Đà Nẵng cuối tuần

Ký ức mùa thi

16:33, 31/08/2024 (GMT+7)

Lần đầu xa nhà là khi tôi theo chị Phương lên thành phố thi đại học. Trước hôm đi, ba bảo để gần đến ngày thi ba chở tôi vào Huế cho tiện nhưng sợ đến lúc đó đường phố đông đúc và kẹt xe nên tôi quyết định đi tàu cùng chị Phương. Chị Phương là hàng xóm, chơi thân với tôi từ thuở bé. Sau này chị đi học xa nhà, thỉnh thoảng về quê vào dịp hè, hai chị em vẫn quấn quýt bên nhau với biết bao câu chuyện của sinh viên xa nhà.

Minh họa: hOÀNG đặng
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Chúng tôi đi tàu chợ, đợi từ 2 giờ chiều nhưng mãi tới 4 giờ tàu mới trờ tới ga. Từ ga thị xã Quảng Trị đi Huế, tàu chợ phải tránh tàu thống nhất không biết bao nhiêu lần nên đến ga Huế hơn 7 giờ tối dù chỉ cách nhau tầm 55km đường chim bay. Huế đón tôi bằng giọng nói ngọt ngào của một nữ phát thanh viên phát ra từ sân ga: Tàu đã đến ga Huế, xin quý khách chuẩn bị tư trang hành lý để xuống ga Huế. Chúc quý khách thượng lộ bình an. Tôi không nhớ chính xác, nhưng đại loại là như thế. Nghe xong, tự dưng tôi thấy lòng mình ấm lại khi lần đầu tiên đặt những bước chân xuống vùng đất Thần Kinh mặc dù trời đổ mưa. Trên đường, những tán lá phượng xòe ra xanh mát và nở những chùm hoa đỏ rực góc trời như một niềm thương khắc khoải.

Tôi được chị Phương gửi vào ngủ trọ qua đêm trong ký túc xá nam trường trung cấp y. Đêm đầu tiên lạ nhà lại nằm giữa một căn phòng tập thể rộng thênh thang, mắt tôi cứ trằn trọc thao thức và tự nhủ lòng chỉ qua đêm nay thôi, chị Phương sẽ dẫn tôi lên nhà bác Huệ, một người quen của chị ở trên một ngọn đồi trung du nằm ở ngoại ô thành phố. Gia đình bác Huệ tuy nghèo, con đông nhưng nhà cửa khá ngăn nắp, trật tự và quy cũ như bao gia đình người Huế nơi đây. Cả nhà bác Huệ đều đi làm suốt ngày, tôi buồn chân hết đi ra lại đi vào, hết ngắm vườn lại đếm cây.

Ở nhà bác có mấy ngày mà tôi thuộc hết các loại cây trong vườn. Cũng như nhiều nhà dân ở Huế, nhà bác Huệ có một khu vườn rất đẹp nằm lưng chừng giữa đồi. Người Huế rất biết cách sắp xếp trồng thứ tự các loại cây trong vườn, chẳng hạn như ngoài hàng rào bao giờ cũng là những cây bồ quân sai trái, đầu vườn thì trồng cau, cuối vườn thì trồng chuối như người xưa vẫn căn dặn “đầu cau sau chuối”; còn giữa vườn thì trồng đủ các loại cây ăn quả khác nhau như cam, chanh, tranh trà, ổi, khế, mít, măng cụt...

Sau này tìm hiểu kỹ, tôi mới biết nhà vườn Huế được xây theo luật “dịch lý” và “phong thủy”, tập hợp của một hệ thống kiến trúc sắp xếp theo chiều Bắc-Nam. Dù khu vườn có diện tích rộng hẹp khác nhau nhưng nhà nào cũng có kiến trúc tổng thể khá giống nhau, bao gồm cổng, ngõ, bình phong, hòn non bộ, bể cạn, sân, nhà. Cổng thường xuyên xây bằng gạch, lối vào ngõ thường được trồng những hàng râm bụt hoặc chè tàu được cắt xén cẩn thận. Bình phong thường xây bằng gạch hoặc dâm bụt, chè tàu. Sau bình phong là bể cạn có hòn non bộ, một mảnh sân rộng rồi mới đến nhà. Xung quanh nhà trồng rất nhiều cây, hoa tươi tốt quanh năm. Nhìn cảnh quan nhà vườn của bác Huệ, tôi có thể dễ dàng nhận ra được tâm hồn và phong cách sống của bác.

Mỗi ngày, bác Huệ xuống trung tâm thành phố phụ thợ hồ. Tiện thể, bác chở tôi xuống điểm thi tại Trường Quốc học Huế, rồi bác đi làm. Buổi trưa, chị Phương lại qua đón tôi về ký túc xá nghỉ ngơi, chiều thi xong bác Huệ lại qua đón về nhà. Huế vào hè, hơn 5 giờ chiều, nắng vẫn còn vàng như nghệ. Ngồi sau chiếc xe đạp cà tàng, tôi nhìn rõ những giọt mồ hôi của bác Huệ chảy đầm đìa trên tấm thân gầy guộc sau ngày lao động vất vả. Bác chở tôi tấp vào quán nước mía dưới gốc cây bồ đề già cạnh bờ sông Hương, hai ly nước mát như giải tỏa hết cơn khát khô họng của hai bác cháu. Những đêm khó ngủ vì lạ nhà, tôi còn nghe cả tiếng thở khò khè nặng nhọc của bác và cả những tiếng ho sặc sụa lúc gà gáy tinh mơ.

Tôi nhớ lần duy nhất bác về thăm gia đình chị Phương ở cạnh nhà tôi và đócũng là lần cuối cùng tôi gặp bác, để rồi bẵng một thời gian sau nghe tin bác mất. Từ đó, mỗi lần ghé Huế, nhìn những tấm thân gầy lao theo những vòng xe xích lô nặng nhọc trên phố, tôi lại nhớ đến cái dáng hao gầy của bác Huệ chở tôi đi thi đại học hoặc đứng lóng ngóng đợi tôi trước cổng Trường Quốc học như bố tôi vẫn hay đợi tôi mỗi chiều. Và nhớ những giọt mồ hôi mặn mòi dưới cái nắng gay gắt của mùa hè xứ Huế khiến vạt áo bác trở nên bạc thếch vì muối, tự dưng khóe mắt tôi lại cay cay. Huế trong tôi giờ không còn là những hàng cây long não thơm mùi hương tinh dầu đặc biệt, cũng không còn những cánh phượng hồng khoe sắc đỏ rợp trời, thay vào đó là những nỗi nhớ da diết của những vòng xe - những vòng xe của tình người đọng mãi trong ký ức mùa thi.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

.