Đà Nẵng cuối tuần

Tẩn liệm, Tẫn liệm hay Tẩm liệm?

15:03, 25/05/2024 (GMT+7)

* Lâu nay, việc liệm thi hài người chết đưa vào quan tài, có người gọi là “tẩm liệm” nhưng cũng có người gọi là “tẩn liệm”. Vậy, chính xác phải gọi như thế nào cho đúng? (Trần Nhuận, quận Hải Châu, Đà Nẵng).

- Đúng là lâu nay người ta hay gọi việc liệm thi hài người chết đưa vào quan tài là tẩm liệm hoặc tẩn liệm (tẩn thanh hỏi). Các cách gọi này đều không chính xác.

Từ “tẩn liệm” thường được không ít người dùng kiểu như: Một người sau khi được xác nhận đã chết (hết thở, tim ngừng đập), gia quyến cần để yên từ 8 đến 12 giờ sau mới tẩn liệm. Trừ các trường hợp bị tai nạn những người mắc bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm thì cần tẩn liệm càng sớm càng tốt. Cách ghi tẩn liệm (tẩn thanh hỏi) là không chuẩn xác, mà phải là tẫn liệm (tẫn thanh ngã).

Đôi chữ Hán 殯殮 đọc theo âm Hán-Việt là “tẫn liệm” (tẫn thanh ngã). Ảnh: ST
Đôi chữ Hán 殯殮 đọc theo âm Hán-Việt là “tẫn liệm” (tẫn thanh ngã). Ảnh: ST

Về từ “liệm” 斂, Hán-Việt tự điển của Thiều Chửu giải thích: “Thay áo cho người chết là tiểu liệm, nhập quan là đại liệm”.

Tự điển Việt Nam do Ban Tu thư Khai Trí biên soạn (Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1971) cắt nghĩa: “Liệm: bọc xác người chết rồi để vào quan. Đại liệm: bọc xác người chết bằng hàng, vải. Tiểu liệm: bọc ít vải hơn đại liệm”.

Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, do Hoàng Phê chủ biên (Trung tâm Từ điển ngôn ngữ, Hà Nội 1992) cắt nghĩa, động từ liệm theo cách đơn giản: “Bọc xác người chết để cho vào quan tài”.

Về từ “tẫn”, Đại Nam quấc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của giải thích: “Phong gói tử thi mà để vào hòm, liệm. Tẫn liệm; quàn tẫn = liệm mà để lại, chưa chôn”. Và từ “tẩm”: Ngâm, dầm. Tẩm thuốc = Dùng nước gì mà dầm thuốc. Tẩm rượu = Dầm với rượu, ngâm với rượu.

Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ trong bài “Tẫn liệm hay tẩm liệm” đăng trên giaolyductin.net (Ủy ban Giáo lý Đức tin Trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam) nói rõ hơn về từ “tẩm”. Tẩm chữ Hán viết là (浸), chữ xưa viết 濅, là thể hội ý, viết bộ氵(thủy), có nghĩa: ngâm, dầm, nhúng, ngấm, thấm, thấm lần lần, làm cho một chất lỏng ngấm vào, là đưa vật vào nước cho ướt thấm cả để làm sạch, nên đi với bộ 氵(thủy), và chữ bên cạnh cho âm tẩm. Nói chung là đưa vật vào nước thì vật sẽ được sạch. Có nghĩa là thấm, ngâm; thấm lần lần; làm cho một chất lỏng ngấm vào.

Như thế, chữ “tẩm” hoàn toàn không có nghĩa là liệm xác chết. Khi người ta ướp xác thì nói là “tẩm xác”. Còn khi phong gói tử thi mà cho vào hòm thì nói là “tẫn liệm”.

Tác giả Phanxipăng có bài tìm hiểu về các cụm từ “Tẩm, Tẫm, Tẩn hay Tẫn Liệm” đăng trên trang 15 báo Kiến Thức Ngày Nay số 996 ngày 10-4-2018, sau khi tham khảo 6 cuốn từ điển, cũng chỉ thấy có 2 mục từ liên quan là “Khâm liệm” và “Tẫn liệm” mà không có các mục từ “Tẩm liệm”, “Tẫm liệm” hoặc “Tẩn liệm”.

Khâm 衾 là chăn/ mền, lại mang nghĩa vải bọc thi hài phía ngoài áo liệm. Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh giải thích từ khâm liệm 衾殮: “Vải bọc thây người chết, ở trong gọi là liệm, ở ngoài gọi là khâm”.

Về từ Tẫn (thanh ngã), Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh cho biết đây là cách đọc khác của một từ đọc là Thấn 殯,nghĩa là chết mới liệm mà chưa chôn. Từ điển Hán Việt (Hán ngữ cổ đại và hiện đại) của Trần Văn Chánh (NXB Trẻ, 1999) ghi chữ 殯 có 3 âm Hán-Việt: thấn, tấn, tẫn (thanh ngã).

Tác giả Phanxipăng kết luận: Vậy từ đang xét 殯殮 cần được đọc và viết bằng Việt ngữ là thấn liễm, tấn liễm, hay tẫn liệm.

ĐNCT

.