Đà Nẵng cuối tuần

Đối thoại với... Truyện Kiều, tem cổ, tiền xưa

17:02, 11/05/2024 (GMT+7)

“Cuộc đối thoại” với văn hóa được mở đầu, khi mấy vị khách chạm tay vào dãy bích họa tái hiện hình ảnh Truyện Kiều và chân dung đại thi hào Nguyễn Du sánh vai cùng hai đại thi hào William Shakespeare và  Victor Hugo trên "con đường" về biển Cửa Đại.

Nhà sưu tập Trần Hữu Tài bên bức bích họa vẽ chân dung các đại thi hào: Nguyễn Du, William Shakespeare, Victor Hugo . Ảnh: L.V
Nhà sưu tập Trần Hữu Tài bên bức bích họa vẽ chân dung các đại thi hào: Nguyễn Du, William Shakespeare, Victor Hugo . Ảnh: L.V

Bức bích họa do nhóm họa sĩ trẻ từ Đà Nẵng vẽ tay kỳ công trong 3 ngày, nằm ngay cổng vào CSO Gallery - bảo tàng tư nhân trên đường Cửa Đại (phường Cẩm Châu, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam). Nhà sưu tập Trần Hữu Tài, chủ bảo tàng nói, đặt hình ảnh các danh nhân văn hóa thế giới như vậy để muốn gửi gắm thông điệp đến du khách gần xa: Việt Nam - quê hương của đại thi hào Nguyễn Du, của di sản Truyện Kiều luôn có nền tảng và tầm vóc văn hóa - lịch sử giàu bản sắc trong kho tàng tri thức của nhân loại.

Gom nhặt cảo thơm về phố cổ

Thông điệp đó cũng là tâm huyết của ông Tài trong hơn 20 năm nghiên cứu tài liệu, học chữ Hán, đầu tư thời gian và tiền bạc để gom nhặt các ấn phẩm liên quan quốc bảo Truyện Kiều cùng nhiều vật phẩm như tem, tiền xu, tiền giấy. Thành quả của hành trình này là bộ sưu tập Truyện Kiều được công nhận kỷ lục lớn nhất Việt Nam với gần 2.000 ấn phẩm được dịch ra gần 20 ngôn ngữ và xuất bản ở nhiều quốc gia trên thế giới. Hàng trăm ấn phẩm được giới thiệu trên báo chí, tranh ảnh…

Trong đó có thể kể tới ấn bản Truyện Kiều bằng chữ Nôm năm 1906 của Nhà in Liễu Văn Đường (Hà Nội), "Văn tập Kiều của cô B" năm 1930, "Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du" năm 1942... Đặc biệt có ấn bản Truyện Kiều song ngữ được viết bằng chữ quốc ngữ và chữ Việt cổ của nhóm tác giả Lê Đình Lai và Hoàng Thị Mơ (Trung tâm Văn hóa người cao tuổi - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam). Công trình chuyển ngữ này là kết quả của quá trình nghiên cứu về “Vấn đề chữ Việt của người Việt cổ” đã được Cục Bản quyền tác giả cấp chứng nhận đăng ký quyền tác giả vào năm 2013.

Có dịp mục sở thị những ấn bản Truyện Kiều ở đây, anh Benjamin McKenna (quốc tịch Anh) chia sẻ: "Tôi đã biết về sự phổ biến của Truyện Kiều trước đó thông qua những bản dịch được xuất bản ở châu Âu; thực sự ngạc nhiên hay có thể nói là choáng ngợp khi biết được đằng sau một tác phẩm lớn như thế còn rất nhiều công trình nghiên cứu, tác phẩm chuyển thể, những ấn phẩm liên quan...".

