Đà Nẵng cuối tuần
Người anh kết nghĩa của cụ Phan
Nếu nhà báo, nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng người Pháp Ernest Babut có công giải cứu chí sĩ Phan Châu Trinh thoát khỏi “địa ngục trần gian” Côn Đảo (1908-1910) thì trong các năm 1914, 1915, đã có một sĩ quan Pháp cũng rất nỗ lực tìm cách đưa cụ Phan ra khỏi ngục tù La Santé (Paris), bất chấp việc này ảnh hưởng lớn đến tính mạng và sự nghiệp của mình.
Người dịch các điều tường trình của cụ Phan
Cụ Phan Châu Trinh và con trai ở Paris, Pháp, tháng 6-1911. Ảnh tư liệu |
Sách Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới (NXB Đà Nẵng, 2021) của tác giả Lê Thị Kinh (tức Phan Thị Minh, cháu ngoại cụ Phan) cho biết: Sau khi thoát khỏi nhà lao Côn Đảo, tháng 4-1911, Phan Châu Trinh cùng con trai Phan Châu Dật sang Pháp trong khuôn khổ học bổng theo “Nhóm giáo dục Đông Dương” - một kiểu “Tây du” sang mẫu quốc, được Toàn quyền Beau đề xuất từ năm 1907.
Biết cụ Phan có uy tín lớn nên các nhân vật chóp bu của giới cầm quyền thuộc địa chủ trương thăm dò khả năng sử dụng ông cho chính sách thuộc địa. Pierre Guesde, Chủ sự Văn phòng và Trợ lý của Bộ trưởng Thuộc địa được giao làm báo cáo về Phan Châu Trinh. Ông này đã liên lạc với Julex Roux, một sĩ quan Tòa án binh đã ở Đông Dương 4 năm (1-1906 - 12-1909), có tiếng trung thực, có cảm tình với đất nước và dân tộc Việt Nam, khá rành tiếng Việt. Roux hồ hởi đáp ứng yêu cầu của Guesde bằng một loạt thư và tư liệu với nội dung rất có lợi cho Phan Châu Trinh.
Ngày 26-5-1911, quan ba (đại úy) Roux viết bức thư đầu tiên bằng quốc ngữ gửi Phan Châu Trinh và mời ông đến nhà, bắt đầu các buổi tường trình để Roux dịch và trình lại cho Bộ trưởng Thuộc địa Messimy và tân Toàn quyền Đông Dương Albert Saurraut. Lúc đầu Roux giúp tạm thời, sau đó đến ngày 13-6-1911, Saurraut có thư cho tân Bộ trưởng Thuộc địa Albert Lebrun đề nghị xin Bộ Quốc phòng “cho mượn” Roux “để dịch các văn bản chữ quốc ngữ liên quan đến yêu cầu của dân An Nam qua nhà nho Phan Châu Trinh” cho đến khi ông ta đi Đông Dương.
Hơn bốn tháng làm việc cùng nhau, Roux đã dịch hơn 200 trang văn bản ra tiếng Pháp các điều tường trình của cụ Phan để chuyển lên Toàn quyền Đông Dương Albert Saurraut: Yêu cầu xét lại các bản án xử các nho sĩ Trung Kỳ (trong vụ Trung Kỳ dân biến năm 1908); Về báo chí và diễn thuyết; Về các điều luật và về việc thành lập các tòa án bổ sung; Về bãi bỏ các biện pháp cấm sách Trung Hoa; Về việc đóng cửa các trường học...
Thông qua tiếp xúc với nhà ái quốc vĩ đại của Việt Nam, tình cảm giữa Roux và Phan Châu Trinh ngày càng thắm thiết. Nếu trong thư đầu tiên gửi Phan ngày 26-5, Roux còn khách sáo, gọi cụ Phan là “quan lớn” thì trong thư ngày 20-7-1911, ông ấy xưng “anh” và gọi Phan là “em” rất thân tình: “Anh nói thật thà mấy em (tức với em) như thế vì anh yêu mến em lắm, lại cũng yêu mến giống người An Nam”. Thậm chí, đến thư ngày 3-8-1911, Roux còn sử dụng cách xưng hô thân mật của người Quảng, xưng “qua” và gọi Phan là “em”: “Dẫu thế nào thì có một điều em nên vững chắc là qua yêu mến em như anh em ruột yêu mến nhau”.
