Đà Nẵng cuối tuần

HƯƠNG CÂY MÙI LÁ

Phát triển bền vững cây thuốc quý

14:57, 10/08/2024 (GMT+7)

Dưới những cánh rừng nguyên sinh Bà Nà - Núi Chúa, Nam Hải Vân hay bán đảo Sơn Trà, các nhà nghiên cứu phát hiện có khoảng 1.117 loài cây có giá trị dược liệu, qua đó mở ra cơ hội cho việc nghiên cứu, bảo tồn và ứng dụng trong lĩnh vực y học, y học cổ truyền.

Lương y Phan Công Tuấn, Chủ tịch Hội Dược liệu thành phố Đà Nẵng trong một chuyến tìm cây thuốc tại khu vực bán đảo Sơn Trà. Ảnh: NVCC
Lương y Phan Công Tuấn, Chủ tịch Hội Dược liệu thành phố Đà Nẵng trong một chuyến tìm cây thuốc tại khu vực bán đảo Sơn Trà. Ảnh: NVCC

Nhiều loài cây có giá trị dược liệu

Tại khuôn viên Nhà điều dưỡng tình thương Suối Hoa ở xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang) có loài cây thân gỗ mà cả lá, vỏ, thân, quả đều cho mùi thơm hệt tinh dầu sả nên được người dân gọi là cây sả rừng. Mãi thời gian gần đây, trong lần đến Hòa Phú công tác, lương y Phan Công Tuấn, Chủ tịch Hội Dược liệu thành phố Đà Nẵng mới đến đây lấy mẫu tra cứu và xác định đó là cây màng tang, tên khoa học Litsea cubeba, thuộc họ long não. Hoa của cây màng tang khá nhỏ, màu vàng nhạt, mọc thành chùm ở nách lá, quả mọng hình tròn, khi chín có màu đen và cho mùi thơm.

Ông Tuấn cho biết, cây này mọc nhiều ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, khu vực Tây Nguyên và miền núi phía Bắc. Theo Đông y, màng tang có tác dụng khu phong tán hàn, ôn trung hạ khí, trừ thấp giảm đau. Hầu hết các bộ phận của cây đều có giá trị dược liệu, như rễ dùng trị cảm mạo phong hàn, ói mửa, đau dạ dày do lạnh, đau trệ bụng dưới, hàn thấp uất trệ, tiểu đục. Quả trị đau đầu, ăn uống không tiêu, đau dạ dày, trong khi lá có thể trị u nhọt, viêm mủ da, trị rắn cắn và phòng muỗi đốt… Nhờ công dụng trên, sách Nam dược thần hiệu của danh y Tuệ Tĩnh từng ghi nhận vị thuốc tất trừng già từ việc sử dụng hạt của cây màng tang.

Ngoài cây màng tang, lương y Huỳnh Sự, Chi hội trưởng Chi hội Dược liệu Suối Hoa cho biết nhờ tích cực trồng, khai thác cây thuốc nam, nhiều năm qua Nhà điều dưỡng tình thương Suối Hoa duy trì tốt hoạt động châm cứu, cấp thuốc nam miễn phí cho bệnh nhân nghèo và trẻ em khuyết tật. Trong khuôn viên nhà điều dưỡng luôn có những vị thuốc quen thuộc như me, mộc hương nam, cỏ mực, sa kê, bách giải, khổ qua, đinh lăng, dủ dẻ… Hằng năm từ tháng Giêng đến tháng Tư âm lịch, mọi người thay phiên nhau đi hái cây thuốc về sơ chế làm nguồn dự trữ. Điều khá vui là không ít người bệnh khi quay lại nhà điều dưỡng thường mang theo những cây thuốc quý từ địa phương mình sinh sống để góp vào vườn thuốc nam.

Ông Sự đơn cử, cách đây vài năm, một bệnh nhân từ huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) đã mang đến một số cây mà dân địa phương gọi là “trầm đất”. Vì thấy cây lạ nên các thầy thuốc ở đây đã nhờ lương y Phan Công Tuấn tìm hiểu, định danh. Qua tra cứu, ông Tuấn trả lời rằng đó là cây hương lâu, hay còn gọi huệ rừng, thường mọc hoang trong rừng hay trong những trảng cỏ. Theo Đông y, hương lâu có vị cay, tính ấm, độc tính nhiều, nếu sử dụng đúng cách sẽ cho tác dụng khu phong, khử độc, sát trùng, tiêu thũng, tán ứ, giảm đau và chỉ dùng đắp ngoài, tuyệt đối không được uống trong.

Theo nội dung sách Danh lục cây thuốc Đà Nẵng, nguồn cây thuốc ở Đà Nẵng có thể điều trị nhiều loại bệnh như cảm sốt, cảm lạnh, ra mồ hôi, nhức đầu, bệnh ngoài da, dị ứng, bại liệt, tim mạch, huyết áp, tiêu hóa, các bệnh về gan, mật, thận, tiết niệu, hô hấp…, bao gồm 50-80 loài/nhóm bệnh. Nhiều cây thuốc quý có chứa các hoạt chất phù hợp cho việc điều chế thuốc tân dược như cây vàng đắng chiết berberin, hoàng đằng chiết palmatine, mức hoa trắng chiết conessine điều trị bệnh nhiễm khuẩn đường tiêu hóa. Hay cây mài gừng, nần gừng, râu hùm, phá lủa có thể chiết diosgenin, một trong những thành phần tạo thuốc chống viêm, điều trị nội tiết tố.

