Đà Nẵng cuối tuần

"Ông già Ba Tri"

20:24, 13/07/2024 (GMT+7)

* Về thăm đất Bến Tre, tôi nghe người dân nơi đây kể chuyện về “Ông già Ba Tri”, tuy nhiên vẫn chưa biết cụ thể thế nào. Rất mong quý báo nói rõ ngọn nguồn giùm. (Đặng Thanh, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng).

Nhà văn Sơn Nam (trái), người thường được gọi vui là “Ông già Ba Tri thời nay”, tại Hội thảo khoa học Vai trò lịch sử của Dinh trấn Quảng Nam tổ chức tại Tam Kỳ cuối tháng 8-2002. Ảnh: V.T.L
Nhà văn Sơn Nam (trái), người thường được gọi vui là “Ông già Ba Tri thời nay”, tại Hội thảo khoa học Vai trò lịch sử của Dinh trấn Quảng Nam tổ chức tại Tam Kỳ cuối tháng 8-2002. Ảnh: V.T.L

- “Ông già Ba Tri” tên thật Thái Hữu Kiểm, cháu nội ông Thái Hữu Xưa, gốc người Quảng Ngãi, vào khai cơ lập nghiệp tại Ba Tri (Bến Tre) vào năm Cảnh Hưng thứ 3 (1742).

Theo câu chuyện Huyền tích “Ông già Ba Tri” đăng trên Báo Cần Thơ (baocantho.com.vn), đến năm Minh Mạng thứ 5 (1806), ông Kiểm có công lớn trong việc thuyết phục hàng trăm hộ dân vùng miền Trung vào khai phá xứ đất hoang sơ. Từ đó ông được vua phong là Bác phẩm Bá hộ, rồi Trùm Trưởng, Trùm Cả ở làng An Bình Đông (vùng thị trấn Ba Tri ngày nay).

Năm 1806, ông Cả Kiểm cho dựng một chợ mới nằm bên cạnh rạch Ba Tri, đặt tên là chợ Trong để phân biệt với chợ Ngoài cách đó 3km. Thấy chợ Trong ngày một phát triển, ông Xã Hạc ở chợ Ngoài chơi ép, đắp đập ngăn không cho ghe thuyền từ sông Hàm Luông vào buôn bán ở chợ Trong. Bị hiếp đáp, ông Cả Kiểm đâm đơn kiện, phủ huyện địa phương xử chợ Trong bị thua với lập luận: “Mỗi làng đều có quyền đắp đập trong địa phận làng mình”. Dân chợ Trong không chấp nhận phán quyết bất công trên, cử ông Cả Kiểm cùng hai kỳ lão là Nguyễn Văn Tới và Lê Văn Lợi, tất cả khăn gói lên đường đi bộ từ Ba Tri ra Huế - đường dài trên 1.000 cây số - để thượng tố lên vua xin phúc thẩm!

Khi ba ông già xứ Ba Tri này đến Huế thì vua Gia Long vừa băng hà, vua Minh Mạng thụ lý và phán: “Dù là làng riêng, nhưng rạch là rạch chung, là đường giao thông chung của cả chợ Ngoài lẫn chợ Trong. Phủ huyện phải cho dẹp bỏ đập”...

Năm 1909, 3 năm sau sự kiện trên, nhà thơ Nguyễn Liên Phong đưa câu chuyện kỳ lạ trên vào tác phẩm Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca, có đoạn: An Bình Đông xã một nơi/ Có cây da lớn nghỉ ngơi bộ hành/ Bán buôn hàng vặt rập rình/ Kẻ ngồi người đứng thích tình không đi/ Ông Cả Kiểm, thấy chuyện kỳ/ Tới nơi cây ấy lập vi thị truyền/ Chỗ nhằm cuộc đất linh thiêng/ Như ai xuôi giục người riêng tấm lòng/ Càng ngày càng thạnh càng sung/ “Chợ Ngoài” thưa nhóm, túng cùng nổi sân.

Việc Xã Hạc tức giận huy động dân làng mình đốn cây đắp đập ngăn rạch, để ghe thuyền không thể vào được chợ Trong, tác giả chép tiếp: Bốn cây đắp đặp cản ngăn/ Không cho ghe cộ vào băng An Bình/ Gây ra cừu oán đấu tranh/ Kiện nhau tới tỉnh sự tình lôi thôi.

Chính vì cách cạnh tranh không công bằng từ việc cấm thuyền của Xã Hạc, sự tắc trách của quan địa phương và thái độ khẳng khái, cương trực, quyết đấu tranh đến cùng để bảo vệ lẽ đúng của ông Cả Kiểm đã làm nên huyền tích “Ông già Ba Tri” truyền tụng nhân gian suốt 200 năm qua. Ngày nay, khi nghe nói đến Bến Tre người ta là liên tưởng đến vùng đất của những “Ông già Ba Tri”: Một ông gốc Quảng (Cả Kiểm), hai ông gốc Ba Tri (Nguyễn Văn Tới và Lê Văn Lợi), cả ba đã làm nên kỳ tích... đi bộ từ Bến Tre ra Huế!

Về sau, “Ông già Ba Tri” cũng là biệt danh của nhà văn Sơn Nam (1926-2008), nhà văn hiện đại nổi tiếng của vùng đất Tây Nam Bộ, của Nam Bộ và của cả nước ta. Ông đã sống một cuộc đời giản dị, thanh bạch và được nhiều người yêu mến gọi là “Ông già Nam Bộ”, “Ông già Ba Tri”, “Ông già đi bộ”, “Pho từ điển sống về miền Nam”, “Nhà Nam Bộ học”...

ĐNCT

.