Đà Nẵng cuối tuần
Mẹ của Tép
Tép đẩy nhẹ cánh cửa nhà kho sau vườn, ánh sáng bên ngoài tràn vào, mùi ẩm mốc bên trong bốc lên đặc sệt trong cánh mũi. Thằng nhỏ nheo mắt để làm quen với bóng tối trong kho, nó nhận ra những ngón chân của mẹ thò ra sau chiếc thùng phi bằng nhựa. Tép chầm chậm bước lại đúng lúc mẹ ngẩng khuôn mặt đầm đìa nước mắt lên nhìn nó. Trên má mẹ còn nguyên dấu vết của trận xô xát với bố trong bữa cơm trưa. Thằng nhỏ biết vết thương đó còn không đau bằng vết thương trong tim mẹ. Không ôm mẹ vỗ về giống như nhiều lần khác, Tép đứng thẳng người, cố gắng nói với mẹ một cách dõng dạc nhất:
- Mẹ hãy ly hôn đi.
Cúc òa khóc nức nở. Chị chẳng thể thoát khỏi cuộc hôn nhân bất hạnh này cũng chỉ vì hai đứa con bé bỏng của mình. Nếu ra tòa con cái sẽ chia đôi, Cúc không làm sao chịu đựng được cảm giác quay lưng bước đi mà bỏ lại con mình. Dù là đứa lớn hay đứa nhỏ cũng đều đáng thương. Thông biết điều đó nên nhởn nhơ giày vò chị bằng những cơn say và hàng chục món nợ ập xuống bất thình lình suốt mấy năm nay. Thông đi làm từ sáng đến tối, ngày nào cũng kêu ca áp lực công việc. Nhưng những đồng tiền mồ hôi nước mắt kiếm được anh đổ cả vào chơi tài xỉu, đầu tư tiền ảo. Hết tiền thì vay mượn khắp nơi, từ bạn bè người thân đến vay nặng lãi. Cúc đã chán cảnh gồng gánh nợ nần cho một người chồng mù quáng, chơi bời không có điểm dừng. Thỉnh thoảng chán chường Thông lại say mềm oặt cả người. Lê lết về nhà Thông đập phá bất cứ món đồ nào nằm trong tầm mắt. Thằng Tép đã nhiều lần sợ sệt đứng ở xó nhà nhìn ra mảnh sân lổn nhổn mảnh bát vỡ. Trên nền sân xi măng lún phún rêu mảnh bát cứa từng vệt dài chằng chịt. Men ngấm, bố đã lịm dần, miệng há hốc thở ra toàn mùi rượu cũng là lúc mẹ lầm lũi thu dọn những mảnh vỡ trong nhà. Có khi mảnh thủy tinh cứa vào tay mẹ, máu chảy ra lẫn trong màu rêu xanh. Tép lại gần vén mớ tóc rũ rượi trên khuôn mặt đầy nước mắt của mẹ. Thằng nhỏ nhói lòng.
Minh họa: JENNY NGÔ |
- Con ở đây với bố. Mẹ cứ mang em đi.
Thằng nhỏ nói vậy rồi quay lưng chạy đi thật nhanh trước khi để mẹ kịp nhìn thấy những giọt nước mắt của mình. Tép sợ nếu không để những câu ấy thốt ra khỏi miệng thì biết đâu chỉ ngày mai thôi nó không còn can đảm để nói ra với mẹ. Nó chỉ là một đứa trẻ tám tuổi như bao đứa trẻ khác trên đời, thèm được sống trong gia đình hạnh phúc. Thèm có mẹ dịu dàng kề bên dạy bảo, chở che. Thèm có anh em sum vầy mút chung cái kẹo, chia nhau chiếc bánh rán bọc đường. Em gái Tép tên Bông, trắng trẻo và thơm tho, đáng yêu và ngoan ngoãn. Mỗi lần dỗi, em phụng phịu, mếu máo gục đầu vào lòng anh Tép chờ được dỗ dành. Em coi Tép như một người bạn thân, nhổ chiếc răng sữa đầu tiên cũng dúi vào tay anh nhờ giữ hộ. Hàng xóm trêu “bắt anh Tép về nuôi” thế là Bông mếu máo, khóc òa. Có lần Tép bị cúm A, sốt li bì, em Bông bắt chước mẹ lấy khăn chườm lên trán cho anh. Nhìn anh em nó thương nhau thế ai mà lỡ tan đàn xẻ nghé. Bà nội thường nói vậy mỗi khi nghe ai đó khuyên mẹ Tép ly hôn.
- Sao cháu lại khuyên mẹ ly hôn? Cháu không sợ xa mẹ xa em hả thằng Tép của bà?
- Cháu sợ lắm bà ạ. Nhưng nhìn mẹ khổ cháu còn sợ nhiều hơn. Bà biết không, mẹ cháu đêm nào cũng khóc vụng. Mẹ khóc không thành tiếng nhưng vai mẹ run lên bần bật. Chắc mẹ tưởng anh em cháu đều đã ngủ say.
