Đà Nẵng cuối tuần
Ươm mầm bền bỉ văn hóa đọc
Tôi nhận lời tham gia một buổi chia sẻ về sách và văn hóa đọc tại một trường trung học quốc tế vào tối cuối tuần vừa rồi. Quả thật, đây không phải là lần đầu tiên, nhưng với một trường quốc tế, có nhiều học sinh từ khắp các nước theo học, thì đây là lần đầu tiên. Tôi háo hức và cũng một phần tò mò khi hỏi cô giáo quản lý thư viện trường về những đầu sách các em hay mượn đọc. Cô giáo cho xem một danh sách dài của 3 tháng đầu năm các học sinh đã mượn sách thì tôi ngỡ ngàng. Từ luật, kinh tế, đến văn học và cả sách về chính trị. Bất ngờ hơn nữa đó là những quyển sách văn học chiếm phần lớn ưu thế trong các dòng sách các em lựa chọn. Riêng tại trường quốc tế này, các em còn thành lập một CLB văn chương và sáng tác song ngữ Việt - Anh.
Hằng năm, cứ vào trung tuần tháng Tư, là cả nước lại rộn ràng chuẩn bị cho những ngày hội “Sách và Văn hóa đọc”. Khởi nguồn từ năm 2014, nhận thấy tầm quan trọng của văn hóa đọc, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 284/QĐ-TTg, lấy ngày 21-4 là ngày Sách Việt Nam. Theo quyết định này, ngày hội sách diễn ra hằng năm với mục tiêu khuyến khích phong trào đọc sách trong cộng đồng và nâng cao nhận thức của nhân dân về tầm quan trọng của văn hóa đọc đối với sự phát triển của con người và đất nước. 7 năm sau, để đưa văn hóa đọc phát triển hơn nữa, vào ngày 4-11-2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định mới về việc tổ chức ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Nhờ đó, ngày sách 21-4 được hiện thực hóa để đi vào thực tiễn trên phạm vi toàn quốc, từ trường học đến các cơ quan, tổ chức… Đây cũng là lúc mà môi trường đọc được đầu tư bài bản để văn hóa đọc phát triển thuận lợi. Đến năm 2024, đã là năm thứ 3, ngày hội dành cho sách và văn hóa đọc rộn ràng tổ chức và lan tỏa sâu rộng hơn bao giờ hết trong cả nước.
Giao lưu với sinh viên của một trường sư phạm, tôi có hỏi các bạn một tuần dành bao nhiêu thời gian cho việc đọc sách. Bất ngờ khi nhận được phản hồi chỉ phân nửa số lượng trong hội trường 600 sinh viên tham dự là đọc từ 1 đến 5 giờ. Nếu từ con số từ 5 đến 10 giờ trở lên thì các cánh tay chỉ đếm bằng một phần ba số lượng. Tổ chức World Culture Score Index (tạm dịch “Chỉ số văn hóa thế giới”) đã thực hiện các cuộc điều tra toàn cầu nhằm thống kê thời gian trung bình người dân ở các quốc gia dành cho việc đọc trong một tuần lễ. Theo kết quả cuộc điều tra gần đây nhất, Ấn Độ là nước dẫn đầu với 10 giờ 42 phút mỗi tuần. Theo sau là Thái Lan (9 giờ 24 phút), Trung Quốc (8 giờ), Philippines (7 giờ 36 phút), Ai Cập (7 giờ 30 phút), Cộng hòa Séc (7 giờ 24 phút), Thụy Điển (7 giờ 6 phút), Pháp (6 giờ 54 phút), Hungary và Ả Rập Xê Út (cùng 6 giờ 48 phút). Mặc dù là quốc gia có trình độ dân trí giữa các tầng lớp rất cách biệt với số người biết chữ chỉ chiếm 27,4% dân số nhưng có đến 25% số người trẻ đọc sách thường xuyên và 49% số người được đi học đọc sách như một cách giải trí. Chỉ là một cuộc khảo sát nhỏ để thấy sự đọc ở nước ta vẫn đang cần có thêm nhiều hoạt động diễn ra xuyên suốt hơn là chỉ tập trung vào một mùa hội.
Văn hóa giải trí trong thời đại phẳng ngày nay bị tác động rất nhiều. Chúng ta vẫn thấy nhan nhản hằng ngày là những con người ngược xuôi khắp nơi với chiếc điện thoại thông minh trong tay. Tất cả quy tụ về những chiếc điện thoại. Thậm chí ngồi quán cà phê để gặp nhau đôi khi cuộc trò chuyện vẫn ít hơn là bấm điện thoại. Hay các dãy ghế chờ ở sân bay, câu chuyện chỉ là các nền tảng mạng xã hội đang có gì hay, đang có gì vui và thứ gì đang nóng sốt để chia sẻ cùng nhau. Rất hiếm gặp cảnh người ta đọc sách trong quán cà phê, trong khoảng thời gian chờ bay. Và càng hiếm gặp cảnh đọc sách ngoài công viên.
Trở lại buổi giao lưu với học sinh trung học của một trường quốc tế mới đây, tôi bất ngờ khi trong thư viện nhỏ ấy có cuốn sách “Đường Kách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bản in năm 2012. Đây là tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Việt được in bởi những người thợ in Việt Nam, vào năm 1927. Cô thủ thư bảo đến bây giờ đã là hơn 1.000 lượt học sinh mượn đọc.
Tôi ấn tượng bởi cách mà trường quốc tế này tổ chức việc đọc bởi nó là một hoạt động ngoại khóa hằng tháng và có tính điểm. Sau mỗi cuốn sách học sinh sẽ ghi một bài luận 1.000 chữ về cuốn sách. Hằng tháng đều có những phần thưởng cho những học sinh đọc nhiều sách và có những bài luận hay do hội đồng giáo viên nhà trường chấm.
Những câu chuyện và những con số thống kê cho thấy sách có giá trị như thế nào trong cuộc sống, bởi hầu hết các nước có chỉ số đọc cao luôn là những nước phát triển. Vậy nên ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam không chỉ “nổi” lên như một mùa “hội” mà cần bền bỉ ươm mầm suốt bốn mùa của năm.
TỐNG PHƯỚC BẢO