Đà Nẵng cuối tuần
Viết về Bác với tất cả niềm kính yêu
KHÁNH HÒA
Nhà báo Đinh Chương là một nhân vật khá đặc biệt trong làng báo chí Việt Nam nói chung, báo chí Quảng Nam - Đà Nẵng nói riêng, bởi trong sự nghiệp làm báo của mình, ông có gần 10 năm được giao nhiệm vụ tháp tùng phục vụ để đưa tin, viết bài về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhà báo Đinh Chương (ngồi ở hàng phía sau) vinh dự khi được nhiều lần đi theo Bác để viết tin, bài. Ảnh: Gia đình nhà báo Đinh Chương cung cấp |
Lần giở những trang viết của nhà báo Đinh Chương về thời gian ông công tác TTX Việt Nam tại thủ đô Hà Nội (1955-1975) sẽ thấy kỷ niệm những năm tháng được theo chân Bác luôn là dấu ấn sâu đậm và có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp 40 năm cầm bút của ông. Ông viết hàng nghìn tin, bài tuy nội dung chủ đề khác nhau nhưng tất thảy đều thấm đẫm tư tưởng, đạo đức và phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng hàng trăm bài báo chuyên sâu viết về Bác Hồ với tất cả niềm kính yêu thủy chung son sắt, được các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước đăng tải.
1. Qua lời giới thiệu của những nhà báo lớn tuổi, tôi tìm đến địa chỉ 257/27 đường Đống Đa (quận Hải Châu). Ngôi nhà nằm nép mình khiêm tốn ở một con phố nhỏ yên bình, nơi nhà báo Đinh Chương (tên khai sinh Đinh Ngọc Thi, bí danh Cao Sơn, bút danh Hồ Thu Ba) sống phần đời còn lại kể từ lúc ông chuyển về đây từ năm 2014. Sinh năm 1932, ông bắt đầu sự nghiệp làm báo với vị trí phóng viên tin trong nước của TTX Việt Nam năm 1953, tháng 5-1975, nhà báo Đinh Chương từ miền Bắc vào Đà Nẵng làm phóng viên phân xã TTX Việt Nam tại tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, nay là Cơ quan đại diện TTX Việt Nam tại Đà Nẵng.
Bà Trần Thị Ngọc Bích, vợ cố nhà báo Đinh Chương đón tôi với sự ngần ngại bởi nhà báo Đinh Chương - chồng bà đã mất từ lâu, gia đình không muốn lên mặt báo. Với gia đình bà, dù những năm tháng lao động miệt mài và thủy chung với nghề báo của nhà báo Đinh Chương giúp ông có những tư liệu quý, thậm chí nhiều bài viết, thông tin và hình ảnh do ông cung cấp là “duy nhất” về Bác Hồ, thì công việc đó cũng hết sức bình thường, như phần việc khác của những người cùng nghề.
Sau khi thuyết phục, bà Ngọc Bích cũng đồng ý cho tôi xem những nguồn tư liệu quý ghi chép lại gần như trọn vẹn sự nghiệp 40 năm làm báo của chồng bà. Trong đó, có những tác phẩm viết về Bác Hồ đã được xuất bản như: "Hòn núi cao" (1959), "Những lần gặp Bác" (1985), "Những kỷ niệm về Bác" (1994), “Bác nói chúng cháu ghi” (2004), “Xin đừng quên lời nhà báo Hồ Chí Minh” (2005), “Hồ Chí Minh qua ký ức các nhân chứng lịch sử” (2005)… Những bài viết, hình ảnh và kỷ niệm về những lần theo chân Bác đi công tác… đều được nhà báo Đinh Chương ghi chép đầy đủ, tỉ mỉ, được gia đình gìn giữ cẩn thận.