- Nếu bố không chịu để cả hai đứa được đi cùng với mẹ thì cháu hãy ở lại với bà. Em cháu còn bé nên cần có mẹ. Bà thương thằng Tép nhỏ của bà.
Bà dụi đầu vào mớ tóc rối mù, đỏ quạch nắng của thằng nhỏ. Tép biết bà thương mẹ con nó rất nhiều. Nhưng bà tuổi cao, sức tàn lực kiệt. Có hôm bà cầm gậy dồn bố Tép mà thở mệt ngã quỵ giữa sân. Có khi bà phải gắng gượng lắm mới có thể ngồi xuống, đứng lên giữa mảnh sân ngổn ngang để giúp mẹ Tép nhặt từng mảnh vỡ. Cũng có lúc bà ngồi khóc rưng rức vì “đẻ con ra mà không dạy nổi con”. Tép từng nghe mẹ bảo với người ta: “Mười năm về làm dâu trong nhà mẹ chồng em như phấn hoa như giọt mật. Nhiều khi muốn đi mà cứ sợ mẹ như ngọn đèn leo lắt chẳng biết tắt lúc nào. Chỉ sợ mình vừa quay lưng đi thì đèn vội tắt”.
Nhưng chiều đó Cúc đi. Lúc ấy bộ ấm chén sứt quai vứt lăn lóc ngoài sân. Những chiếc bát cuối cùng cũng bị Thông quăng mạnh vào tường văng ra từng mảnh vụn. Chuyện đã quá quen rồi nhưng hôm nay Cúc không thể chịu đựng được thêm khi nghĩ đến cảnh chiều nay trong mâm cơm không còn một chiếc bát nào lành. Mặc kệ những mảnh vỡ, chị đứng phắt dậy vơ vội ba lô quần áo, kéo tay hai đứa nhỏ rời đi. Nhưng thằng Tép giằng tay mẹ ra, nó khóc bảo:
- Mẹ đưa em đi đi. Con ở lại trông bà với bố. Thỉnh thoảng mẹ nhớ đưa em về thăm con là được.
Thằng nhỏ đẩy mẹ về phía cổng, bỏ mặc cái với tay gào góc của em Bông. Cúc đi như chạy, chị không dám ngoái nhìn những thứ mình bỏ lại phía sau. Tim Cúc tê dại vì đau nhưng chị biết mình không còn lựa chọn nào tốt hơn. “Mẹ hãy ly hôn đi”, câu nói của thằng nhỏ đã thức tỉnh một người mẹ đầy cam chịu. Chị nhận ra mình phải cứu bản thân, sống cho ra sống mới có thể nuôi dạy được các con tử tế. Có đêm vô định đi dưới ánh trăng, chị giật mình khi đứng trước bờ sông đầy gió. Tiếng của các con vọng ra từ tâm thức đã ghìm chặt bước chân chị không tiến về phía lòng sông lạnh ngắt. Sao mẹ hay khóc thế? Sao mẹ lại không cười? Bé Bông vẫn thường đặt đôi bàn tay bé nhỏ lên má chị, ngây thơ hỏi. Mỗi lần, sau những trận cãi vã của bố mẹ diễn ra, anh em Tép thường ôm nhau ngồi co ro một góc nhà. Những đứa trẻ tội nghiệp của chị đã phải nhìn sắc mặt người lớn để sống mỗi ngày. Tụi nhỏ sẽ ra sao nếu chị cứ tự nhấn chìm mình trong thứ bi kịch hỗn độn này? Chị phải ra đi thôi, biết đâu sẽ làm Thông thức tỉnh…
Mẹ và em đi rồi, Tép quay vào định nhặt những mảnh vỡ ngoài sân nhưng bà bảo: “Cứ để đó, cho thằng cha bay dọn”. Bà ôm Tép vào lòng nhìn đám mối bay loạn xạ ngoài trời. Sắp mưa bão to rồi, trên trời mây đen cũng ùn ùn kéo đến. Bà cụ lo không biết mẹ con Cúc có kịp về nhà ngoại hay tìm thấy một chỗ trú chân trước khi mưa đổ xuống. Rào rào. Chớp lóe sáng phía chân trời rồi sấm ùm ùm ngay cạnh mang tai. Hai bà cháu co cụm lại với nhau nhìn gà mái mẹ đứng dưới gốc cây dang đôi cánh che cho đàn con khỏi ướt. Mưa to, sấm chớp làm Thông tỉnh giấc. Ngồi dậy nhìn cánh tủ quần áo mở toang, trống rỗng Thông biết ngày ấy cũng đến rồi. Anh ngồi tựa vào cột nhà nhìn từng giọt mưa rơi xuống những mảnh vỡ ngoài sân không có ai thu dọn. Mẹ già con thơ ngồi co ro ở góc nhà. Bếp nguội lạnh không người nhóm lửa. Lòng Thông trống rỗng, cơn mưa lạnh lẽo như xối thẳng vào tâm can anh. Tay trắng. Anh thực sự đã trắng tay rồi.
