Đà Nẵng cuối tuần
Hương cây mùi lá
Cây không chỉ mang lại “lợi ích mười năm” mà còn là chỉ số làm nên nội tâm của nơi ta ở, kỷ niệm của tâm hồn. Một thành phố đẹp là một thành phố nhiều cây, chẳng thế mà thế giới quy định tỷ lệ cây xanh trên đầu người là một trong những tiêu chí làm nên mức độ văn minh của phố.
Cây không chỉ mang lại “lợi ích mười năm” mà còn là chỉ số làm nên nội tâm của nơi ta ở, kỷ niệm của tâm hồn. TRONG ẢNH: Lễ hội rước mục đồng. Ảnh: HUỲNH VĂN TRUYỀN |
Suối Lương - Nơi chốn bình yên
Suối nhưng vì mùa hè nên nước chỉ rỉ rả như lời tâm sự của kẻ bất đắc chí, mấy con cá lia thia tung tăng như đùa mây, giỡn nước. Mấy lần được đến khu rừng rất đẹp này, lần nào tôi cũng ngạc nhiên. Thanh bình và rất nhiều hương cây mùi lá, chỉ 30 phút mà từ chật chội, ồn ào phố thị tôi được mơn man trong mát lành của rừng tháng Bảy, của tiếng ve như nạm vào tai mình cái âm thanh tuổi thơ một thuở.
Suối Lương, một rẻo nhỏ dưới chân Hải Vân, phía trên là đường vào con đường hầm dài và hoành tráng nhất nước, nếu đi thẳng theo quốc lộ thì sẽ lên đèo Hải Vân, một thiên hạ đệ nhất hùng quan. Người Quảng kể cũng lạ, cái ngã ba tít dưới phố, một hướng cách Huế cả trăm cây số, một hướng vào Nam và một hướng ra biển, vậy mà vẫn hồn nhiên đặt tên là “Ngã ba Huế”. Có lẽ do Huế ngày trước có gần 150 năm là thủ đô, là chốn kinh kỳ của đất nước, cái oai của nó quá lớn mà hút hết mọi suy nghĩ, và định vị tất cả các hướng đi?, hay nơi xa xôi ấy ươm mộng công danh khiến bao chàng trai xứ này “Học trò trong Quảng ra thi”?
Là một góc sót của cả khu rừng phía Tây thành phố, chứ không phải một “khu” nào đó mà bây giờ Suối Lương đã thấp thoáng những resorts mà các bãi biển thành phố này đã san sát. Chỗ tôi đến may mắn còn những hoang sơ, vẫn mênh mông lá trong nắng ban mai, những lối mòn như ngập ngừng trước những bàn chân lạ. Im lặng rất đầy trong ý nghĩ mình được quay về một nơi chốn bình yên, nơi bàn chân của mình tìm thấy sự giàu có tâm hồn khi được thả mình trên cỏ. Không biết những người làm quy hoạch có hình dung trăm năm nữa thành phố sẽ còn giữ được những nguyên sơ? Thấy những công trình đồ sộ phía ngã ba rẽ vào Suối Lương tôi cảm thấy mơ hồ một sự cầm cự bất lực. Một trong những vấn đề lớn nhất của thành phố hiện nay là quy hoạch không gian không quy hoạch. Giữ cho được những cánh rừng không chỉ làm lá phổi bình thường, hơn thế đó là sự giữ gìn nơi neo đậu tâm tưởng con người.
Chưa đủ sức trở mình để thành những khu nghỉ dưỡng 5 sao lộng lẫy, trừ mấy cái biển tên có vẻ Tây còn lại là một không gian chất phác, hiền lành. Cái chỏng, bếp củi cháy rừng rực, bàn uống nước dưới một cái chòi lộng gió. Đơn giản nhưng đủ tinh tế để thấy sự tưởng tượng của bàn tay sắp đặt. Mấy anh em tụi tôi nói và nghe những điều cũng đơn giản, vui như những chén rượu người quê mời đám giỗ.
