung phải được khuyến khích, bảo vệ” (khoản 1 Điều 4 Nghị định số 73/2023/NĐ-CP). Có như vậy, đội ngũ cán bộ mới vững tin, dám triển khai những ý tưởng và hành động đột phá, vì sự phát triển chung.
Cũng cần phải nói thêm rằng, đổi mới, sáng tạo nhưng vẫn phải nằm trong khuôn khổ pháp lý, đạo lý, có tính khả thi, vì lợi ích chung. Điều này đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải phân định đúng sai, đề xuất các ý tưởng, giải pháp xuất phát từ nghĩa vụ, trách nhiệm đối với công việc, hoàn toàn không vụ lợi cá nhân; tuyệt đối không lợi dụng chính sách, biện pháp khuyến khích, bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi tham nhũng, tiêu cực, trục lợi.
Và để bảo đảm chắc chắn cơ chế đi vào đời sống và thật sự phát huy tác dụng, cần cụ thể hóa thành những quy định pháp luật có liên quan, xây dựng kế hoạch chi tiết và lộ trình thực hiện phù hợp; đồng thời xác lập được cơ chế kiểm soát cán bộ để vừa thúc đẩy cái mới, vừa bảo đảm mọi việc đi đúng “quỹ đạo” của Hiến pháp và pháp luật.
Xây dựng được đội ngũ cán bộ chất lượng đã khó, giữ gìn và bảo vệ đội ngũ đó còn khó hơn. Suy cho cùng, cách thức động viên, khuyến khích cán bộ phát huy sở trường, tài năng của mình tốt nhất chính là bảo vệ họ, từ đó tự khắc khơi gợi được quyết tâm và chí hướng cống hiến cho lý tưởng chung. Công việc nhờ vậy sẽ đạt hiệu quả tối ưu, bởi “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém” (Chủ tịch Hồ Chí Minh).
ĐỖ LAN HƯƠNG