Chú trọng “an ninh dược liệu”

Là địa phương có khoảng 1.117 loài cây có giá trị dược liệu nhưng mỗi năm tổng sản lượng cây thuốc tự nhiên được khai thác tại Đà Nẵng chỉ ước tính trên 200 tấn/năm, chiếm khoảng 20% tổng khối lượng dược liệu dùng trong hệ thống y học cổ truyền và cơ sở sản xuất thuốc đông dược. Lý do, theo ông Tuấn, là cây thuốc tự nhiên chưa được tạo điều kiện chen chân vào các công ty dược lớn vì có nhiều ràng buộc về cơ chế, chính sách. Ông Tuấn cho rằng, việc có đến 80% nguồn dược liệu nhập khẩu từ nước ngoài khiến giá trị cây thuốc ở Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng bị xem nhẹ.

“Muốn giữ thế độc lập cho ngành dược liệu thành phố, cần hình thành các vùng chuyên canh dược liệu và các “tủ thuốc xanh” như vườn thuốc nam tại trạm y tế, trường học, cây cảnh trong vườn nhà… Cùng với đó, phải khai thác hợp lý và bền vững nguồn dược liệu thiên nhiên, tiến tới sản xuất ngày càng nhiều dược phẩm có nguồn gốc dược liệu trong nước. Theo tôi, chỉ khi nào chúng ta tự chủ sản xuất được 50 - 70% cây, con làm thuốc, mới có thể bảo đảm an ninh dược liệu”, ông Tuấn phân tích.

Để dẫn chứng cho nhận định của mình, ông Tuấn đưa ra kết quả điều tra tài nguyên cây thuốc tại thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2015-2017 chỉ rõ, tại các khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, Bà Nà - Núi Chúa, Nam Hải Vân và một số vùng phụ cận thuộc huyện Hòa Vang, cây thuốc tự nhiên không chỉ phong phú về số lượng, giống loài, mà còn phân bố rộng rãi, trải khắp trên các địa hình với sản lượng lớn. Đơn cử, dọc theo tuyến đường lên bán đảo Sơn Trà, dễ dàng nhìn thấy hàng trăm cây thuốc quý như ngấy hương, sâm cau, dây thìa canh, chè vằng, huyết giác, lạc tiên, cốt toái bổ, bách bệnh… với số lượng lớn. Điều này tạo thuận lợi cho các nhà khoa học hoặc sinh viên ngành y nghiên cứu, thực nghiệm.

Ông Võ Chí Trung (SN 1976), thành viên nhóm “Thuốc nam mà hay” tại Đà Nẵng cho biết năm 19 tuổi, ông được cha là lương y Võ Chí Giáp truyền nghề. Từ đó đến nay, ông thường xuyên tổ chức các chuyến đi hái thuốc nam tại bán đảo Sơn Trà mang về điều chế thuốc phục vụ việc chữa bệnh. Theo ông, hiện nay việc khai thác cây thuốc nam tại bán đảo Sơn Trà chủ yếu diễn ra ở bìa rừng, do đó số lượng cây thuốc tại khu vực bảo tồn gần như còn nguyên vẹn.

“Đi sâu vào các tiểu khu, chúng tôi gặp rất nhiều cây thuốc có tên trong danh mục 100 dược liệu có giá trị y tế và kinh tế cao như bách bộ, cẩu tích, hoài sơn, dành dành, hoàng đằng, sa nhân, thiên niên kiện... Để khai thác bền vững nguồn cây thuốc mọc tự nhiên, việc cần làm của ngành y tế là đưa ra các giải pháp khai thác đi đôi với bảo tồn, phát triển và tuân thủ các tiêu chí Gacp-Who và FairWild. Cùng với đó, cần nghiêm cấm việc khai thác bừa bãi cây thuốc mọc tự nhiên trong 2 khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa, bán đảo Sơn Trà và tuyệt đối không khai thác 30 loài cây thuốc nằm trong danh sách bảo tồn”, ông Trung nói.

Trước nhu cầu sử dụng cây thuốc ngày càng cao, ngành y tế Đà Nẵng bước đầu đề xuất UBND thành phố quan tâm, tạo điều kiện cho người dân trồng khoảng 40 loài có tiềm năng phát triển kinh tế như kim tiền thảo, trinh nữ hoàng cung, ké đầu ngựa, hương nhu, cối xây… và nghiên cứu trồng, nhân rộng diện tích cây thuốc nằm trong danh sách bảo tồn như lá khôi, sâm cau, ba kích, thuốc thượng…

Liên quan đến vấn đề này, ông Tuấn thông tin, hiện có 23/40 loài nằm trong danh sách đề xuất được trồng rải rác khắp các địa phương nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng thuốc đông y ở thành phố. Do vậy, việc thành phố Đà Nẵng cần làm lúc này là nhanh chóng quy hoạch vùng trồng cây thuốc theo tiêu chuẩn GACP-WHO, hướng tới việc thu được nguồn dược liệu có chất lượng cao, số lượng lớn. Đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách về dược liệu để giúp người dân (kể cả cán bộ kiểm lâm) nhận dạng, có kiến thức về giá trị y học của cây thuốc nhằm tăng hiệu quả khai thác cũng như tăng ý thức trong bảo tồn nguồn gen quý hiếm.

“Muốn giữ thế độc lập cho ngành dược liệu thành phố, cần hình thành các vùng chuyên canh dược liệu và các “tủ thuốc xanh” như vườn thuốc nam tại trạm y tế, trường học, cây cảnh trong vườn nhà… Cùng với đó, phải khai thác hợp lý và bền vững nguồn dược liệu thiên nhiên, tiến tới sản xuất ngày càng nhiều dược phẩm có nguồn gốc dược liệu trong nước. Theo tôi, chỉ khi nào chúng ta tự chủ sản xuất được 50 - 70% cây, con làm thuốc, mới có thể bảo đảm an ninh dược liệu”, ông Tuấn phân tích.

TIỂU YẾN

.