Những lần Bác trực tiếp gọi điện đến TTX Việt Nam để chỉnh sửa khi đọc thấy bản tin viết sai ngữ nghĩa các câu từ, nhất là những câu từ dịch ra từ các thứ tiếng nước ngoài Anh, Pháp… Vì nhẽ đó, với nhà báo Đinh Chương và những đồng nghiệp khác, bài học quý giá được đúc rút sau mỗi lần được Bác chỉnh sửa đó là phải chú ý tính chân thật trong khi viết tin, bài, truyền đạt nội dung thông tin. |
2. Trong cuốn sách “Xin đừng quên lời nhà báo Hồ Chí Minh” (NXB Đà Nẵng, năm 2005) nhà báo Đinh Chương bộc bạch: “Có lẽ đời phóng viên có những lúc sung sướng nhất là được đi theo Bác công tác. Tôi không bao giờ quên được những phút gần gũi bên Người… Mỗi lần đi theo Người, được gặp Bác là mỗi lần lòng tôi tăng bao phấn khởi, thêm bao quyết tâm, quên tất cả mọi vất vả, khó khăn, quyết tâm làm tròn nhiệm vụ. Bác là một thầy học toàn diện vĩ đại. Hằng ngày, tôi cố gắng học tập bốn đức tính Cần - Kiệm - Liêm - Chính, đức tính căn bản Bác nêu ra cho người Việt Nam mới, mà chính Bác là một tấm gương…”. Ông nhớ rõ từng kỷ niệm, cảm xúc “mừng quýnh và hăm hở” khi lần đầu tiên được viết tin về Bác. Đó là buổi chiều ngày 8-12-1959, khi Bác đến thăm cuộc triển lãm Trung Quốc tổ chức khá lớn. Một lần khác, khi lần đầu tiên được theo Bác về thăm công trường xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên đất Bắc: công trường đại thủy lợi Bắc Hưng Hải. Hình ảnh Bác nói chuyện với cán bộ tỉnh, huyện, xã ba tỉnh Bắc Ninh - Hưng Yên - Hải Dương, cán bộ, công nhân viên và công nhân các ngành, đại biểu các đội dân công ở công trường đại thủy lợi này vẫn còn mãi mãi: “Bây giờ chịu khó phấn đấu trong mấy tháng, sau này sẽ hưởng hạnh phúc lâu dài, hàng trăm năm”.
Sau chuyến đi đó, tác phẩm phim tài liệu “Nước về Bắc Hưng Hải” (ghi lại khí thế lao động sục sôi trên công trường công trình thủy lợi vĩ đại này với hàng vạn trái tim, cánh tay đã sôi nổi thi đua khoét sâu lòng đất, đắp đập, khai mương đưa dòng nước sông Hồng phù sa màu mỡ về tưới cho đồng ruộng tươi tốt bao la), vinh dự đoạt giải thưởng huy chương vàng tại Đại hội liên hoan phim ảnh quốc tế ở Matxcova (tháng 8-1959). Nhưng có lẽ, kỷ niệm không bao giờ quên đối với nhà báo Đinh Chương đó là lần cuối cùng ông được gặp Bác khi tham dự viết tin ở cuộc mít-tinh trọng thể chào mừng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập do Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam Việt Nam nhất trí bầu ra. Hôm ấy là ngày 14-6-1969. Hình ảnh Bác vẫn đậm mãi trong trái tim nhà báo Đinh Chương, vẫn là Bác giản dị trong bộ quần áo vải màu xám nhạt, phơn phớt tím hoa cà và đầu đội chiếc mũ cùng màu ấy…
Trong cuốn sách “Xin đừng quên lời nhà báo Hồ Chí Minh” nhà báo Đinh Chương nhớ lại: “Đau thương đến lúc này như không sao nén nổi… Chiếc khăn tay nhuộm vàng nước mắt khóc thương Bác suốt mười ngày đêm từ mồng 2 đến 11-9-1969 tôi vẫn để nguyên không giặt và vẫn ấp ủ trong tập lưu niệm “Bác nói cháu ghi”. Vì mỗi giọt nước mắt là một tiếc thương!”.
Bà Trần Thị Ngọc Bích (SN 1944, hiện sống ở số nhà 257/27 Đống Đa, quận Hải Châu) bên một kỷ vật về chồng mình, nhà báo Đinh Chương. Ảnh: KHÁNH HÒA |
3. Bà Ngọc Bích chia sẻ, 40 năm gắn bó với nghề làm báo, điều đáng quý và đáng nhớ nhất đối với nhà báo Đinh Chương đó là những lần may mắn được Bác Hồ “cầm tay chỉ việc”, được bác sửa từng dòng tin, con chữ và hơn hết, là được Bác “chỉnh sửa” để có nhận thức đúng đắn, đi con đường đúng đắn của một người cầm bút làm báo.
