Đà Nẵng cuối tuần

Tháng Tư về...

13:18, 13/04/2024 (GMT+7)

Đã đi qua biết bao tháng Tư của cuộc đời trên mảnh đất thân thương này, cứ tưởng rằng mọi thứ sẽ trở nên quá quen thuộc. Nhưng không, mỗi lần tháng Tư gõ cửa, lòng tôi luôn giấy lên những cảm xúc đặc biệt và khiến tôi yêu hơn và mãi mãi không muốn rời xa nơi này. Tôi luôn để mình mới hơn mỗi ngày nhưng không phải vậy mà để những cũ xưa trở nên nhạt nhòa. Những kỷ niệm tháng Tư của tôi và cậu bạn thân đã lên với thành phố cùng gia đình vẫn còn đó. Thi thoảng, nó nhắn, nó nhớ tháng Tư  quê nhà mà bấy lâu vẫn chưa kịp trở về. Bạn nói bạn thương cái màu hoa đỏ rụng rưng rức cả một chiều bến sông quê. Bạn hỏi giờ này có còn bông hoa nào nở muộn. Nghĩ thương bạn, bởi tôi biết bạn đâu muốn rời quê để định cư mãi trên đó. Tôi và bạn đều là những người trẻ nặng lòng với quê, nhưng tôi may mắn hơn nó vì vẫn còn có thời gian để được ở lại nơi này, dù cuộc sống vẫn còn nhiều thiếu thốn.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tháng Tư về, tôi nương mình trong bầu xúc cảm đó để rồi đi tìm lấy những không gian làng quê để gửi gắm tiếng lòng. Quê tôi khép lại những ngày tháng Ba mưa phùn ẩm ướt để rồi khi tháng Tư trở về đã trở nên quang đãng. Nắng tháng Tư  vàng non mang nhiều dư vị. Nắng muốn gói lại ngày xuân để mở ra những sắc màu chớm hạ. Không gian vàng trong sắc nắng tháng Tư, những hàng cây trước ngõ qua mùa thay lá đã xanh non, tắm táp mình trong nắng. Cả những loài hoa dại bên đường bung sắc. Tôi đưa tay đón lấy những tia nắng ấy, nắng đâu giữ riêng hương sắc cho mình, nắng chạm nhẹ lên người quê rồi gửi trao. Quê tôi tháng Tư đẹp và nên thơ đến lạ, gieo vào tôi nhiều ý nghĩ sâu sắc về sự hài hòa của không gian và cảnh vật. Sự hài hòa ấy như cảm hòa được bao nốt chùng của tôi, chúng khiến tôi trở nên nhẹ nhàng và say sưa với nắng.

Tháng Tư về, tôi tỉ mẫn hơn với khu vườn của mẹ. Mọi thứ được chính bàn tay mẹ trồng trong những ngày đầu xuân ẩm ướt. Để rồi giờ đây, khi đã đón nhận được bao tinh chất của đất trời chúng tươi tốt, mướt mát trong sắc xanh đầy sức sống. Những chùm cà trắng tím lúc lỉu, những quả bầu tư lự trên khoảng đất. Luống hành mẹ thu hoạch hồi tháng Ba giờ đang phơi ải để chuẩn bị xuống giống rau mới. Giàn mướp nhỏ trên ao xanh điểm sắc hoa vàng, những chùm hoa vàng mướt trong nắng rồi đổ bóng xuống mặt ao. Hương vườn tháng Tư được những đàn ong mật dập dìu lan tỏa. Mẹ luôn bảo tôi phải biết yêu những gì bé nhỏ, bình dị trên khu vườn, bởi đó là nghĩa tình quê hương, đã ít nhiều nuôi dưỡng tôi khôn lớn.

Tôi đi theo cơn gió tháng Tư rồi ra phía con đường làng. Ánh mắt tôi nhìn qua phía hàng rào, thấy nhà ai cũng đang đem những tấm chăn và cả những chiếc áo bông cũ ra phơi sau đợt rét cuối cùng. Màu áo bông, màu chăn cũ trắng xám trong nắng tháng Tư. Mùi thơm từ những tấm chăn ấy, chiếc áo ấy khiến tôi xao lòng. Bởi nơi ấy có biết bao ân tình, bao tấm lòng đã gửi gắm vào đó. Bà cụ thì thầm cuối ngõ lời thương, rằng khi tháng Tư về, đem chăn cũ ra hong nắng lại thấy nhớ bọn trẻ vô cùng, làm gì mãi trên phố mà chẳng thấy về quê thăm nom nhà cửa...

Ai đi qua tháng Tư hãy nhớ để lại một lời nhắn thân tình. Chiều nay mẹ nhắn tôi ra đồng để cùng mẹ bón phân cho lúa. Tôi đi theo những thân tình của tháng Tư, men theo lối chiều rồi ra trước cánh đồng mênh mông đang trong thì làm đòng. Biển lúa gợn sóng rì rào tròn nắng gió chiều hôm. Phía xa kia mẹ tôi đang thấp thoáng nẻo ruộng. Tôi ra phía mẹ rồi bỗng thảng mình khi nhìn thấy cánh cò trắng bay về phía chân trời...

Cám ơn tháng Tư những khoảnh khắc như vậy, những khoảnh khắc khiến tôi thấy làng quê mình và mọi thứ xung quanh thật đẹp. Trước tháng Tư tôi đã dâng đầy lên ánh mắt của mình những ý nghĩ và xúc cảm về khu vườn, về con đường, về người quê thân thương, về nỗi niềm đứa bạn cũ. Chim chiều bay đi mang theo một màu nắng tháng Tư cuối ngày. Tôi cảm thấy mình sâu lắng nhiều hơn, tĩnh tại nhiều hơn trước khí trời đặc biệt ấy. Tháng Tư mang những cơn mưa rào bất chợt, nắng đã lên nhưng chưa tạo ra cho người ta cảm giác oi ả, khó chịu. Đôi chân cứ thế mà chầm chậm gieo bước lên lòng quê…

TRẦN VIỆT HOÀNG

.