Tận lực giải cứu người em kết nghĩa
Năm 1914, Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất bùng nổ. Cả nước Pháp rơi vào tình trạng tổng động viên. Roux được đưa vào quân ngũ ở Tarbes, cực Nam nước Pháp. Ngày 15-9 năm ấy, Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường bị bắt ở Paris vì tình nghi là thông đồng với Đức - kẻ thù đang có chiến tranh với Đức. Nhờ Phan Văn Dật cung cấp thông tin kịp thời nên Roux, lúc này đã là quan tư (thiếu tá), biết được người em kết nghĩa của mình đang nằm trong lao La Santé (Paris) và bị đối xử tồi tệ.
Ngục La Santé ở Paris, nơi cụ bị giam cầm (1914-1915). Ảnh tư liệu |
Với cương vị là người trước đó đã làm việc tại Hội đồng Quân sự số 1 vùng Paris, Roux những tưởng dễ dàng được xin phép vào thăm Phan Châu Trinh. Song, ông đã gặp trở lực ngay từ chính Caron, quan ba dự thẩm, là đồng nghiệp cũ của ông. Không được vào thăm, ông tìm cách gửi những chứng cứ để minh oan cho Phan Châu Trinh lên Tư lệnh Quân khu Paris. Roux còn viết thư cho cụ Phan, trong đó có nội dung oán trách Caron lẫn Tòa án binh. Bức thư ấy là cái cớ để Caron có thư tố cáo kiện quan tư Roux lên Chỉ huy tiểu đoàn, Phái viên Chính phủ tại Hội đồng Quân sự số 1 Paris. Do Chỉ huy các đơn vị thuộc địa và Chỉ huy đơn vị pháo binh số 8 thuộc Quân đoàn 31 cùng báo cáo xấu nên Roux bị Bộ trưởng Quốc phòng phê bình, nhận xét là không đủ năng lực làm chỉ huy đơn vị pháo binh và cho nghỉ hưu kể từ ngày 15-11-1915.
Từ mặt trận, Roux được gọi về Paris. Ông kiên quyết đấu tranh, bác bỏ ý kiến của tướng pháo binh Famin và phản kháng quyết định kỷ luật mà ông biết chắc là do “Thư gửi Phan Châu Trinh” của mình. Ông vẫn khẳng định việc bênh vực cụ Phan là do lương tâm và ý thức về nghĩa vụ đối với một người An Nam đang bị nghi oan và bị đối xử bất công. Năm 1916, Roux được điều về làm Phái viên Chính phủ trong Hội đồng Quân sự thường trực vùng 9 đóng tại Tours cho đến tháng 9-1922 mới nghỉ hưu. Ông tiếp tục dạy tiếng Việt ở Tours.
Cũng xin nhắc thêm một nghĩa cử đáng trân trọng của J.Roux: Khi Phan Châu Trinh ra tù thì bị cắt trợ cấp và đầu năm 1917 ông bị ốm nặng phải nằm liệt giường hơn hai tháng ở bệnh viện Cochin. Trong hoàn cảnh éo le ấy, Roux sốt sắng đôn đáo đến nhiều cửa để đòi phục hồi trợ cấp cho cụ Phan. Hành động có phần thái quá này đã khiến Phan Châu Dật hết sức quan ngại.
Trong thư gửi cha ngày 18-7-1917, người con học giỏi và rất hiếu thảo ấy viết: “Ông quan tư Roux kỳ quá. Việc chưa nguy hiểm gì mà ông đã lo trước lo sau, biên thơ cho người này người kia dữ tợn quá. Ổng đã biên cái thơ thiệt dài cho ông Bash, ổng còn sắp sửa biên mấy cái thế nữa cho ông Farjenel, ông Charles, ông Brieux, ông Noulens, ông Guernut, ông Emile, ông Ferdinand Buisson, là mấy ông Xã hội hết. Ý ông quan tư Roux là muốn cậy các ông ấy hội lại, làm sao xin cho Cậu (Phan Châu Dật gọi cha bằng cậu) lại cái số tiền Nhà nước cho khi trước. Ấy đó tánh ông Tư Roux nóng nảy lắm, không biết có được gì không mà lại gây thù oán thêm nữa…”.
VÂN TRÌNH