Ở mục “Báo chí của ta phải có đường lối chính trị đúng” (trang 90, cuốn sách “Xin đừng quên lời nhà báo Hồ Chí Minh”) nhà báo Đinh Chương trung thực thuật lại những bài học được đúc rút qua những năm tháng vinh dự được đi theo Bác để vừa làm nghề - vừa học nghề, rằng: “Vào một ngày giữa tháng 4-1959, Bác Hồ đã đến thăm và nói chuyện thân mật với Đại hội Nhà báo Việt Nam lần thứ hai tại Hà Nội. Nói về Hội Nhà báo, Người chỉ rõ: Đó là một tổ chức chính trị và nghiệp vụ. Nhiệm vụ của hội là phải làm cho hội viên đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau nâng cao trình độ chính trị và nghiệp vụ. Có như thế thì Hội Nhà báo mới làm tròn nhiệm vụ của mình, và những người làm báo mới phục vụ tốt nhân dân, phục vụ tốt cách mạng… Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới. Chính vì thế cho nên tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành…) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí ta đều phải có đường lối chính trị đúng…".
Nói đến những người làm báo chí, Bác Hồ dạy: "Các cô, các chú đã có những ưu điểm như đã đóng góp vào cuộc kháng chiến thắng lợi, xây dựng hòa bình và đấu tranh thống nhất Tổ quốc. Nhiều đồng chí đã cố gắng làm việc. Ưu điểm của các cô, các chú không ít. Nhưng khuyết điểm thì cũng còn nhiều. Trong các đồng chí cũng còn có người hoặc ít hoặc nhiều chưa thoát khỏi ảnh hưởng tư sản và tiểu tư sản, cho nên nắm vấn đề chính trị không được chắc chắn. Có lẽ vì thế mà lúc xem đến thì thấy cách viết thường ba hoa, dây cà dây muống; và hình như viết để đếm dòng lấy tiền, có những bài nhạt nhẽo thế nào ấy…”.
Còn có những lần Bác trực tiếp gọi điện đến TTX Việt Nam để chỉnh sửa khi đọc thấy bản tin viết sai ngữ nghĩa các câu từ, nhất là những câu từ dịch ra từ các thứ tiếng nước ngoài Anh, Pháp… Vì nhẽ đó, với nhà báo Đinh Chương và những đồng nghiệp khác, bài học quý giá được đúc rút sau mỗi lần được Bác chỉnh sửa đó là phải chú ý tính chân thật trong khi viết tin, bài, truyền đạt nội dung thông tin.
Sau nhiều năm chiến đấu với bệnh tật, ngày 25-9-2016, ở tuổi 85, nhà báo Đinh Chương trút hơi thở cuối cùng, khép lại cuộc đời của một người phóng viên luôn tận tâm, tận tụy với nghề, luôn có một niềm tin sắt son với Đảng và một lòng kính yêu vô hạn với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Viết về người đồng chí, đồng nghiệp của mình, nhà báo Ngô Anh Văn, nguyên lãnh đạo TTX Việt Nam ghi: “Với hơn bốn thập kỷ cống hiến cho TTX Việt Nam và nền báo chí Cách mạng Việt Nam, nhà báo Đinh Chương là một trong những phóng viên của TTX Việt Nam đầu tiên có mặt tại An toàn khu Việt Bắc. Ông được lãnh đạo TTX Việt Nam tin tưởng, lựa chọn phân công làm phóng viên chuyên trách phục vụ đưa tin một số hoạt động của Bác từ năm 1956-1969”… Bằng tâm huyết và trách nhiệm của người phóng viên, nhà báo Đinh Chương luôn sẵn sàng đảm nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà cơ quan TTX Việt Nam giao trong những năm tháng kháng chiến chống giặc ngoại xâm cũng như trong thời kỳ đổi mới đất nước.
K.H