Đà Nẵng cuối tuần
"Ngôn ngữ cũng phải dịch chuyển, vận động"
Nhà văn Hồ Huy Sơn hiện hoạt động trong lĩnh vực báo chí. Anh là tác giả của 15 đầu sách. "Từ những tên riêng" (NXB Kim Đồng) là tác phẩm mới nhất của anh vừa ra mắt năm 2024. Ở tác phẩm này, Hồ Huy Sơn kết hợp tình yêu dành cho ngôn ngữ với mảng đề tài thiếu nhi mà anh đang theo đuổi.
Tác giả Hồ Huy Sơn bên tác phẩm "Từ những tên riêng". Ảnh: H.T.K |
* Anh có ý tưởng viết "Từ những tên riêng" khi nào?
- Ba năm trước, khi được đọc những ấn phẩm mang tinh thần “Tiếng Việt mến yêu” do NXB Kim Đồng ấn hành như "Chuyện kể thành ngữ" và "Vào đời bằng lời ca dao" của Phạm Đình Ân, "Từ vay hay dùng" của Thùy Dung… tôi thấy những ấn phẩm này có cách tiếp cận rất hay, được vẽ tranh, in màu với nội dung gần gũi, khai thác tài nguyên tưởng như đã quen thuộc là ca dao, thành ngữ, tiếng Việt. Cầm trên tay những ấn phẩm đó, tôi mong muốn cũng có một cuốn sách như vậy, giúp các em vừa chơi vừa học, vừa khám phá những điều thú vị của tiếng Việt.
Tôi nghĩ mình là người may mắn khi được làm việc với đam mê của mình. Bởi vậy, tôi mang trong lòng sự biết ơn với tiếng Việt. Từ sự biết ơn, tôi nghĩ mình cũng có thể biên soạn một cuốn sách mang tinh thần “Tiếng Việt mến yêu” dành cho các em, để các em vừa có thể khám phá những điều thú vị về tiếng Việt vừa hiểu đúng để dùng đúng. Thì đó cũng có thể xem như một cách trả ơn cho tiếng Việt. Nghĩ vậy, tôi tập trung hoàn thành cuốn sách "Từ những tên riêng", và sau ba năm thì cuốn sách đã có một hình hài bắt mắt.
* "Anh Hai Sài Gòn”, “Bà La Sát”, “Hai Lúa”, “Hóc Bà Tó”, “Cụ Khốt”… được anh kiến giải trong "Từ những tên riêng". Ta thấy một tập hợp đa dạng, đông tây kim cổ. Vậy đâu là tiêu chí chọn lựa các tên riêng của anh?
- Sự phong phú và giàu có của tiếng Việt được tạo nên bởi nhiều phương thức như tiếng lóng, nói lái, đảo chữ, từ vay, từ mượn và trong đó có việc dung nạp những tên riêng, mà qua thời gian đã trở nên quen thuộc, gần gũi, biểu lộ cho những ý tứ mà ta muốn diễn đạt. Những tên riêng này được dung nạp không theo một quy tắc, một chuẩn mực nào. Đó có thể là tên địa danh, tên các nhân vật trong các tác phẩm văn học, các tích truyện dân gian hay có thật ở ngoài đời… Để rồi sau đó, chúng được dùng trong lời ăn tiếng nói hằng ngày của người Việt với những sắc thái khác nhau. Có thể với các em nhỏ (và biết đâu một số người lớn nữa) đã quen thuộc với những tên riêng này, nhưng gốc tích như thế nào, vì sao lại được dùng như vậy thì không phải là ai cũng biết. Bởi vậy, khi làm sách - vì hướng đến đối tượng là thiếu nhi nên tôi chỉ có tiêu chí duy nhất là lựa chọn những tên riêng nào phù hợp với các em nhất.
* Là một người tiếp xúc với chữ nghĩa ở vị trí là tác giả và nhà báo, theo anh, sự vận động, phát triển của ngôn ngữ trong đời sống thường nhật thế nào?
Thỉnh thoảng có thời gian, tôi lại lấy những tác phẩm văn học giai đoạn năm 1930-1945 ra đọc, đặc biệt, tôi rất thích văn chương Thạch Lam. Đọc những tác phẩm đó, tôi luôn xúc động, háo hức lẫn hân hoan với một thứ tiếng Việt thuần khiết, đẹp đẽ, êm ái, chất chứa rất nhiều cái tình bên trong. Tiếng Việt của ông cha mình ngày trước dường như không - hoặc nếu có thì rất ít, bị pha trộn bởi tiếng nước ngoài. Tuy nhiên, sau gần 100 năm, ngôn ngữ đã thay đổi rất nhiều. Điều này âu cũng là lẽ đương nhiên khi ngôn ngữ gắn với đời sống thường nhật của con người. Mà đời sống con người thay đổi từng ngày từng giờ nên ngôn ngữ cũng phải dịch chuyển, vận động theo.
Đặc biệt, trong thời kỳ bùng nổ của mạng xã hội, hàng loạt từ ngữ mới cũng được ra đời bởi giới trẻ theo cách thức “Việt hóa”. Trước đây chúng ta đã có từ vay, từ mượn thì ngôn ngữ mới của giới trẻ cũng nên được nhìn nhận như vậy. Biết đâu, theo thời gian, sẽ có những từ, những chữ “sống” được, và thế hệ sau sẽ sử dụng như chúng ta đang được thừa hưởng từ di sản của ông cha mình ngày trước. Nhiều người tỏ ý khó chịu khi hiện nay giới trẻ sử dụng tiếng Anh xen vào giữa tiếng Việt. Tôi không quá thành kiến về việc này, nhưng nếu được gửi gắm một điều gì đó đến các bạn, thì tôi chỉ muốn nói rằng: Tiếng Việt của mình rất giàu đẹp, rất phong phú và đa dạng, nếu tiếng Việt đã có từ với nghĩa tương đương, thì các bạn hãy sử dụng tiếng Việt. Đó cũng là cách biểu lộ tình yêu với tiếng Việt cũng như tri ân di sản quý báu từ cha ông mình.
* Có phải vì thế mà sẽ có những "Từ những tên riêng 2, 3, 4"?
Ba năm trước, tôi gửi đến nhà văn Phan Hồn Nhiên bản thảo gồm 5 phần, và "Từ những tên riêng" là 1 trong 5 phần đó. Khi nhận bản thảo, nhà văn Phan Hồn Nhiên đã gợi ý tôi phát triển thành 5 cuốn sách tương ứng với 5 phần. Là một phần của bản thảo nên ban đầu "Từ những tên riêng" chỉ có 15 mục từ, sau đó, tôi tiếp tục tìm kiếm và gom nhặt được 50 mục từ. (Khi sách in ra thì còn 49 mục từ).
Ngoài 49 mục từ mà "Từ những tên riêng" đề cập, tôi biết là vẫn còn nữa. Tuy nhiên, việc có làm tiếp hay không, chắc còn phải chờ phản hồi của bạn đọc cũng như của NXB Kim Đồng. Về phần mình, tôi muốn tập trung thời gian để hoàn thành 4 bản thảo còn lại. Thực ra, tiếng Việt là tài sản chung, nên mọi người hoàn toàn có thể cùng tôi góp phần lan tỏa tình yêu tiếng Việt bằng cách thực hiện những cuốn tiếp theo của "Từ những tên riêng".
HUỲNH TRỌNG KHANG thực hiện