Đà Nẵng cuối tuần

Về câu ca "Con vua lại lấy hai đời chồng vua"

13:24, 22/06/2024 (GMT+7)

* Nhân vật chính trong câu ca “Gái đâu có gái lạ đời/ Con vua lại lấy hai đời chồng vua” có phải là Công chúa Ngọc Hân? (Trần Quảng Văn, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng).

Công chúa Ngọc Hân viết “Ai tư vãn” khóc vua Quang Trung khi hoàng đế băng hà vào năm 1792. TRONG ẢNH: Tượng vua Quang Trung (giữa) tại Bảo tàng Quang Trung, Bình Định. Ảnh V.T.L
Công chúa Ngọc Hân viết “Ai tư vãn” khóc vua Quang Trung khi hoàng đế băng hà vào năm 1792. TRONG ẢNH: Tượng vua Quang Trung (giữa) tại Bảo tàng Quang Trung, Bình Định. Ảnh V.T.L

- Trong lịch sử cận đại Việt Nam, hễ nói đến con vua mà lại lấy chồng vua là người ta nghĩ ngay đến công chúa Lê Ngọc Hân, con vua Lê Hiển Tông, gả làm vợ vua Quang Trung nhà Nguyễn Tây Sơn. Tuy nhiên, trong thực tế thì điều này không đúng.

Theo sử sách ghi lại, Công chúa Ngọc Hân tên thật là Lê Ngọc Hân, sinh ngày 27 tháng 4 năm Canh Dần 1770 (Niên hiệu Cảnh Hưng thứ 31), tại kinh thành Thăng Long, là con gái của vua Lê Hiển Tông và Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền quê ở làng Phù Ninh (nay là Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội).

Vừa thông minh, vừa khôn khéo, trong thời gian làm Hoàng hậu, Công chúa Ngọc Hân chẳng những làm đẹp lòng vua mà còn khuynh loát cả triều đình trong việc tuyển chọn hoàng hậu cho vua Cảnh Thịnh, khi quyết định đem em gái mình là công chúa Lê Ngọc Bình vào làm chính cung cho Hoàng đế nối nghiệp nhà Tây Sơn là vua Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản.

Lúc hoàng đế Quang Trung băng hà vào năm 1792, bà mới 22 tuổi. Khóc chồng, bà viết “Ai tư vãn”, một áng văn giá trị trong nền văn học nước nhà. Bà mất năm 1799, niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 7, lúc mới 29 tuổi. Lễ bộ Thượng thư Ðoan Nham hầu Phan Huy Ích phụng chỉ soạn bài văn tế cho Hoàng đế Cảnh Thịnh đích thân đọc trước linh sàng Hoàng Thái hậu họ Lê. Bà được truy tặng là Như Ý Trang Thuận Trinh Nhất Vũ Hoàng Hậu. Bài văn tế này đã được Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm tìm thấy và công bố trên Tạp chí Tri Tân vào năm 1943 tại Hà Nội.

Tất cả những câu chuyện huyền hoặc về chung cục bi thương của công chúa Lê Ngọc Hân là hoàn toàn không phù hợp với sự thật lịch sử bởi một lẽ giản đơn và rõ ràng là công chúa Lê Ngọc Hân đã chết khi nhà Tây Sơn chưa mất ngôi.

Thế nhưng, thật bất ngờ, khi cuốn Hoàng Triều Ngọc Phả, bản quốc ngữ, do Tôn Nhân phủ biên soạn và ấn hành dư ới triều vua Thành Thái, ở các chương nói về Quảng Oai Công và Thường Tín Quận Vương con vua Gia Long, ghi rõ ràng rằng mẹ đẻ của hai vị này là Công chúa Lê Ngọc Hân, con vua Hiển Tông nhà Hậu Lê! Sự thật nằm ở chỗ, cuốn gia phả này là bản quốc ngữ, phiên dịch từ bản Hán văn cũng do Tôn Nhân phủ biên soạn, bản gốc ghi rằng mẹ đẻ của 2 vị nói trên là công chúa Lê Ngọc, con vua Hiển Tông nhà Hậu Lê. Chỉ vì bản quốc ngữ do sở kiến chủ quan của người phiên dịch đã khẳng định mẹ đẻ hai vị này là công chúa Lê Ngọc Hân (thay vì cứ để là công chúa Lê Ngọc như nguyên bản) nên mới nảy sinh ra điểm phi lý là người đã chết mấy năm trước đó lại lần nữa đi lấy chồng để rồi sinh đặng hai con trai!

Vậy công chúa Lê Ngọc là ai?

Đó là công chúa Lê Ngọc Bình, con vua Hiển Tông nhà Hậu Lê, em ruột công chúa Lê Ngọc Hân, là Chính cung Hoàng hậu vua Cảnh Thịnh nhà Nguyễn Tây Sơn, Ðệ Tam cung vua Gia Long nhà cựu Nguyễn, mẹ đẻ các hoàng tử Quảng Oai Công “sinh năm 1809” và Thường Tín Quận Vương “sinh năm 1810”. Khi Nguyễn Ánh lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Gia Long, và sắc phong công chúa Lê Ngọc Bình là Ðệ Tam cung, năm ấy công chúa vừa tròn 20 tuổi.

Người phụ nữ lạ thường “con vua lại lấy hai đời chồng vua” ấy không ai khác ngoài công chúa Lê Ngọc Bình, vừa là em ruột, vừa là con dâu của công chúa Lê Ngọc Hân.

ĐNCT

.