Đà Nẵng cuối tuần

Tục thờ Bà Dàng

14:50, 30/03/2024 (GMT+7)

* Xưa ở làng tôi có miễu thờ “Bà Dàng”. Xin cho biết “Bà Dàng” có phải là người Chăm không và “Bà” có công trạng gì hay uy lực thần thánh nào mà nhiều làng phải lập miễu thờ ? (Lê Văn Ngọc, quận Thanh Khê, Đà Nẵng).

- “Dàng” là phiên âm của “Yang” - một từ gốc Chăm, có nghĩa là thần. Thờ “Bà Dàng” là một hình thức tín ngưỡng của người Chăm theo chế độ mẫu hệ. Ở Nha Trang (Khánh Hòa) có tháp Pô Nưgar - thường gọi là Tháp Bà - một công trình có quy mô lớn nhất và có vai trò quan trọng trong lịch sử nghệ thuật kiến trúc tôn giáo Chăm. Thực ra, tên gọi đầy đủ của Pô Nưgar là Pô Yang Ina Nưgar (có tài liệu viết Yang Po Inâ Nâgar): Thần Mẹ Xứ sở (Pô: ngài, Yang: thần, Ina: mẹ, Nưgar: xứ sở). Người Chăm thờ Quốc Mẫu (Pô Yang Ina Nưgar) của mình ở Tháp Bà Nha Trang dưới dạng hình ảnh phồn thực của một bà mẹ bản địa với bụng thon, vú căng tròn.

Tháp Bà Nha Trang (Khánh Hòa). Ảnh: V.T.L
Tháp Bà Nha Trang (Khánh Hòa). Ảnh: V.T.L

Người được mệnh danh là “Thần Mẹ Xứ sở” của người Chăm đã được xây dựng như thế nào? Tác giả Huỳnh Thiệu Phong trong bài “Tìm hiểu tín ngưỡng thờ Mẫu của người Chăm qua hình tượng Yang Po Inâ Nâgar” đăng trên trang nghiencuulichsu.com, đã dẫn thông tin của nhà nghiên cứu Trương Văn Món (Sakaya) về một văn bản cổ của người Chăm có ghi lại sự tích của Mẫu thần Yang Po Inâ Nâgar.

Theo đó, xưa có hai vợ chồng già lấy nhau lâu năm nhưng không có con. Hai người làm rẫy và trồng dưa hấu tại chân núi Lang Liri (núi Đại An). Khi đó, ông Trời đã phái một cô gái còn trẻ xuống rẫy hái trộm dưa. Hằng đêm cô đều xuống phá dưa làm cho hai ông bà rất tức giận, lập mưu rình bắt. Hai ông bà bắt được cô gái, nhưng vì thấy cô còn trẻ nên cô nhận làm con nuôi.

Vài năm sau, trong một lần tắm sông, cô đã hóa thân vào khúc trầm hương và trôi ra biển lớn. Khúc gỗ trôi lên biển Bắc và rơi vào tay hoàng tử của Trung Hoa. Hoàng tử cho vớt khúc gỗ đem về cung. Sau đó ít lâu thì khúc gỗ hóa thân thành một cô gái xinh đẹp và hai người nên duyên vợ chồng. Chung sống với nhau và có được hai người con, về sau hai người xảy ra sự bất đồng kết hợp việc nhớ cha mẹ già, cô đã nhập vào thân trầm để trở về quê hương.

Sau khi nhận tin cha mẹ đã mất, cô đã ở lại để chỉ người dân kiến thiết đất nước, cho dạy chữ, hướng dẫn người dân cày cấy, trồng bông, dệt vải, xây tháp… Sau khi mất thì cô hiển linh. Để ghi nhớ công lao của cô nên người dân đã suy tôn cô thành Mẹ Nữ thần Xứ sở - tức Yang Po Inâ Nâgar và cho xây dựng đền tháp để thờ phụng.

Tháp Pô Nưgar - thường gọi là Tháp Bà, ra đời từ đó.

Nhìn chung, những ảnh hưởng của Bà-la-môn giáo Ấn Độ (được thực hành chủ yếu bởi người Chăm) không thể thay thế được nếp tôn vinh người phụ nữ - Người Mẹ - trong truyền thống văn hóa nghìn đời của người Chăm và cư dân nông nghiệp Đông Nam Á nói chung. Nữ thần Pô Yang Inô Nagar của người Chăm đã chuyển thành Thiên Y A Na Thánh Mẫu của người Việt, được thờ ở nhiều nơi từ Thừa Thiên Huế trở vào mà tiêu biểu nhất là điện Hòn Chén (Thừa Thiên Huế) và Tháp Bà Nha Trang (Khánh Hòa). Năm 1832, vua Minh Mệnh phong tặng Thiên Y A Na Thánh Mẫu danh hiệu “Diễn Ngọc Phi” (Bà Chúa Ngọc). Từ đó, nhiều sắc phong ở các đình làng có thêm một vị thần là “Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi”.

Như vậy, tục thờ “Bà Dàng” là một cách chuyển tiếp truyền thống văn hóa tâm linh khi diễn ra tiếp biến văn hóa giữa hai dân tộc Chăm - Việt.

ĐNCT

.