Đà Nẵng cuối tuần

Đàn ông, phụ nữ và chuyện cái cúc áo

15:11, 25/05/2024 (GMT+7)

Vì sao cúc áo sơ mi của nam giới ở bên phải, nhưng của phụ nữ lại ở bên trái? Không ai biết đích xác vì sao, nhưng đã có một số giả thuyết khả dĩ lý giải về vấn đề này.

Nếu không nhìn, bạn có thể biết những chiếc cúc áo trên chiếc sơ mi đang mặc nằm ở bên trái hay phải không? Câu trả lời thực sự khá đơn giản: nếu bạn mặc đồ của phụ nữ, hàng cúc sẽ được đơm ở vạt áo bên trái, còn nếu mặc đồ của đàn ông, chúng sẽ nằm ở bên phải.

Minh họa do AI vẽ.
Minh họa do AI vẽ.

Di sản của một thời xa hoa?

“Đây không phải vấn đề lớn, nhưng là một chuyện lạ lùng”, tác giả Megan Garber từng nhận xét như vậy trên tạp chí Atlantic từ năm 2015. “Sự khác biệt về chiếc cúc là di sản của một truyền thống cũ mà chúng ta mang nó vào thế giới đương đại một cách rất tự nhiên”.

Cũng giống như nhiều phong tục tập quán cổ xưa, chẳng ai biết đích xác sự khác biệt về vị trí những chiếc cúc áo này đã dần trở nên phổ biến trong thời trang ra sao. Một lựa chọn thiết kế như thế sẽ trở nên dễ hiểu hơn nếu như mọi phụ nữ đều thuận tay trái và mọi đàn ông đều thuận tay phải. Nhưng vì có tới khoảng 90% nhân loại là những người thuận tay phải nên rõ ràng yếu tố thuận tay này không phải là lý do. Vậy thì vì sao?

Theo tạp chí Smithsonian, có một giải thuyết khá phổ biến cho rằng điều này có thể liên quan tới cách mặc váy trong quá khứ của các phụ nữ thuộc giới trung lưu và thượng lưu ở châu Âu. Trong thời Phục hưng ở châu Âu và thời Victoria (Anh), trang phục của phụ nữ thường phức tạp và tinh tế hơn nhiều so với nam giới, chính vì thế việc tự mặc những đồ ấy cũng khá khó khăn.

Phụ nữ, nhất là phụ nữ quý tộc giàu có, thường mặc những món đồ rất diêm dúa và thích cảm giác xa hoa của việc được một người hầu mặc đồ cho mình”, bà Caitlin Schneider, cựu biên tập viên của trang Mental Floss giải thích. Do đó, để những người phục vụ này (những người thuận tay phải) có thể dễ dàng cài khuy áo/váy cho chủ nhân của họ, các nhà cung cấp thời trang đã bắt đầu đơm cúc vào phần bên trái.

Trong khi đó với áo sơ mi của nam giới lại được thiết kế theo cách để họ tự cài. Theo đó, khi quần áo được sản xuất hàng loạt với số lượng nhiều và ngày càng phổ biến, thiết kế cúc theo cách trái ngược giữa hai giới cũng trở thành tiêu chuẩn của thời trang nói chung.

Những giả thuyết khác

“Vậy tại sao truyền thống đó vẫn tiếp tục được duy trì trong thời hiện đại, khi mà phụ nữ có thể tự mặc đồ cho mình?”, đó là câu hỏi mà tác giả Benjamin Radford đặt ra trong một bài viết bàn về vấn đề này trên trang Live Science. Và rồi chính tác giả này đã nêu ra câu trả lời: “Không có một lý do thực sự nào cho việc vì sao những chiếc cúc áo không thể bị thay đổi vị trí. Đó là vì chẳng ai bận tâm tới việc thay đổi một truyền thống mà thoạt đầu rất ít người để ý hay phàn nàn về nó”.

Mặc dù cách giải thích này là một trong những lập luận phổ biến nhất, song vẫn có những giả thuyết khác được đề xuất. Chẳng hạn có giả thuyết cho rằng khi phụ nữ cưỡi ngựa, họ thường ngồi vắt hai chân sang một bên và theo đó các phần bên phải của cơ thể họ sẽ hướng nhiều hơn về phía trước. Một số người cho rằng có lẽ ở tư thế này, những chiếc áo với cúc bên trái sẽ giúp bảo vệ cơ thể họ khỏi những làn gió lạnh thổi xuyên qua áo.

Lại cũng có người bảo rằng do trang phục của nữ giới nói chung được thiết kế cho các bà mẹ, những người thường sẽ bế con bằng tay trái, giúp tay phải của họ được rảnh để làm việc khác. Chẳng hạn để cho con bú, người mẹ dùng tay phải để mở cúc áo bên trái cũng sẽ dễ dàng hơn. Rồi lại cũng có người thậm chí cho rằng việc thiết kế vị trí cúc áo như vậy như một thông điệp có ý đồ nhằm nhấn mạnh đàn ông thì khác biệt và đứng cao hơn phụ nữ.

Dĩ nhiên cũng có những lý thuyết khác tập trung vào giải quyết vấn đề vì sao cúc áo của đàn ông lại nằm bên phải. Một trong số đó cho rằng cách thiết kế này là “sản phẩm” còn giữ lại từ thời chiến tranh trong quá khứ như một bài viết đăng trước đây trên tạp chí Atlantic.

Cũng như những người phụ nữ giàu có một thời cần phải có người giúp việc giúp họ mặc quần áo, đàn ông cũng từng đòi hỏi quần áo của họ phải có tác dụng hỗ trợ trong việc thực hiện nhiệm vụ trên chiến trường. Theo đó, do cách những người lính rút vũ khí ra từ trên người, việc mặc những bộ quần áo có hàng cúc bên phải sẽ giúp họ thực hiện hành động này hiệu quả hơn.

Các sử gia có thể chẳng bao giờ biết chính xác vì sao mà rốt cuộc những chiếc cúc áo của phụ nữ nằm ở bên trái và với đàn ông thì ngược lại, nhưng bất kể nguồn gốc của nó là gì, khác biệt lạ lùng này vẫn tiếp tục trở thành một thông lệ của thời trang cho tới hôm nay.

“Thanh gươm của một quý ông luôn được đeo bên trái để nó có thể được rút ra bằng tay phải. Nếu một chiếc áo được cài từ phải qua trái, chuôi kiếm có thể dễ bị mắc kẹt vào khe áo khi rút ra, do đó bất cứ kiếm sĩ nghiêm túc nào cũng sẽ yêu cầu một chiếc áo được cài cúc từ trái qua phải. Như một chỉ dấu của nam tính, truyền thống này đã được mở rộng sang các trang phục khác của đàn ông”. Đây là một giả thuyết của tác giả Paul Keers trên báo Guardian về việc vì sao cúc áo của đàn ông nằm bên phải.

TRẦN ĐẮC LUÂN

.