Đà Nẵng cuối tuần
Giới siêu giàu muốn tiếp tục khám phá đại dương
Sự cố tàu lặn Titan vào tháng 6-2023 không làm giới siêu giàu từ bỏ tham vọng khám phá biển sâu dù một hành trình như vậy tiêu tốn rất nhiều tiền và đối mặt với rủi ro.
Các công ty sản xuất tàu lặn cá nhân đang nỗ lực làm ra tàu lặn khắc phục được những hạn chế của tàu Titan. Ảnh: Getty Images |
Ông Larry Connor (ở bang Ohio, Mỹ) - doanh nhân bất động sản và công nghệ, đồng thời là nhà thám hiểm, người đã từng đến Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) và những nơi sâu nhất của đại dương - đang chuẩn bị thực hiện chuyến đi tới xác tàu Titanic bị chôn sâu dưới đáy biển. Ông đang làm việc với Triton Submarines - một trong những nhà sản xuất tàu lặn cá nhân hàng đầu - để chế tạo một tàu lặn mới phục vụ chuyến thảm hiểm tàu Titanic nhằm khôi phục niềm tin vào hoạt động khám phá biển sâu.
“Thảm họa có thể tránh được”
Trả lời phỏng vấn chương trình “Today” của đài NBC mới đây, ông Connor nói về sự cố tàu Titan: “Thảm họa đó thật khủng khiếp. Nhưng theo quan điểm của chúng tôi, đây là thảm họa có thể tránh được. Chúng tôi có thể chứng minh với cả thế giới rằng, hoạt động thăm dò này trong tàu lặn vẫn an toàn”.
Tàu lặn Titan do Công ty OceanGate có trụ sở tại Seattle (Mỹ) chế tạo đã phát nổ trong hành trình thám hiểm xác tàu Titanic vào tháng 6 năm ngoái, khiến 5 người chết. OceanGate đã bị chỉ trích nặng nề vì thiếu thử nghiệm và sử dụng các vật liệu thử nghiệm. Tháng 7-2023, OceanGate thông báo đình chỉ hoạt động. Vụ việc cũng khiến ngành công nghiệp phát triển tàu lặn cá nhân rơi vào tình trạng khủng hoảng. Một số người dù chưa bao giờ bước chân vào tàu lặn thề sẽ không bao giờ sử dụng loại tàu này.
Hành trình thám hiểm xác tàu Titanic nguy hiểm vì ở độ sâu 3.800 mét dưới đáy Đại Tây Dương, nơi áp lực nước lớn hơn bề mặt hàng trăm lần. Ông Connor nói: “Đây có thể là những điều kiện nguy hiểm. Chúng tôi sẽ trải qua nhiều bước, nhiều chứng nhận để bảo đảm con tàu lặn mới và đặc biệt là thân tàu an toàn”. Tỷ phú này nhấn mạnh sự an toàn sẽ tạo ra khác biệt lớn nhất đối với chiếc tàu lặn mới. Ông cũng cho hay, dự án không gấp rút và sẽ có chứng nhận DNV (Det Norske Veritas) - chứng nhận dùng trong môi trường hàng hải, do một trong những tổ chức chứng nhận hàng đầu thế giới có trụ sở tại Na Uy cấp.
Hành trình mới từ năm 2026
Chiếc tàu lặn mới ước tính trị giá từ 20 triệu USD và được đặt tên là Triton 4000/2 Abyssal Explorer. Theo trang mạng xã hội của Triton Submarines, tàu lặn đang được thiết kế để trở thành “tàu lặn thân chịu áp lực bằng nhựa acrylic có khả năng lặn sâu nhất thế giới từng được chế tạo”. “4000” đại diện cho độ sâu mà nó có thể lặn tới tính bằng mét. Đáng chú ý, Titanic nằm ở độ sâu 3.800 mét so với mực nước biển.
Triton 4000/2 Abyssal Explorer sẽ bắt đầu phục vụ các chuyến lặn nghiên cứu vào mùa hè năm 2026 có sự tham gia của ông Patrick Lahey - người đồng sáng lập và Giám đốc điều hành (CEO) của Công ty OceanGate. Vị CEO này cũng được cho là một trong những người vận hành tàu lặn giàu kinh nghiệm nhất thế giới. “Tuy nhiên, nếu có bất kỳ lo ngại nào về an toàn, lịch trình dự kiến sẽ thay đổi hoặc dự án sẽ bị hủy bỏ hoàn toàn”, ông Connor nói.
Triton Submarines và đối thủ cạnh tranh - U-Boat Worx (có trụ sở tại Hà Lan) đã nỗ lực làm rõ sự khác biệt giữa tàu lặn do họ chế tạo với tàu của OceanGate. Các tàu của Triton Submarines và U-Boat Worx đều được các hiệp hội chuyên môn hàng hải kiểm nghiệm để cấp giấy chứng nhận an toàn. Ngược lại, Titan không những không được chứng nhận mà còn chế tạo bằng các thiết kế và vật liệu thử nghiệm như sợi carbon dễ bị nứt sau nhiều lần lặn. Vì vậy, ông Lahey nhìn nhận vụ tai nạn OceanGate không phải dấu hiệu cho thấy tàu lặn là phương thức vận chuyển nguy hiểm. Trái lại, những tàu này đặc biệt an toàn nhờ quá trình kiểm tra nghiêm ngặt.
Ông Lahey cho biết, Triton Submarines vừa có khách hàng mới. “Ông ấy gọi cho tôi và nói rằng, điều chúng ta cần làm là chế tạo tàu lặn có thể lặn xuống (độ sâu ngang mức xác tàu Titanic) nhiều lần và an toàn. Nó sẽ chứng minh cho thế giới thấy rằng các bạn có thể làm được điều đó, và rằng Titan chỉ là cỗ máy hỏng”.
Người đàn ông mà CEO Lahey nhắc đến chính là tỷ phú Larry Connor. “Tôi muốn cho mọi người trên toàn thế giới thấy mặc dù đại dương có sức mạnh tự nhiên to lớn nhưng nó có thể rất tuyệt vời, thú vị và thực sự có thể thay đổi cuộc sống nếu bạn tiếp cận nó đúng cách”, ông Lahey nhấn mạnh.
KHÁNH LINH