Đà Nẵng cuối tuần

Hai di tích, một tâm linh

13:09, 01/06/2024 (GMT+7)

Cả hai nơi thờ tự, tín ngưỡng văn hóa tâm linh ở Hội An này đều được gọi là chùa nhưng không hề thờ Phật. Tên gọi “Hội quán” của hai di tích đã làm cho du khách thích thú khám phá mỗi khi đặt chân tới phố cổ bên bờ sông Hoài.

Hội quán Hải Nam (ảnh trái) và Hội quán Quảng Đông đều nằm trên đường Trần Phú, thành phố Hội An. Ảnh: T.M
Hội quán Hải Nam (ảnh trái) và Hội quán Quảng Đông đều nằm trên đường Trần Phú, thành phố Hội An. Ảnh: T.M

1. Hội quán Hải Nam tọa lạc số 10 Trần Phú, phường Minh An, thành phố Hội An, còn gọi chùa Hải Nam, hay Quỳnh Phủ Hội Quán, được người Hải Nam (Trung Quốc) sinh sống tại Hội An xây dựng năm 1875. Theo bản lý lịch di tích số 50/ĐK-BQL ngày 20-4-1992 của Ban quản lý di tích Hội An thì Hội quán Hải Nam ra đời từ câu chuyện truyền thuyết đầy oan ức bi thương.

Theo đó, vào một ngày mưa bão trắng trời dưới thời kỳ chúa Nguyễn Hoàng trấn thủ Thuận Quảng, khởi đầu cho việc phân chia xứ Đàng Trong, bỗng có một chiếc thuyền buôn không rõ từ đâu trôi tấp vào bờ biển. Thấy thuyền buồm lạ, các quan của làng ra lệnh cho dân chúng vây bắt tất cả 108 người có mặt trên thuyền. Nghi đây là thuyền của bọn cướp biển nguy hiểm nên người ta đã hành quyết tất cả, không chừa một ai.

Mãi đến năm 1851, cộng đồng người Hải Nam ở Hội An mới dâng sớ trình lên vua Tự Đức, xin vua ban sắc giải oan, cho lập miếu thờ những người trên chiếc thuyền buôn này. Dần dà, người Hải Nam đến Hội An buôn bán, lập nghiệp thêm đông đúc, họ bỏ miếu, xây dựng nhà thờ mới, lấy tên Hội quán Hải Nam. Lúc đầu, tiền điện xây 2 tầng, nhà đông, nhà tây rồi sau đó sửa chữa, hạ xuống thành nhà trệt kết cấu bằng xi-măng cốt sắt giả gỗ. Gian giữa thờ tiền hiền và phía trong thờ 108 anh linh cùng hình tượng một chiếc thuyền buồm. Đây là một bức tranh đặc sắc về nghệ thuật, được thể hiện trên một bức rèm chạm khắc tinh vi về cảnh sinh hoạt của tam giới - đất, trời và thủy cung.   

2. Tương tự, Hội quán Quảng Đông, còn gọi chùa Quảng Triệu, sừng sững trên khu đất có diện tích gần 1.700m2, tọa lạc tại 176 Trần Phú, cũng phường Minh An. Trước cửa hội quán có đôi mắt hình chữ triện vuông nhìn ra sông Hoài ngày đêm phẳng lặng, yên bình càng làm cho bao du khách ngỡ ngàng, thú vị mỗi khi được chiêm nghiệm một di tích kiến trúc cổ kính rêu phong nằm trong quần thể Di sản văn hóa thế giới Hội An.

Theo tư liệu “Minh Hương Tam Bảo Vụ” thì Hội quán Quảng Đông là công trình tín ngưỡng của một bộ phận cư dân người Hoa gốc Quảng Đông đến Hội An làm ăn, sinh sống từ thế kỷ XVIII. Hồi ấy, hầu hết những người Quảng Đông đi bằng đường biển đến giao thương với các nhà buôn ở cảng Cửa Đại và Hội An trở thành nơi neo đậu của bao con người xa quê.

