Đà Nẵng cuối tuần
Tự cân bằng
Tiến sĩ Charles Martin (Giáo sư danh dự Đại học Florida, Mỹ) cùng đồng sự đã bỏ ra ngót 10 năm để đúc kết được 16 “mẫu code” mà tôi tạm gọi là “16 ô” của một “tủ thuốc gia truyền” nhằm “bốc” cho 16 kiểu cá tính khác nhau của con người.
Tiến sĩ Charles Martin cùng đồng sự đã bỏ ra ngót 10 năm để đúc kết được 16 “mẫu code” cho 16 kiểu cá tính khác nhau của con người. (Ảnh minh họa từ Internet) |
Kể ra, đưa cá tính - một phạm trù đa sắc và đầy biến ảo vào “16 ô” như thế này cũng là một cách giản lược tạm chấp nhận thôi, chứ không thể lý giải rốt ráo cho những trường hợp đặc biệt với những “mẫu kết hợp” phức hợp đặc biệt của cá tính con người. Dù sao, hệ thống hóa bao giờ cũng giúp ta tới đích nhanh hơn.
Tôi đặc biệt chú ý trong “16 ô” cá tính này, hai “ô”, một mang code ISFJ với “lời giải”: “Sự cân bằng trong cuộc sống là những gì bạn luôn tìm kiếm. Bạn thích được chia sẻ mọi thứ với những người xung quanh mà không hề vụ lợi. Tôn chỉ của bạn là “giúp người như thể giúp mình”. Sự quan tâm chân thành hiện rõ chỉ bằng một hành động đơn giản khi bạn chìa tay cho ai đó nắm”. Và một mang code ENFJ: “Nhân văn là lẽ sống của bạn từ thuở mới chào đời. Bạn biết thông cảm và luôn đem đến sự nồng ấm cho người khác. Chính xác hơn, bạn thuộc kiểu người theo “chủ nghĩa nhân đạo” và luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác hết lòng. Điều này khiến người khác ngạc nhiên và muốn kết thân với bạn ngay lần đầu tiếp xúc”.
Mới đọc có cảm giác như hai “mẫu” cá tính này có gì rất gần nhau, thậm chí tương thích tương giao với nhau nữa. Nhưng đọc kỹ, dường như trong sự tương đồng có sự khác biệt, dù đó đều là hai cá tính mà cộng đồng rất yêu chuộng, đặc biệt nếu đây là cá tính của các cô gái. Ở code đầu, thì “sự cân bằng trong cuộc sống” là mục đích sự tìm kiếm của loại cá tính này, còn ở code sau, “Nhân văn là lẽ sống của bạn từ thuở mới chào đời”, nghĩa là bạn đã được mặc định để sống như một “nhà nhân đạo chủ nghĩa”.
Có những cá tính định hình ngay từ khi bạn còn là trẻ thơ, nhưng cũng có cá tính là cả một quá trình tìm kiếm, điều chỉnh, thậm chí thay đổi để dần đưa tới sự định hình. Đó là cá tính ở mẫu code đầu tiên mà ta vừa nhắc tới. Tìm kiếm sự cân bằng, mới nghe tưởng không có gì quá khó, không tiêu tốn của bạn bao nhiêu thời gian hay nội lực, nhưng hóa ra, chính sự cân bằng hiểu theo nghĩa rộng, nhiều khi là sự vật vã suốt đời để vươn tới. Không chỉ với người bình thường, mà với cả những bậc vĩ nhân.
Lev Tonstoy -nhà văn Nga vĩ đại - đã suốt đời tự dằng xé, suy ngẫm, hành động, kể cả những hành động “bất thường” chỉ với mục đích vươn tới sự cân bằng này mà dường như, cho tới phút cuối đời, khi “đào thoát” khỏi nhà mình và cơ nhỡ tại một ga xép miền Trung nước Nga, Tonstoy vẫn chưa thủ đắc được sự cân bằng ấy. Đó là sự cân bằng giữa lý trí và tình cảm, giữa nội tâm và ngoại cảnh, giữa đức tin và dục vọng, giữa thành đạt và đau khổ, giữa gia đình và xã hội…
Chỉ một câu hỏi này thôi, mà Tonstoy đã không sao tự trả lời được cho mình: vì sao mình là một nhà quý tộc, sinh ra đã giàu, sinh ra đã sống trên nhung lụa, trong khi những tá điền của mình - những người mugich (nông nô, cố nông Nga) - lại sống khổ chết sở? Thế giới này là cái gì, vì sao nó tồn tại trong những bất công đến như vậy? Những suy tư của một nhà văn vĩ đại dĩ nhiên có những đặc thù mà người thường như chúng ta có thể thưởng thức nhưng chưa bao giờ đi tới cùng, chưa bao giờ thấu hiểu.
Nhưng dù sao, nếu bạn đã “vào ô” “sự cân bằng trong cuộc sống là những gì bạn luôn tìm kiếm” thì tôi đã có thể chúc mừng bạn! Bạn đã khởi đầu rất đẹp để đi tới những lẽ sống đẹp ở đời này. Không cần phải “sinh ra đã là nhà nhân đạo chủ nghĩa”, bạn luôn phải tìm kiếm, phải suy nghĩ, thậm chí phải dằn vặt để làm sao sống như một người cân bằng được những gì vốn không dễ cân bằng trong con người mình, và giữa con người mình với mọi người, với cộng đồng. Khi trong lòng bạn bừng lên ánh sáng của lòng tốt, của điều thiện, ấy chính là khi bạn tự cân bằng được mình để tự tin và vui sống trong cuộc đời này.
THANH THẢO