Đà Nẵng cuối tuần
Cưu mang động vật bị bỏ rơi
Động vật có khả năng làm bạn với con người. Thế giới của chúng ta rộng lớn nhưng thế giới của các bạn thú cưng chỉ gắn liền với chủ nuôi. Vì vậy, người nuôi nên có trách nhiệm với vật nuôi. Nếu không có khả năng nuôi nữa thì người chủ có thể mang đến các trạm cứu hộ để được giúp đỡ như tìm người nuôi hộ.
Khi bạn yêu thương thú cưng như một thành viên trong gia đình, thú cưng cũng sẽ yêu thương bạn như một người bạn. Ảnh: Đ.H.L |
Nuôi thú cưng bất đắc dĩ
Trong một lần đi ngang qua đường Đống Đa, chị Nguyễn Thị Bích Ngọc (Hải Châu) thấy một chú chó nằm co ro, run rẩy. Một công nhân môi trường cho biết, bà chủ của chú chó này đã mang bỏ nó dưới gốc cây ngoài vỉa hè khi nó bị xe tông gãy cột sống và liệt hai chân sau. Chị Bích Ngọc thương quá nên đưa nó đến bác sĩ thú y để chữa trị. Do bị thương nặng không thể cứu chữa được, bác sĩ khuyên chị Ngọc tiêm thuốc trợ tử để chú chó được ra đi nhẹ nhàng. Không nỡ làm điều đó, chị Ngọc mang về nuôi. “Do bị thương nặng nên hai chân sau của chú càng ngày càng hoại tử khiến việc nuôi dưỡng rất khó khăn, chúng tôi chăm sóc rất kỹ, từ việc cho ăn cho đến vệ sinh, tắm rửa. Tuy nhiên, chỉ sau 3 tháng thì chú chó mất”, chị Bích Ngọc buồn rầu chia sẻ.
Ra đời cuối năm 2021, "Team 16 Đà Nẵng" do một nhóm bạn trẻ làm việc và sinh sống ở Đà Nẵng lập ra để sẵn sàng ứng cứu những thú cưng gặp nạn hoặc bị chủ nhân bỏ rơi, ngoài ra nhóm hỗ trợ nhận nuôi thú cưng bị thương và bỏ hoang trên tinh thần tự nguyện. Bất cứ thời gian nào, nếu nhận được thông tin ứng cứu, các thành viên trong nhóm sẵn sàng công việc cứu hộ với tình yêu thương dành cho động vật. Chị Bích Ngọc tham gia với tư cách hỗ trợ truyền thông trên nền tảng mạng xã hội cho nhóm. Qua đó, thường xuyên tổ chức các sự kiện gây quỹ hỗ trợ chăm sóc chó mèo như đấu giá trang sức, bán các phụ kiện, thức ăn cho thú cưng, bán tranh…
Theo chị Bích Ngọc, đa phần các trạm cứu hộ do các bạn trẻ tự thành lập nên chưa có kinh nghiệm quản lý. Do đó, để các trạm cứu hộ phát triển và tránh bị lợi dụng trục lợi thì cần có sự công khai, minh bạch về tài chính trong các hoạt động. Qua đây cũng khuyến cáo người dân nên tìm hiểu kỹ trước khi hỗ trợ các trạm cứu hộ để tránh bị kẻ xấu lợi dụng. Việc công khai các hoạt động của trạm cứu hộ sẽ giúp người dân tin tưởng và ủng hộ nhiều hơn.
Trường hợp chú chó Lu của chị Trương Thị Vân (quận Sơn Trà) đến nay vẫn khiến chị rưng rưng xúc động khi nhắc đến. Lu tự tìm tới quán chị Vân trong một ngày đẹp trời. Sau một thời gian đăng tin tìm chủ của Lu trên trang mạng xã hội nhưng không thấy hồi âm, chị Vân quyết định nuôi Lu như một thành viên trong gia đình.
