Đà Nẵng cuối tuần
Ngõ nhỏ còn thương
Những gì tôi đã đi qua bây giờ đều trở thành mảnh ghép tâm hồn, sâu thẳm nhưng nếu biết lắng mình có thể chạm vào một cách sâu sắc. Dù gieo chân mình ở đâu, tôi cũng luôn mở rộng tấm lòng để đón nhận tất cả. Bởi thế mà theo dòng chảy của tháng năm, lòng tôi cứ ăm ắp cảm xúc. Có lẽ vậy, mà chẳng mất thực nhiều thời gian, khi ở nơi này nghĩ về chốn quê thương, lòng tôi lại xôn xao nhung nhớ. Tôi nhìn ngõ nhỏ từ con phố rẽ vào dãy nhà trọ rồi thương sao ngõ nhỏ quê mình.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Tình quê là cảm xúc đặc biệt, gần gũi và thiêng liêng, bình dị mà cao cả, luôn hiển diện trên khuôn mặt, nụ cười của mỗi con người nhưng đâu có thể diễn đạt hết tất thảy bằng ngôn từ. Như nguồn mạch bền bỉ sâu trong, tình quê tiếp cho người ta sức mạnh để vượt qua tất cả. Để rồi, khi đối mặt với những giây phút chênh vênh, hẫng hụt trong hành trình đến với chân trời tôi luôn để mình dừng lại. Chậm, chậm rãi để cho trái tim mình, trí nhớ mình tự khúc về ngày xưa. Và chính những hình ảnh quê hương thân thuộc bấy lâu trở thành những biểu tượng trong tâm lại mở lối cho tôi cuộc hình dung.
Tôi nhớ sao con ngõ nhà mình. Ngõ nối từ con đường làng để rẽ vào căn nhà. Những ngày này, khi mùa hạ đang độ nồng nàn nhất, con ngõ đang được tắm mình trong sắc nắng vàng ruộm. Cái nắng của mảnh đất miền Trung hong đầy trên những ngõ quê. Những bức tường đá ong lởm chởm tự bấy năm qua vẫn bền chặt bên nhau tạo nên vẻ đẹp thâm trầm cho con ngõ. Tôi nhớ những cánh rêu mọc lên trên những chân tường bên ngõ ấy. Chúng vẫn mọc dậy, đan lồng vào nhau rồi mơn mởn xanh biếc dưới sắc trời mùa hạ. Để rồi, khi nghĩ nhiều hơn tôi cảm nhận được sức mạnh bên trong của loài rêu chân tường bé nhỏ. Phải chăng đó cũng chính là biểu tượng cho sức mạnh của người quê tôi, trong nắng gió bỏng rát, khắc nghiệt vẫn vươn lên? Ngõ nhỏ vì vậy chính là nơi khiến cho tôi mạnh mẽ hơn trước nhiều chông gai cuộc đời khi thảng phút nghĩ về.
Tôi đã ngả mình vào ngõ nhỏ thân thương để họa lên lòng mình vẻ bình yên. Lũy tre xanh rì rào nơi ngõ tỏa bóng mát trưa hè cho bao đám trẻ con chơi trò con trẻ, cho những cô chú râm ran chuyện đồng làng, chuyện sinh hoạt, đời sống. Tôi thương những mái ngói xuôi hướng vào lòng ngõ. Những mái ngói suốt bao năm lặng im đón nhận tất cả nắng mưa để che chở cho con người, để rồi bây giờ nhận lại cho chính mình màu nâu cũ, lớp bong bụi phủ đầy. Lá rơi lên mái ngói, mưa theo rãnh ngói rồi đưa lá vào lòng ngõ nên ngõ sâu và thương theo tháng năm. Ngõ nhỏ đã lưu hết bao bước chân trần ban sơ của những đứa trẻ trong ngõ, bao chuyến đi vất vả ngược xuôi thành phố, bao lời tự sự thấm thía tình làng nghĩa xóm, và tinh tế hơn là cả bao ánh mắt biết nói. Đi trên ngõ nhỏ, người ta sẽ thấy rõ chính mình hơn, thấy yêu mến hơn những gì thân thuộc xung quanh quê nhà. Con ngõ một cách tự nhiên đã trở nên sâu thẳm bởi những tâm tư mà người quê gửi vào đó.
Nhớ về ngõ nhỏ tôi không sao quên được hình bóng mẹ mình. Tình mẹ bao la, dào dạt, tôi luôn cảm nhận được tấm lòng ấy của mẹ từ những điều đơn sơ nhất. Tiếng ru trưa hè mẹ cất lên dưới tán tre ngoài ngõ còn vọng mãi trong tâm hồn, tiếng ru ấy khởi lên từ những bài ca dao dân gian, hay chỉ đơn giản là tiếng “à..ơi” ngân dài. Rồi từ ngọn gió ngoài đồng xa theo lối cùng mẹ trở về. Ngõ nhỏ ăm ắp gió, nhưng những ngọn gió ấy riêng biệt bởi hương vị của mồ hôi mặn nồng mùa hạ quyện hòa, thấm thía vào lớp áo bảo hộ nâu bạc của mẹ tôi rồi hừng lên. Hay cả tiếng kẽo kẹt của đòn gánh cong trĩu bờ vai khi mẹ gánh hàng đi bán ở chợ trở về. Nhớ bao lần đứng ngõ ngóng mẹ, để thỏa nỗi chờ mong một vài tấm bánh mà mẹ mua cho tôi sau mỗi phiên chợ. Cảm giác ấm lòng và sướng vui đến cùng còn nguyên khi được mẹ mua những chiếc bánh rán đảo đường gói trong lớp lá chuối khô…
Ngõ nhỏ cứ thế vỗ về những nhịp thương. Tôi đi trên nhiều con đường, nhiều ngõ phố sâu hút mà nhớ nhiều về ngõ nhỏ quê mình. Mỗi người quê sinh ra hẳn sẽ gắn bó cho riêng mình một con ngõ, ở đó có những nỗi niềm, cảm nhận và những câu chuyện khác nhau nhưng suy đến cùng đó chính là một sự gắn kết với mạch nguồn văn hóa. Cạnh những giá trị sâu sắc của cây đa, bến nước, sân đình, ngõ nhỏ chốn quê thực sự đã trở thành một thành tố góp phần tạo nên biểu tượng xóm làng trong tâm thức. Ngõ nhỏ còn thương, thương những dấu ấn đã xa, thương những con người đã rời đi, còn ở lại, thương những tấm lòng dẫu bất cứ nơi đâu cũng luôn nhớ về mình…
TRẦN VIỆT HOÀNG