Xin cành chút lá, xin bếp chút hồng
Chúng tôi tuổi xấp xỉ bằng nhau, ai cũng mấp mé cái từ ngại nói “cổ lai hy”. Mỗi người mỗi việc, có người hanh thông sự nghiệp, có người nhàn nhã, lâu lâu tìm cách gặp nhau, thường thì đến nhà, nếu thuận thì ra ngoài một quán nhỏ nào đó, còn sang hơn được một nơi như dưới tán rừng này thì xem như đại yến. Dưới kia ồn ào phố thị nên rất bằng lòng được đến nơi đây mà xin cành chút lá, xin cái bếp chụm củi kia chút hồng hào để nhớ thời nồi cơm nấu trấu. Uống rượu dưới mái nhà tranh càng ngon khi lòng đã hợp, câu thơ thất thập của Đỗ Phủ quá nổi tiếng, hầu như ai cũng thuộc, nhưng ít ai được đọc hết cả bài, nhất là câu trước: “Tửu trái tầm thường hành xứ hữu/ Nhân sinh thất thập cổ lai hy” (“Nợ tiền mua rượu đâu không thế/ Sống bảy mươi năm có mấy người”).
Hóa ra chuyện uống rượu ký nợ đã có cách đây cả ngàn năm cũng đầy ra đó. Tôi một lần đến Thảo đường, nơi có ngôi nhà tranh được phục dựng như xưa và khu vườn rất đẹp nay thành khu lưu niệm họ Đỗ ở Tứ Xuyên. Nhìn những hàng tre ngăn nắp, ngôi nhà tranh năm gian mà nhớ cái mơ ước người xưa mong làm được ngôi nhà ngàn gian để đủ chứa những cảnh đời nghèo khó. Hơn ngàn năm rồi, ước mơ ấy càng trở nên xa lắc. Người nghèo bao giờ cũng nhiều hơn người giàu, người thật sự có đủ niềm vui ở đời vốn hiếm. Thế gian tôn Đỗ Phủ lên hàng thi thánh, nhưng giấc mơ làm đủ nhà cho ngàn dân cơ nhỡ vẫn là giấc mơ. Chỉ lòng tốt thôi khó mà làm ra của cải.
Khi có tuổi mà có cây cối quanh nhà là một hạnh phúc lớn. “Hưu” (nghỉ hưu) trong chữ Hán là chữ nhân gắn với chữ mộc. Nghỉ hưu là về với cây, cây là chỗ dựa bình yên sau những bước bận rộn cuộc đời. Về hưu mà có một ô vườn, có đất chăm cây, có chút bận rộn sớm chiều với lá là một niềm vui thanh tao. Cũng có thể đến một tuổi nào đó, việc nghe và nói sẽ ít đi, cảm nhận về lẽ đúng sai cuộc đời không chi bằng ngắm cây mỗi ngày mà đo đếm sự bằng lòng cuộc sống.
Một số thành phố lớn ngoài biểu trưng chung, họ chọn một loại lá, loại chim như là thứ tiêu biểu nói lên niềm tự hào về sự ứng xử với thiên nhiên, là đối tượng để mọi người chăm sóc giữ gìn. May mắn cho thành phố hiện có hai khu rừng lớn, phía tây có Bà Nà và Suối Lương, đông có Sơn Trà. Nếu chọn một loại lá, một loài chim tiêu biểu cho thành phố bên sông Hàn này chắc không phải là việc khó để có sự đồng thuận. Vấn đề không phải là lá và con, mà cái chính là ý thức giữ gìn những khu rừng vốn không lớn của Đà Nẵng. Hà Nội có những phố cây sum suê như rừng, giữa phố hội mà rất nhiều chim và sóc chuyền cành, Hải Phòng từ lâu hoa phượng trở thành nỗi nhớ, còn Thành phố Hồ Chí Minh thì những hàng me như lời thì thầm của bao lứa đôi…
Giữ gìn nội tâm cho phố
Thiên nhiên vốn nhân hậu, thiên tai chính là cách thiên nhiên đáp trả thái độ ứng xử của con người với môi trường sinh thái. Ý thức bảo vệ rừng phải trở thành lòng yêu thích cây mới là sự đáng quý. Hiện nay mỗi cây, kể cả cây trong rừng đều được đánh số, làm lý lịch và số hóa, những nỗ lực để giữ cây bình yên, phát triển trở thành nhiệm vụ. Giữ gìn cây cũng chính là giữ gìn một phần nội tâm con người. Do thời tiết và điều kiện thổ nhưỡng nên cây xứ này cũng bao vất vả, nhọc nhằn. Có năm sau một trận bão lớn, trong các sự hỗ trợ có cả đoàn xe từ một thành phố lớn ra Đà Nẵng để dọn những mênh mông cây đổ khắp các con đường. Có người tính, cứ mỗi mười năm, cái chu kỳ đủ cho một thân cây cứng cáp thì lại phải hứng một trận bão lớn.