Cũng như cộng đồng các cư dân khác, người Quảng Đông xa xứ có tinh thần đoàn kết chặt chẽ, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong làm ăn. Vì vậy, vào năm 1885, 16 thương gia gốc Quảng Đông giàu có bậc nhất tại đất Hội An lúc bấy giờ đã chung góp tiền bạc xây dựng một nhà thờ tiên tổ của người Quảng Đông đang cư trú tại đây. Hội quán Quảng Đông được thiết kế theo lối chữ Quốc, mặt tiền có tam quan khá lớn. Công trình được kết hợp giữa đá, gạch, tường xây, cột kèo bằng gỗ quý hiếm, chạm trổ tỉ mẩn, công phu theo kiểu chồng rường giả thủ với hai vai giáp hai tường, đầu hồi tạo thành ba gian, lợp ngói âm dương, nóc đắp nổi hình lưỡng long tranh châu. Gian giữa có lối đi với hai cánh cửa gỗ lớn còn hai bên tường xây sát mái hiên.

Cũng như Hội quán Hải Nam, đây là công trình thờ tự của cộng đồng người Quảng Đông xa xứ tạo lập nên có tên gọi Hội quán Quảng Đông. Lúc đầu, Hội quán Quảng Đông thờ bà Thiên Hậu Thánh Mẫu, vị thần có ý nghĩa quan trọng về tín ngưỡng, tâm linh của người Hoa. Đây là vị thần theo sùng tín của người Hoa và được họ tôn kính là vị thánh cao, luôn phù hộ, chở che cho những thương nhân giong thuyền đi lại, buôn bán trên biển cũng như ngư phủ luôn gặp nhiều điều lành. Hai bên tả, hữu thờ tiền hiền, thần tài, tướng Tài Bạch tinh quân và Phước Đức chánh thần; đến năm 1915 phối thờ thêm đức Khổng Tử. Về sau nơi đây không thờ các vị thần ở gian chính giữa nữa mà thay vào đó thờ Quan Thánh Đế Quân, còn gọi với nhiều cái tên khác như Quan Vũ, Quan Công, Quan Vân Trường… Đây là vị thần được cho là có nhiều tài năng về chiến lược quân sự, một biểu tượng có đầy đủ về phẩm chất trung, nghĩa, trí, nhân, dũng cho tận tới bây giờ.

3. Bên cạnh việc thờ phụng theo phong tục, tâm linh, ngày trước Hội quán Hải Nam và Hội quán Quảng Đông còn là nơi hội tụ, gặp gỡ, hội họp, trao đổi các thông tin, bàn tính, giúp đỡ cho nhau để vươn lên làm giàu của những người đồng hương gốc Hải Nam và Quảng Đông. Khác hẳn với một số công trình kiến trúc cổ ở Hội An, Hội quán Hải Nam và Hội quán Quảng Đông có chiều cao vượt trội hơn với bao nếp nhà, mái đình, chùa chiền tại xung quanh khu vực càng làm toát lên vẻ đẹp tôn nghiêm, hoành tráng.

Hằng năm vào ngày 2-1 âm lịch đối với Hội quán Hải Nam và ngày 16-1 âm lịch đối với Hội quán Quảng Đông, cả hai nơi đều tổ chức lễ dâng cúng tiền hiền và các anh linh xấu số trên chiếc thuyền buồm định mệnh ngày xưa. Đây là ngày cúng lớn nhất trong năm do cộng đồng người gốc Hải Nam, Quảng Đông tổ chức. Không chỉ riêng tại phố cổ Hội An mà con cháu gốc gác Hải Nam, Quảng Đông ở các tỉnh, thành phía nam cũng tề tựu về đây để tưởng nhớ nguồn cội, thăm hỏi, động viên, giúp đỡ những người khó khăn để ổn định cuộc sống.

Nhiều du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến Hội An thường không quên ghé thăm hai di tích đặc sắc về tín ngưỡng đêm ngày trầm mặc theo bóng thời gian bên dòng sông Hoài rực rỡ hoa đăng…  

THÁI MỸ

.