Ông Tài làm một phép tính. Cụ thể, Truyện Kiều có 3.254 câu thơ lục bát với nhiều điển tích, điển cố và ngôn từ giàu hình ảnh, nếu một người thuộc được khoảng 20 câu Kiều thì sẽ cần khoảng 160 người để đọc và nhớ hết toàn bộ tác phẩm. Ở khía cạnh khác, Truyện Kiều đã trở thành biểu tượng ngoại giao, ví dụ như nhiều tổng thống Mỹ đã đọc Kiều trong các sự kiện trọng đại của hai nước. Đó chính là tầm vóc đồ sộ của một công trình văn hóa, một “cảo thơm lần giở trước đèn” không chỉ của Việt Nam và thế giới.

Cuộc đối thoại của văn hóa

Tại CSO Gallery còn có bộ sưu tập tem cổ cùng tiền xu, tiền giấy quý hiếm của Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Trong đó có những bộ tem đặc biệt được phát hành với chủ đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1956 đến năm 2020, bộ sưu tập tem linh vật ngựa đoạt kỷ lục Việt Nam 2023, bộ sưu tập tem in đè… hay 58 bộ sưu tập tiền xu và tiền giấy độc đáo như: đồng xu động vật, đồng xu bằng sứ, đồng xu nữ hoàng Anh, đồng xu cổ Việt Nam… Trong các mẫu tiền cổ ấy, không thiếu những mẫu tiền Việt Nam từ thời bao cấp đến giai đoạn giao thời trước khi các mẫu tiền polyme ra đời.

Gọi tem là “bưu hoa” kể chuyện, nhà sưu tập 50 tuổi nói về vòng đời của những con tem in đè trong lịch sử Việt Nam và thế giới. Bản chất của loại tem này theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tem bưu chính Việt Nam do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành nêu rõ: Tem bưu chính in đè là tem đã phát hành được in thêm tiêu đề, hình ảnh, biểu trưng, ký hiệu hoặc giá mặt. Những nội dung in thêm không thuộc mẫu thiết kế ban đầu.

“Trong quá khứ, tem in đè được ra đời và lưu hành bắt nguồn từ nhiều lý do. Đầu tiên là để tiết kiệm chi phí và thời gian in ấn, những con tem được sản xuất số lượng lớn có thể được tái sử dụng; thứ hai, theo bối cảnh lịch sử, nhiều tem in đè được ra đời trong thời điểm các nước đế quốc chiếm đóng lãnh thổ ở thuộc địa hoặc một quốc gia khẳng định chủ quyền. Bên cạnh đó, việc in đè cũng thay đổi mục đích sử dụng ban đầu của con tem…”, ông Tài cho biết và lấy một ví dụ từ giai đoạn năm 1945-1946.

Sau khi giành được chính quyền, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bấy giờ đã in đè tên đất nước và mệnh giá tem mới lên những con tem Đông Dương (Indochine) của Pháp trước đó để sử dụng trong thời gian chờ phát hành mẫu tem mới. Trong khi đó ở Âu - Mỹ từ thế kỷ XIX đã xuất hiện các mẫu tem in đè với các chức năng đặc biệt thay cho một tem thư đơn thuần: tem săn bắn chim di trú (Mỹ), tem giấy phép nuôi chó (Ireland), tem vận chuyển bưu phẩm bằng khí nén (Ý, Anh, Đức, Thụy Sĩ, Mỹ)…

Tính đến hiện tại, tổng số vật phẩm ở CSO Gallery đạt con số 20.000 với hiện vật nhiều tuổi nhất 2.000 năm. Nếu như Truyện Kiều là biểu tượng văn hóa Việt Nam, thì những mẫu tem và tiền lại mang trong mình những câu chuyện lịch sử của một vùng đất, một quốc gia; phản ánh những biến thiên của đời sống qua từng thời kỳ. Trong không gian đó, văn hóa - lịch sử Việt Nam và thế giới như đối thoại với nhau, tạo sự kết nối, quảng bá những giá trị của mình tới du khách gần xa. Đó cũng là lý do để nhà sưu tập Trần Hữu Tài chọn xứ Quảng với ban đầu là Đà Nẵng và sau là Hội An - những điểm đến du lịch ở miền Trung làm điểm hội tụ trong hành trình gom nhặt ký ức.

LÂM VIÊN

.