Rồi đây cuộc sống sẽ phát triển, những tiện nghi văn minh sẽ giúp ta thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ, điều này ai cũng mong và cũng là nhiệm vụ tập trung của thành phố. Nhưng sẽ phiến diện nếu chỉ lo phần xác mà thiếu đi những “đậm đà bản sắc dân tộc”. Có một tiểu thuyết của một văn hào Nhật Bản, mô tả một người đàn ông luống tuổi, bắt chuyến tàu nhanh cuối cùng trong ngày để đến một khu rừng, nơi đó có một ngôi chùa với những con đường nhỏ đầy rêu xanh đẫm sương, với sự trầm mặc của tầng tầng lá thức trong đêm… để làm một việc duy nhất mà ông đã làm nhiều năm nay: đón nghe tiếng chuông chùa vọng lên giữa thinh không đêm giao thừa.
Ông chỉ ngồi yên lặng chờ cái âm thanh gọi lòng mình trong giấy phút giao thừa ấy, rồi ra về. Lòng thanh thản khi cảm được cái mùi thơm nhẹ của một loài hoa xa xôi nào đó, cái ẩm mốc oai nồng của rêu thềm đá, và đợi nghe tiếng chim hót đầu tiên của một ngày, một năm… Câu chuyện dĩ nhiên còn nhiều tình tiết, nhưng ý nghĩa sâu xa là trước những văn minh hiện đại hãy biết trân quý những bóng mát của cây trong rừng và trong lòng người. Tôi nghĩ đó là tiếng kêu tha thiết trước sự phát triển vật chất của những ai mong muốn tìm sự giàu có tâm hồn. Có lẽ vì vậy mà tác giả được trao giải Nobel văn chương.
Cây cao bóng cả là một ẩn dụ về tầm vóc nhân cách và sự nêu gương. Cây từ xưa là biểu tượng cho sự bình yên, thanh tao. Cây làm nên kỷ niệm, là sự gửi gắm triết lý nhân sinh. Ta nhớ ngôi nhà Đỗ Phủ vì nơi ấy tre như bàn tay ấm che lấy những con đường mà bất cứ ai cũng nhớ, dù rằng đường phố Tứ Xuyên nhộn nhịp, sầm uất. Suối Lương, nơi còn cho tôi chút suối, và lá nên rừng để cho tôi trưa nay “Em nhìn lên hàng cây gió thổi/ Lá như môi thầm thì gọi anh về” (Tế Hanh), vâng mỗi chiếc lá là một vành môi của yêu thương và lòng trắc ẩn.
Không biết những người làm quy hoạch có hình dung trăm năm nữa thành phố sẽ còn giữ được những nguyên sơ? Thấy những công trình đồ sộ phía ngã ba rẽ vào Suối Lương tôi cảm thấy mơ hồ một sự cầm cự bất lực. Một trong những vấn đề lớn nhất của thành phố hiện nay là quy hoạch không gian không quy hoạch. Giữ cho được những cánh rừng không chỉ làm lá phổi bình thường, hơn thế đó là sự giữ gìn nơi neo đậu tâm tưởng con người. |
THỤC NHÂN