Đà Nẵng cuối tuần
Cùng nhau, chúng ta có thể làm nên khác biệt
Ở tuổi 80 với hơn 5 thập niên đóng vai trò như một nhà biên niên sử vòng quanh thế giới, nhiếp ảnh gia người Brazil Sebastião Salgado vẫn chưa có ý định gác máy, bởi ông vẫn muốn làm điều gì đó vì cộng đồng và thế hệ tương lai.
Một tác phẩm của nhiếp ảnh gia Sebastião Salgado. Ảnh: Solldn.Com |
Tay máy nổi tiếng đặc biệt với những tác phẩm nhiếp ảnh ở rừng Amazon luôn tin rằng, vẫn cần phải “nâng cao nhận thức” về tình trạng phá rừng trên hành tinh của chúng ta.
Lên án xã hội tiêu dùng
“Nhiếp ảnh là tấm gương phản ánh xã hội”, ông nói trong cuộc trả lời phỏng vấn Hãng tin AFP gần đây nhân sự kiện triển lãm cá nhân nhìn lại 50 năm sự nghiệp từ ngày 19-4 đến ngày 6-5 tại trung tâm nghệ thuật Somerset House ở thủ đô London (Anh).
50 bức ảnh trưng bày tại triển lãm là những tác phẩm do ông Salgado lựa chọn từ kho ảnh của mình. Chúng là những chủ đề chính và cũng là những cột mốc đáng nhớ nhất với ông trong 50 năm sự nghiệp. Nó trải dài từ những dự án ban đầu của ông như “Gold” (1986) và “Workers” (1993) cho tới các loạt ảnh gần đây hơn như “Genesis” (2011) và "Amazônia" (2019). Triển lãm khám phá những sắc thái tinh tế và phức tạp vốn có của đời sống, bộc lộ những khó khăn, cùng cực, nhưng cũng phô bày cả vẻ đẹp tuyệt vời của nó.
"Tôi rất vinh dự khi nhận được giải thưởng này và hiểu rằng tác phẩm của mình đã chạm đến người xem. Nhiếp ảnh là cuộc đời tôi, là ngôn ngữ của tôi, và thông qua sự nghiệp của mình, tôi luôn hứng thú với việc ghi lại khoảnh khắc lịch sử mà chúng ta đang sống, cũng như kể các câu chuyện về những giống loài và hành tinh của chúng ta” Nhiếp ảnh gia Sebastião Salgado |
Bất kể tuổi tác ngày càng nhiều, ông Salgado vẫn say sưa làm việc và kiên định với điều mà ông nhìn nhận như là một nhu cầu cần phải “khiến mọi người hiểu rằng cùng với nhau chúng ta có thể làm mọi điều khác biệt”. Theo cách đó ông nói rằng, “chúng ta có thể cứu khu rừng khổng lồ này, nơi chúng ta phụ thuộc vào sự đa dạng sinh học của nó cũng như bảo tồn văn hóa tuyệt vời, nơi cư trú của nhiều sắc tộc bản địa sống ở Amazon”.
Năm 1998, cùng với vợ mình, bà Lelia, ông thành lập tổ chức Instituto Terra với sứ mệnh phủ xanh lại rừng nhiệt đới Amazon của Brazil cũng như nhiều cánh rừng khác trên trái đất. Nhiếp ảnh gia tự học này đã giành được vô số các giải thưởng quốc tế cho những tác phẩm “vẽ lại chân dung” của các cộng đồng xã hội trên toàn thế giới. Tổ chức nhiếp ảnh thế giới (The World Photography Organisation) tôn vinh ông là một trong những nhiếp ảnh gia nổi tiếng nhất và có nhiều thành tựu nhất vẫn đang tiếp tục làm việc. Những năm qua, ông dồn sự tập trung của mình vào đời sống của các cộng đồng dân cư tại rừng nhiệt đới Amazon.
“Chúng ta đã mất 18,2% diện tích rừng Amazon. Nhưng không phải những người Brazil hay các quốc gia khác trong khu vực phá hủy nó, mà chính xã hội tiêu dùng của chúng ta, chính bởi nhu cầu khủng khiếp về tiêu dùng, về lợi nhuận”, ông nói. Dù vậy, nạn phá rừng trên toàn hành tinh không phải mối lo ngại duy nhất của ông. Thiếu nước theo lời ông là “thảm kịch thứ hai, cũng quan trọng như vấn đề nóng lên toàn cầu”.
Đặc quyền của nhiếp ảnh gia
“Đó chỉ là một sự tuyển chọn. Không thể trưng bày 50 năm sự nghiệp chỉ trong 50 bức ảnh. Nhưng mỗi bức ảnh là một khoảnh khắc trong cuộc đời tôi và nó đã rất quan trọng”, nhiếp ảnh gia 80 tuổi nói về triển lãm đang diễn ra của ông tại London.
Triển lãm được tổ chức khoảng 1 tháng sau khi ông Salgado được trao tặng giải thưởng Cống hiến xuất sắc cho nhiếp ảnh tại lễ trao giải thưởng nhiếp ảnh thế giới Sony năm 2024 - giải thưởng danh giá trong lĩnh vực nghệ thuật của ánh sáng. Ông là người thứ 17 được trao giải thưởng này. “Đó là phần thưởng cho nỗ lực làm việc cả đời”, ông nói, không giấu được vẻ biết ơn. “Một nhiếp ảnh gia có được đặc quyền là có mặt ở nơi mọi thứ xảy ra. Mọi người bảo tôi là một nghệ sĩ, nhưng tôi nói với họ là “không”, tôi chỉ là một nhiếp ảnh gia và được vậy đã là một đặc quyền. Tôi đã là một sứ giả của xã hội mà tôi là một phần trong đó”, ông nói.
Và khi đang bắt đầu thập niên thứ 9 trong cuộc đời mình, ông Salgado cho biết ông không có kế hoạch “nghỉ hưu” và cũng không muốn tốn thời gian để nghĩ về di sản của mình. Ông cho biết: "Tôi đã có 50 năm sự nghiệp phía sau và tôi đã 80 tuổi. Tôi đã gần cái chết hơn bất cứ điều gì khác. Nhưng tôi sẽ tiếp tục chụp ảnh, tôi sẽ vẫn tiếp tục làm việc. Tôi không có những băn khoăn hay kỳ vọng gì về việc tôi sẽ được nhớ tới như thế nào. Những bức ảnh là cuộc đời tôi, không gì khác".
TRẦN ĐẮC LUÂN