Đà Nẵng cuối tuần

Mấy chuyện lý thú quanh chữ Việt gốc Pháp

13:09, 01/06/2024 (GMT+7)

* Trong buổi trà dư tửu hậu vừa qua, mọi người trố mắt ngạc nhiên khi một anh bạn nói cái ca dùng để uống nước là từ gốc Pháp. Tiếng Việt có nhiều từ gốc Pháp dễ làm người ta nghĩ là từ thuần Việt như thế không? (Trịnh Văn Trung, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng).

- Từ “ca” đang xét là phiên âm từ tiếng Pháp “quart” với 5 nét nghĩa, theo Từ điển Pháp - Việt. Trong đó có 2 nét nghĩa khá thông dụng: Ca - vật dụng có quai dùng để uống nước; Ca - phiên trực (ví dụ thay ca, đổi ca). Ngoài ra còn có 3 nét nghĩa khác: một phần tư; mười lăm phút; chai góc tư (bằng một phần tư lít).

“Bôm” (pomme) là trái táo tây ngọt lịm, dễ nhầm với “bom” (bombe) là quả bom phát nổ và gây họa. Ảnh: V.T.L
“Bôm” (pomme) là trái táo tây ngọt lịm, dễ nhầm với “bom” (bombe) là quả bom phát nổ và gây họa. Ảnh: V.T.L

Theo các nhà nghiên cứu, tiếng Việt hiện có tới gần 2.000 từ gốc Pháp. Số lượng từ ngoại lai này, có lẽ chỉ đứng sau nhóm từ Hán - Việt (chiếm trên 60% từ tiếng Việt). Tuy nhiên, cách Việt hóa từ Pháp kiểu này gần đây đã giảm đi, thậm chí gần như không còn nữa.

Một số từ ngữ có nguồn gốc từ tiếng Pháp nhưng vì thói quen sử dụng, người Việt chúng ta vẫn lầm tưởng chúng là những từ thuần Việt như trường hợp từ ca (quart) nói trên. Những từ vay mượn tiếng nước ngoài cho thấy một hiện tượng mà các nhà nghiên cứu gọi là “giao thoa ngôn ngữ”. Một ngôn ngữ muốn tồn tại thì phải luôn vận động, phát triển; không thể đóng kín mà phải tiếp xúc, giao thoa; quá trình này sẽ dẫn đến việc vay mượn. Nếu không vận động trong sự giao thoa ấy thì ngôn ngữ, với tư cách là sinh ngữ - ngôn ngữ sống, sẽ biến thành tử ngữ - ngôn ngữ chết.

Với tiếng Pháp, có rất nhiều từ - qua quá trình giao thoa, vay mượn - đã nghiễm nhiên trở thành tiếng Việt và nhiều khi người ta quên hẳn gốc tiếng Pháp của chúng. Trong đó có ba từ Việt gốc Pháp có âm đọc gần như nhau rất dễ nhầm lẫn: “bôm”, “bơm” và “bom”. Trong bài nghiên cứu “Chữ Việt gốc Pháp” đăng trong cuốn “Tiếng Việt đa dạng”, NXB SEACAEF (Southeast Asian Culture Education Foundation - Văn hóa và Giáo dục Đông Nam Á) phát hành năm 2004, TS Nguyễn Hữu Phước, nguyên Hiệu trưởng Trường Sư phạm Saigon, đề cập đến 3 từ Việt gốc Pháp dễ nhầm lẫn này.

Theo đó, “bôm” (pomme) là trái táo tây, một trong những món tráng miệng được dùng sau bữa cơm. “Bơm” (pomper) là động từ chỉ động tác đem không khí, hay một chất lỏng vào một chỗ nào đó như bơm bánh xe, bơm nước từ giếng lên thùng chứa nước, bơm mỡ bò vào bạc đạn xe. Vật dùng để bơm, gọi là cái bơm, ống bơm hoặc máy bơm (pompe).

Từ thứ ba, “bom”, cần thận trọng khi nói/viết. Bởi “bom” là cách đọc theo âm Việt của từ Pháp “bombe” chỉ một loại vật dụng có chứa chất nổ, có thể gây nên tiếng nổ và có tác dụng phá hại, làm hư hao đồ vật hay gây thương tích, hoặc chết chóc cho động vật nói chung. Việc thảy chất nổ xuống từ phi cơ (ném bom, oanh tạc, bắn phá) tiếng Pháp gọi là bombarder nhưng tiếng Việt vẫn nói gọi là “bom”. Khi chúng ta ăn những thực phẩm có hơi mà không tiêu hóa dễ dàng, chúng ta có thể vô tình bỏ bom hơi (hay còn gọi là trung tiện) có thể gây ra bối rối cho mọi người.

Từ năm 2002 trở đi, tác giả cho biết, “bom” là từ cấm kỵ trên đất Mỹ, nhất là khi đang đi phi cơ hay đang ở chỗ đông người. Phát âm từ “bom” một cách bừa bãi có thể dẫn đến hậu quả khó lường là... bị còng và bị tạm giam như chơi.

ĐNCT

.