Đà Nẵng cuối tuần

Chợ quê

13:23, 23/03/2024 (GMT+7)

Cái chợ nhỏ quê tôi chẳng biết có từ bao giờ mà gắn bó thân thương với con người nơi đây như máu thịt. Đó là mảnh đất trống đầu thôn được họp tạm vào những buổi cuối chiều hoàng hôn đổ bóng. Thế mà ngày này qua ngày khác, nó là chốn mưu sinh, là hạnh phúc của bao người.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Chợ không có tên, không có lều bạt, gian hàng, không có người quản lý, không có những mặt hàng tiêu dùng công nghiệp hay xa xỉ mà chỉ có những loại thực phẩm giản đơn như thịt cá cuối ngày của thương nhân bán buôn nhỏ lẻ và những sản phẩm của người quê. Chiều chiều, các bà, các chị lọ mọ quang gánh thúng mủng ra chợ, chọn cho mình một vị trí ưng ý rồi trải chiếc thảm nilon hay chiếc bàn nho nhỏ, sau cùng họ bày ra những mặt hàng để bán. Có thể chỉ dăm miếng thịt, vài con gà con vịt, mớ cá mớ rau, rổ trứng, thùng dưa hay ít khuôn đậu hũ. Nhưng tôi thấy ánh lên trong nỗi niềm của họ là sự lo lắng, trông mong và cả niềm vui, niềm hy vọng thật nhiều...

Những sản vật từ nơi đây nuôi trồng hay bắt được trên đồng, dưới sông đều nhìn rất tươi ngon, sạch sẽ. Họ xởi lởi bán mua hay biếu tặng với người bà con lối xóm. Có khi là người bán tặng cho hàng, có khi là người mua cho thêm tiền người bán. Hàng hóa không tuân theo một mức giá nhất định mà tùy ở tấm lòng thơm thảo của kẻ bán người mua, tình làng nghĩa xóm. Nhưng tôi biết, từ trong thâm tâm mỗi người, người mua quý trọng đồng tiền vì đó là mồ hôi nước mắt, còn người bán quý trọng sản vật của mình vì bao tháng ròng đứng dưới trời mưa nắng chăm cây. Dẫu vậy, trước giá trị của tình người, tình quê thì sự thiệt hơn không còn quan trọng nữa. Tôi đã thấy, cứ mỗi buổi chiều, các bà, các chị hầu như ai cũng dành chút thời gian đi đến chợ, có khi không vì mục đích bán mua gì cả mà đơn giản chỉ là đến xem chợ hôm ấy có đông người, có điều gì buồn vui, mới lạ, tình hình trong thôn có gì đặc biệt hay không hoặc đến chỉ để chào nhau và hỏi han đôi điều. Đó là nét đẹp hồn quê, là văn hóa bao đời.

Quê tôi thuộc địa bàn vùng núi, nên đất rộng và thoáng đãng. Cây nhận được nhiều nắng gió nên quang hợp tốt, ít sâu bệnh đã cho các loại rau quả đều ngon và sạch. Những mặt hàng rau củ không chỉ phục vụ trong thôn mà nhiều người còn mua để gửi đi cho con cháu, anh em trên thành phố, thậm chí là ra Bắc, vào Nam. Tôi cũng thỉnh thoảng mua làm quà quê cho những người bạn ở xa. Ai nhận được cũng đều khen làm tôi càng thêm đỗi tự hào vì được sống nơi đây. Chính sự tuyệt vời của sản vật đã thu hút lớp trẻ làm công chức như chúng tôi sống ở địa phương và những vùng lân cận tìm đến chợ. Để rồi, khi được chứng kiến sự tảo tần, cực khổ của người quê để làm ra từng đồng xu bé mọn, chúng tôi thêm biết nâng niu, trân quý giá trị của đồng tiền mà chi tiêu hợp lý. Biết sẻ chia những thương mến trong đời.

Mấy năm nay, phong trào xây dựng nông thôn mới đã làm phong cảnh, diện mạo của quê tôi sáng bừng như nắng hạ. Những con đường rộng rãi thênh thang được điểm tô thêm sắc màu hoa tươi rực rỡ. Nhà cửa, sân vườn hiện đại, khang trang. Đô thị hóa nông thôn đã từng ngày làm mất đi nhiều nét quê bình dị. Thế nhưng, khu chợ nhỏ bình yên vẫn được bảo tồn, nâng niu, gìn giữ, không xây dựng kiến thiết hay cơi nới thêm diện tích, bởi đó là ước mong, là nguyện vọng của dân làng. Chợ chẳng tấp nập, khang trang, xô bồ, hiện đại nhưng ở đó chứa đựng niềm vui, hạnh phúc của bao người. Mỗi một đứa con trên mảnh đất này khi lớn lên rời quê hương đi xa lập nghiệp, ở một góc tâm hồn luôn nhớ chợ quê, nhớ những mớ tép, mớ cua cha lặn lội bắt trên đồng sâu ruộng cạn, nhớ gánh rau mẹ vất vả ươm trồng rồi mỗi cuối chiều tề tựu nơi đây để bán mua, nhớ chốn giao thương mà bình yên, thanh thản, không lo toan bị gian dối, lọc lừa. Mỗi khi bước chân đến chợ, tôi lại bâng khuâng nhớ đến câu thơ trong bài Chợ quê của tác giả Lê Hồng Phúc:

"Chợ quê vẫn lắm thật thà/ Lời quê vẫn để làm quà tặng nhau".

LÊ THỊ XUÂN

.