Đà Nẵng cuối tuần
"Quảng Nam thất trạm"
* Dưới triều Nguyễn, trên đất Quảng Nam có 7 nhà trạm để chuyển các loại công văn của triều đình đến các địa phương. 7 trạm này được đặt ở những đâu và người ta dùng phương tiện gì để chuyển công văn qua các trạm? (Lê Quang Mỹ, Sơn Trà, Đà Nẵng).
Phu trạm ngày xưa. Ảnh tư liệu |
- Sử sách chép rằng, từ gần một nghìn năm trước, thời Lý Thái Tôn (1028-1054), triều đình Nhà Lý đã đặt ra các trạm thư (các thư tịch cũ gọi là nhà trạm) để chạy công văn, giấy tờ từ kinh thành ra các tỉnh.
Từ thời Gia Long, đường chuyển thư (công văn, văn bản, thư tín...) đều phải dựa vào đường bộ và người chuyển thư phải dùng ngựa (gọi là ngựa trạm) chạy hỏa tốc từ nhà trạm này đến nhà trạm kế tiếp. Nhà trạm theo mô tả của sách Đại Nam nhất thống chí Quyển VII - Tỉnh Quảng Nam: “Khoảng đời Gia Long mỗi trạm đặt một nhà trạm lợp ngói, xung quanh xây đá, có 50 lính trạm, đặt trạm mục và cấp ngựa trạm cũng như lệ Thừa Thiên”.
Ngày trước, Quảng Nam là tỉnh nằm sát vách kinh đô Huế, lại có cửa Hàn là cảng biển quan trọng trong bang giao với các nước phương Tây, có vị trí chiến lược hết sức quan trọng vừa là tiền phương, cũng vừa là lá chắn cuối cùng bảo vệ kinh thành Huế. Chính vì thế Quảng Nam xưa kéo dài từ Hải Vân Quan đến núi Phong (Quảng Ngãi) dài khoảng 170 dặm (khoảng 100km) nhưng lại được triều đình cho thiết lập đến 7 nhà trạm để chuyên lo công văn, thư từ từ các địa phương phía Nam về kinh thành và ngược lại - thường được gọi là “Quảng Nam thất trạm”. Theo sách đã dẫn, 7 trạm từ Hải Vân Quan trở vào Nam như sau:
1. Trạm Nam Chân (có tài liệu viết là Nam Châm) ở xã Chân Sảng, huyện Hòa Vang; trước tên là Chân Sảng, năm Minh Mạng thứ 3 đổi thành Nam Chân.
2. Trạm Nam Ô ở xã Cu Đê, huyện Hòa Vang. Nguyên là trạm Cu Đê, năm Minh Mạng thứ 3 đổi thành trạm Kim Hoa, năm Thiệu Trị thứ nhất đổi thành Nam Ô.
3. Trạm Nam Giản ở xã Long Phúc, huyện Diên Phước. Nguyên trước là trạm Miếu Bông, năm Minh Mạng thứ 3 đổi thành Nam Giản.
4. Trạm Nam Phúc ở xã Long Phúc, Diên Phước. Nguyên trước là trạm Long Phúc, năm Minh Mạng thứ 3 đổi thành Nam Phúc.
5. Trạm Nam Ngọc ở xã Ngọc Phố, huyện Lễ Dương. Ban đầu trạm đặt ở xã Hà Lam gọi là trạm Hà Lam, năm Minh Mạng thứ 3 dời về xã Ngọc Phố và đổi tên thành Nam Ngọc.
6. Nam Kỳ ở xã Tam Kỳ, huyện Hà Đông. Nguyên trước là trạm Tam Kỳ, năm Minh Mạng thứ 3 đổi thành Nam Kỳ.
7. Trạm Nam Vân ở xã Vân Trai, huyện Hà Đông. Nguyên trước là trạm Vân Trai, năm Minh Mạng thứ 3 đổi thành Nam Vân.
Dưới triều Nguyễn (bắt đầu từ năm 1802), trạm dịch tăng lên rất nhiều bố trí dọc theo đường cái quan từ Huế vào Nam Kỳ và từ Huế ra Bắc thành (Hà Nội).
Mỗi cung đường dài chừng 20km. Nếu khoảng cách các trạm không xa nhau, có thể dùng người chạy đưa công văn, đó là những phu trạm khỏe mạnh, chạy bộ giỏi; nếu xa hơn thì dùng ngựa, ở những đoạn đường ngăn cách bởi sông, hồ thì dùng thuyền. Người có nhiệm vụ đưa công văn giấy tờ, hộ tống quan lại đi công cán gọi là phu trạm hoặc lính trạm.
Khi thực thi nhiệm vụ, phu trạm cổ đeo hỏa bài gỗ sơn trắng, viền đỏ, có khắc chữ sơn đen “Mỗ huyện hỏa bài” (Ta có đeo cái thẻ đi lo việc gấp rút của quan); trên người đeo một chiếc nhạc đồng, kèm theo một lá cờ nhỏ có giá trị ưu tiên nhường đường; ngực hoặc vai đeo các ống tre, ống gỗ có khắc số hiệu được niêm phong, trong có chứa công văn, giấy tờ quan trọng.
ĐNCT