Thằng Tép đặt trước mặt bố mấy múi bưởi đã bóc sẵn, nó nghe nói thứ này tốt cho người cai rượu. Sau hôm mẹ bỏ đi, bố nó mang số rượu thuốc còn lại trong chum ra ngửa cổ tu ừng ực. Bà nội can ngăn thì bố bảo: “Uống một lần cuối này, nếu không chết được con sẽ sống cho ra sống”. Trận rượu ấy khiến bố ốm một trận thập tử nhất sinh. Bắt đầu là cơn sốt rét kéo dài mấy ngày không cắt cơn. Sau đó bố nằm bê bết trên giường vì cơ thể đau nhức không thể nào gượng dậy. Thằng Tép nấu cháo bón cho bố từng thìa. Nó thay mẹ chườm khăn, hái nắm lá diếp cá, giã nát lấy nước cho bố uống. Vét những đồng tiền cuối cùng trong nhà, thằng nhỏ đạp xe đi mua thuốc cho bố. Bà già rồi nhớ nhớ quên quên, có hôm bà nấu cơm để lửa lan ra xém cháy bếp. Từ hôm mẹ và em đi, nửa đêm nghe thấy tiếng gió khua khoắng ngoài sân bà tưởng tiếng bước chân, mò dậy hỏi: “Cúc về đấy à con?”. Ngoài vườn chín chùm vải đầu mùa bà cũng dặn Tép: “Nhớ để phần em con mấy quả. Bé Bông nhà mình là thích ăn vải nhất”. Mấy lời đó vẳng vào buồng, ngấm vào tâm can Thông. Anh nằm đó, quay mặt ra hướng cửa sổ thông thống gió. Trong một cơn say cũ anh đã gỡ bỏ cánh cửa sổ đập đi mà đâu biết rằng những đêm trăng vợ mình vẫn nằm nhìn đăm đăm ra ngõ.
Khỏe lại, Thông giữ đúng lời hứa nếu không thể chết sẽ sống cho ra sống. Anh không đụng đến một ngụm rượu nào. Chiếc điện thoại chơi mấy trò đỏ đen giờ Thông vứt xó nhà. Thỉnh thoảng Thông sờ đến máy mong một cuộc gọi nhỡ từ số điện thoại thân quen của vợ. Những cuộc gọi đi, chuông tút dài vô vọng. Thông nhớ Cúc cũng từng gọi rất nhiều cuộc cho mình không một lời đáp lại. Lúc ấy Thông còn mải mê chén chú chén anh. Giờ ngó quanh nhà, thiếu bàn tay người đàn bà vun vén đến cái cúc đứt chỉ trên khuya áo còn buồn. Thông nhận ra sự trống trải trong đôi mắt con mình đáng sợ hơn tất thảy. Trong ánh nhìn vời vợi mỗi chiều tà của thằng Tép nhỏ. Anh thấy mình nợ con một mái ấm gia đình.
Hằng ngày đi làm về Thông loanh quanh sửa lại vật dụng trong nhà. Cái cửa sổ trong nhà đã được lắp mới. Cái ghế gỗ vợ hay ngồi giặt giũ bị yếu chân giờ đã được đóng lại cho chắc chắn. Chiếc xe đạp của bé Bông đã sửa chuông. Thông còn cắm cúi làm cho thằng Tép một chiếc máy bay bằng gỗ. Thằng nhỏ luôn ngồi cạnh bên chăm chú theo từng động tác tay của bố. Nó thấy bố sao mà khéo quá, làm cái gì cũng đẹp. Những lúc bố ngẩng lên nhìn Tép cười, thằng nhỏ tự hỏi sao trước đây nó chưa từng thấy bố hiền đến thế. Bà kể ngày xưa mẹ mê bố cũng vì vừa hiền lành lại có đôi bàn tay khéo léo. Ấy thế mà… Tép giơ chiếc máy bay bằng gỗ lượn qua lượn lại trước mặt, hỏi bà:
- Nếu biết bố cháu ngoan, liệu mẹ và em cháu có trở về không ạ?
- Mẹ sẽ không bỏ rơi thằng Tép nhỏ đâu mà. Mẹ cháu ra đi cũng là để trở về đấy Tép.
Tép ngả đầu vào lòng bà, ngó ra mảnh sân lún phún rêu. Những đám rêu từng bị mảnh vỡ cào nham nhở cũng đã mọc lên. Bố bảo mấy hôm nữa mua ít vôi về rắc cho chết hết rêu, kẻo bà già rồi đi lại trơn trượt thì nguy hiểm. Chiều muộn, bố đi làm về không vội tắm rửa ngay mà cầm cuốc xới đám cỏ dại mọc lan ra cổng. Bố nói sẽ gieo xuống ít hạt giống hoa, để ít bữa mẹ về ngắm cổng nhà rực rỡ…
VŨ THỊ HUYỀN TRANG