Đà Nẵng cuối tuần

Vùng đất thiêng Trảng Nhật

22:21, 03/08/2024 (GMT+7)

Cái tên Trảng Nhật đã đi vào lịch sử của vùng đất thiêng Điện Hòa và Điện Thắng trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm gần một thế kỷ qua và hiện nay đang trên đà phát triển công nghiệp và dịch vụ thương mại theo hướng đô thị đầy triển vọng trong tương lai.

Đường nối thông quốc lộ 1 với Trảng Nhật - cầu Bàu Sấu được Mỹ củng cố vào năm 1966. Trong ảnh: Cầu Bàu Sấu trên đất Điện Hòa ngày nay. Ảnh: V.T.L
Đường nối thông quốc lộ 1 với Trảng Nhật - cầu Bàu Sấu được Mỹ củng cố vào năm 1966. Trong ảnh: Cầu Bàu Sấu trên đất Điện Hòa ngày nay. Ảnh: V.T.L

Trảng Nhật là khu quân sự trên đất Điện Bàn do lính Nhật chiếm đóng vào năm 1941; nay là khu vực gồm các làng Hà Thanh, Bích Trâm, La Thọ xã Điện Hòa và Phong Lục Tây, phường Điện Thắng Nam.

Sách “Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Điện Hòa (1930-1975)” do Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Nam ấn hành năm 2008 cho biết, ở trang 53 rằng, sau Thế chiến thứ hai, Pháp bị Đức Quốc xã tấn công rồi chiếm đóng vào mùa hè năm 1940. Lợi dụng cơ hội đó, một nước thành viên phe Trục là Nhật Bản tiến hành xâm lược Đông Dương. Phát xít Nhật gây sức ép buộc chính quyền Pháp phải nhượng bộ cho Nhật được sử dụng sân bay, bến cảng và đóng quân trên toàn cõi Đông Dương.

Năm 1941, Nhật đem quân vào Điện Bàn mở rộng vành đai và đóng các đồn bót quan trọng. Người Nhật chọn vị trí các làng Hà Thanh, Bích Trâm (nay thuộc xã Điện Hòa) và Phong Lục (nay thuộc phường Điện Thắng Nam) để làm căn cứ quân sự. Nhật cày ủi một vùng rộng lớn chiều dài hàng chục km theo hướng Bắc Nam từ Rừng Tràm (Phong Lục) đến Cấm Giẻ (Hà Thanh) để làm sân bay. Tại khu vực Rừng Tràm, Nhật xây dựng hệ thống lô cốt, hầm hào kiên cố cho 1 đại đội lính đóng quân, bên trong có 4 hầm mái vòm cao hàng chục mét cho máy bay trú ẩn. Điểm đầu phía Bắc Cấm Giẻ (Hà Thanh) là căn cứ của sở chỉ huy do một quan ba cầm đầu.

Nhật chọn vị trí này làm căn cứ quân sự bởi nơi đây hội đủ các yếu tố thuận lợi, đất đai bằng phẳng, không lũ lụt, nằm vị trí trung tâm có độ cao vừa phải để quan sát, khống chế toàn bộ khu vực từ phía Bắc Quảng Nam đến vùng tiếp giáp với thành phố Đà Nẵng. Nhật đã mở đường nối thông từ quốc lộ 1A đến Trảng Nhật và liên thông đến cứ điểm Bồ Bồ tiện cho việc cơ động hành quân, vận chuyển hàng hóa và vũ khí, trang bị…

Để củng cố sự thống trị, phát xít Nhật tăng cường đàn áp, mở rộng địa bàn hoạt động, thành lập các tổ chức phản động đánh phá các cơ sở cách mạng, đập phá chùa chiền, đình miếu, cày ủi mồ mả để xây dựng khu vực phòng thủ liên hoàn. Do vậy phong trào chống Nhật của nhân dân dấy lên mạnh mẽ chống lại sự đàn áp đánh đập dân phu và đấu tranh không chịu đi xâu xây dựng đồn Trảng cho chúng.

Ông Lê Tự Kình, nguyên Bí thư xã Điện Hòa (1952-1953), kể rằng, năm 1942 khi đang là dân quân du kích địa phương, ông đã mưu trí dũng cảm nắm rõ quy luật đi lại của một sĩ quan Nhật tên Gô, hắn luôn hạch sách, đánh phu vô tội vạ khi trông coi việc xây dựng sân bay ở Trảng Nhật. Bằng thế võ hiểm, ông đã đánh cảnh cáo tên Gô ngay tại bìa làng, khiến hắn hoảng sợ, không còn hung hăng như trước nữa.

Ngoài ra nhân dân làng Thanh Quýt và Thanh Tú còn tổ chức đưa thi thể các nạn nhân bị chúng hành hung đánh chết đến đồn Trảng Nhật đòi trả lại mạng sống và bồi thường, buộc chúng phải chùn bước, nhượng bộ trước một số yêu sách của nhân dân.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, căn cứ Trảng Nhật không còn là điểm đóng quân quy mô nữa. Khi thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta, chúng chỉ sử dụng địa điểm này làm nơi trú quân, huấn luyện và kho bãi. Đến đầu năm 1953 chúng mới đóng đồn cùng với hệ thống các đồn Bồ Bồ, Quá Giáng, Ngũ Giáp.

Năm 1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, bộ đội địa phương và du kích tại Điện Bàn phối hợp tập kích tiến công cứ điểm Bồ Bồ và Trảng Nhật, tiêu diệt toàn bộ lực lượng của chúng, góp phần đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp. Buộc Pháp phải ký kết Hiệp định Genève về đình chiến và công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.

Sau Hiệp định Genève, Mỹ thay chân Pháp nhảy vào miền Nam với âm mưu thực hiện ý đồ kéo dài và quốc tế hóa chiến tranh Đông Dương và biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, căn cứ quân sự của Mỹ. Chúng thực hiện các cuộc chiến tranh xâm lược từ chiến tranh đơn phương đến chiến tranh đặc biệt nhưng lần lược đều thất bại.

Tháng 1-1966, Mỹ vào đóng đồn ở Nổng Bích Trâm và 3 tháng sau đóng đồn ở Trảng Nhật, quân số lên đến cả tiểu đoàn. Đây là một căn cứ lớn nhằm hỗ trợ cho chính quyền Sài Gòn thực hiện kế hoạch trong chiến lược “Chiến tranh cục bộ”.

Cuối năm 1966, Mỹ củng cố lại đường nối thông quốc lộ 1 với Trảng Nhật - Cầu Bàu Sấu và Bồ Bồ; đây là tuyến liên hoàn trọng yếu trong hệ thống liên vùng Quá Giáng - Ngũ Giáp - Trảng Nhật - Bồ Bồ. Chính vì vậy mà căn cứ Trảng Nhật có quy mô lớn trong khu vực, không chỉ là nơi giao nhận chuyển quân mà còn là điểm tập kết vật tư, trang bị vũ khí, đạn dược cho các đơn vị khác bởi có cả đường bộ và đường không thuận tiện.

Vùng đất Trảng Nhật xưa đất đai màu mỡ thích hợp cho các cây trồng như thuốc lá, sắn khoai, đậu phụng… Ngày nay còn là nơi thuận lợi cho việc phát triển sản xuất công nghiệp, dịch vụ và thương mại. Nơi đây đã có hai cụm công nghiệp gồm cụm công nghiệp Trảng Nhật 1 trên đất phường Điện Thắng Trung và Điện Thắng Nam; Cụm Công nghiệp Trảng Nhật 2 trên đất Điện Hòa.

HÀ SÁU

.