Khi chị Vân quan tâm chăm sóc, yêu thương Lu thì Lu cũng gần gũi quấn quýt lấy chị . “Khi mình thương nó thì nó cũng cảm nhận được tình thương và đi theo bảo vệ mình. Chỉ cần cầm chiếc mũ bảo hiểm trên tay là Lu nhảy phóc ngay lên xe ngồi, nhiều lúc mình phải trốn đi. Lu tự đến với mình nên mình rất thương và chăm y như con cái trong nhà. Tuy nhiên, chỉ sau một năm thì Lu mất tích. Tôi và mấy đứa nhỏ trong nhà rất buồn và nhớ nhưng không tìm ra, chỉ mong ai đó bắt Lu thì yêu thương nó thật nhiều như một thành viên trong gia đình”, chị Vân xúc động kể.
Tỉnh táo trước những “trạm cứu hộ ma”
Trước thực trạng ngày càng có nhiều chó mèo bị bỏ rơi, nhiều hội nhóm hỗ trợ cứu hộ và tìm người nuôi ra đời. Bên cạnh một số hội nhóm có trách nhiệm với tình yêu thương động vật thực sự, cũng có không ít hội nhóm ra đời nhằm trục lợi qua việc kêu gọi gây quỹ hỗ trợ giúp đỡ chó mèo bị bỏ rơi. Chị Vũ Ngọc Giao (quận Sơn Trà) cho biết, hiện nay có không ít trang fanpage hỗ trợ chó mèo nhưng với mục đích lừa đảo. Họ đăng những hình ảnh chó mèo thương tâm nhưng thực tế không phải như vậy, rất nhiều người bình luận, nhắn tin kêu gọi trạm cứu hộ tới cứu hộ nhưng không thấy đâu.
“Có lần tôi nhắn tin hỏi trạm nằm ở đâu để mang thức ăn tới cho chó mèo nhưng họ không trả lời. Các trang này thường không có địa chỉ, số điện thoại, hoặc bất kỳ hình ảnh trạm nuôi chó mèo thực tế nào, mà chỉ có các số tài khoản kêu gọi ủng hộ. Những hội nhóm này rất khó tiếp cận vì sợ bị phản ánh trên mặt báo. Do đó, nếu thương các thú cưng bị bỏ hoang thực sự thì bạn nên gặp những ai thương thật lòng để giới thiệu họ nuôi”, chị Giao khuyên.
Bên cạnh tình trạng chó mèo bị bỏ hoang, hiện nay tình trạng bắt trộm chó mèo mang đi bán cũng xảy ra không ít. Trang fanpage Hỗ trợ tìm kiếm chó mèo lạc ở Đà Nẵng với hơn 6.500 thành viên tham gia thường xuyên đăng tải tìm kiếm chó mèo bị lạc. Không ít người tìm thấy thú cưng của mình bị nhốt tại những nơi bán chó mèo và phải bỏ tiền chuộc về.
Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi cũng có liên hệ một hội cứu trợ động vật tại Đà Nẵng nhưng không có địa chỉ, không có số điện thoại mà chỉ liên hệ qua email. Hội này cũng không phản hồi sau khi chúng tôi đưa ra một số nội dung cần trao đổi để phỏng vấn. Tuy nhiên, trên fanpage của hội (có hơn 101.000 người theo dõi) vẫn thường xuyên đăng tải những hình ảnh thương tâm về chó mèo và có cả số tài khoản kêu gọi ủng hộ tiền hỗ trợ cứu trợ động vật. Thiết nghĩ, việc tuyên truyền là rất cần thiết để nâng cao ý thức người dân trong việc có trách nhiệm khi nuôi thú cưng nhưng để tránh việc người dân bị lừa đảo hoặc trục lợi từ việc kêu gọi gây quỹ, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát các hội nhóm này, đồng thời đưa ra những quy định công khai các hoạt động một cách rõ ràng và minh bạch, từ đó mới nhận được sự ủng hộ của cộng đồng trong việc chung tay cứu trợ động vật bị bỏ hoang.
Việc tuyên truyền là rất cần thiết để nâng cao ý thức người dân trong việc có trách nhiệm khi nuôi thú cưng nhưng để tránh việc người dân bị lừa đảo hoặc trục lợi từ việc kêu gọi gây quỹ, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát các hội nhóm này, đồng thời đưa ra những quy định công khai các hoạt động một cách rõ ràng và minh bạch, từ đó mới nhận được sự ủng hộ của cộng đồng trong việc chung tay cứu trợ động vật bị bỏ hoang. |
ĐOÀN HẠO LƯƠNG