Đà Nẵng cuối tuần
Chuyện "ký hậu" ở đất Quảng xưa
Ký hậu, tức gửi giỗ, là hiện tượng xã hội học mang đậm tính nhân văn ở đất Quảng xưa. Nghiên cứu các di sản Hán Nôm ở huyện Đại Lộc (Quảng Nam) có thể “thu hoạch” một số thông tin lý thú về tập quán độc đáo này.
Sách “Việt Nam phong tục” của Phan Kế Bính. |
Trong cuốn Việt Nam phong tục (NXB Văn học, 2017), học giả Phan Kế Bính (1875-1921) có nhắc đến tục ký hậu. Ông cho hay, “tục ta trọng việc hương hỏa cho nên người không có con trai thì phải ký hậu để có nơi cúng giỗ về sau. Tục ấy cũng là tục hay, vì người có của mà không có con thì của ấy cũng không để làm gì. Tuy cũng có nhiều người nuôi con nuôi để làm người thừa tự cho mình, cùng là chia của cho con gái, thì con cháu người con gái về sau cũng phải giữ giỗ giữ Tết. Nhưng con nuôi và cháu ngoại thì đã chắc gì giữ được thủy chung, chi bằng bỏ ra một món tiền, trước là giúp được một việc công ích cho dân làng, sau là đem mình nương bóng thần Phật, thì có lẽ hương hỏa phần mình truyền lâu mãi mãi, ấy là chủ ý của người mua hậu mà là một chính sách lý tài của dân làng kể cũng đã khôn khéo”.
Cũng theo Phan Kế Bính, ký hậu có thể tại đình miếu, tại chùa, tại bản thôn, bản tộc hoặc biệt xã (là quê ngoại của người ký hậu). Hàng giáp, hàng thôn, nhà chùa, bản tộc, biệt xã đã nhận tiền và ruộng đất của người mua hậu phải làm tờ ký kết rồi dựng bia đá tại đình miếu hoặc chùa hoặc ở trong từ đường. Trong văn bia kể rõ tên người mua hậu ở phủ, huyện, tổng, xã nào; dân làng nhận bao nhiêu, chi về việc gì và ruộng đất ký hậu cho bao nhiêu, tại ở đâu, cứ mỗi năm về ngày tháng nào thì dùng lễ gì để cúng tế. Lại có mấy câu tán tụng công đức người mua hậu. Hôm ký tờ dựng bia, người mua hậu phải làm rượu mời dân làng uống. Từ đó, người mua hậu được gọi là ông hậu, bà hậu.
Tục ký hậu ở Quảng Nam có nguồn gốc từ phía Bắc. Điều này thể hiện trong văn bia châu Hà Trừng (nay thuộc xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc) lập năm Minh Mạng thứ 9 (1828). Theo đó, một vị quan họ Nguyễn, từng có hơn 20 năm giữ chức Nội thị trông coi việc ra vào nơi cung cấm triều Nguyễn, về quê nghỉ hưu đã bộc bạch: “Lúc tôi về quê bái tế tổ tiên, các vị hương lý trong làng tề tựu đông đủ để truy niệm công đức cù lao của tiên nhân. Khi nói đến việc hậu sự của bản thân, tôi bất giác rơi lệ, bèn cùng trên dưới trong làng mưu bàn. Nghe nói tục lệ phổ biến ở Bắc Hà là xuất của cải lưu tại bổn ấp để cúng kỵ vĩnh viễn. Đây thực là kế dài lâu vậy. Nay ta có thể bắt chước làm theo được không? Mọi người đều nói: Được. Bèn cùng nhau cử tiên khảo Nguyễn phủ quân và tôi làm hậu thần. Tôi tự xuất tiền bạc của cải, đất đai giao cho bổn châu chi dụng canh tác để cúng tế, phụng sự kỵ lạp tiên khảo. Đến lượt tôi sau này cũng làm theo lệ này… Bổn châu đem tờ ước này khắc vào bia đá, lưu lại vĩnh viễn”.
Thực ra, ký hậu là điều bất đắc dĩ. Vị quan họ Nguyễn nói trên thổ lộ: “Trong việc thờ cha mẹ thì trăm năm hậu sự có mộ phần chôn cất thi thể, có nơi tế tự để yên hưởng, ấy là lễ vậy. Nhưng sự đời luôn thay đổi không thể được như lúc thường. Lấy việc trong nhà gửi cho những người trong ấp mới thấy được nỗi khổ tâm của người con hiếu đối với cha mẹ. Huống gì lấy tấm thân hôm nay tính toán cho việc hôm mai, sự dụng tâm càng khổ sở biết bao nhiêu?”.
Văn bia xã Hà Tân (nay thuộc xã Đại Lãnh) nêu rõ quy định: “Ngày 15 tháng 12 năm Tân Sửu, niên hiệu Thành Thái thứ 13 (1901), phổ văn chỉ xã Hà Tân cùng thuận về việc khắc bia đá. Trong điều ước bổn phổ có khoản nói đến việc báo đáp người có công, rằng người nào có tâm cúng ruộng đất hoặc tiền bạc hoặc tự khí (1) từ một trăm quan trở lên thì khắc tên vào bia đá đặt ở thềm phía đông, lúc còn sống thì được kính thịt phần, chết đi được phụng thờ theo thứ tự”.
Ý nghĩa của việc lập bia đá cũng được văn bia xã Thắng Lộc, tổng An Lễ Thượng, huyện Duy Xuyên (nay thuộc thôn Thạnh Phú, xã Đại Chánh, huyện Đại Lộc) cho biết: “Xã ta từ trước đến nay, không phải là chưa từng có phú hào hiếu nghĩa quyên góp trợ giúp nhưng chưa thấy được lưu danh hậu thế. Nay vị hương thân họ Phan trong xã hiếu nghĩa lạc quyên ruộng tư cho binh dân bổn xã chi phí việc công, lưu truyền mãi mãi. Người có thành tâm thì thần sẽ ban ân huệ, vậy nên dân xã khắc vào bia đá để phía tây đình để biểu dương Phan hương chức, lưu danh muôn đời và để khuyến khích hậu thế, những ai có tâm thì cũng được như vậy. Sau khi Phan hương chức mất, làng phối thờ với bài vị hậu hiền, các bậc con cháu sau này không được quên ơn”.
Việc ký hậu đã góp phần đưa người có lòng hiếu nghĩa được lưu danh hậu thế. Tuy nhiên, đầu thế kỷ trước, học giả Phan Kế Bính từng chỉ ra mặt trái của tục ký hậu trong cuốn Việt Nam phong tục. Đó là “có lắm khi bọn hào trưởng trong làng giả danh tu tạo công nọ việc kia, mà bày ra cách bán hậu. Tiền người mua hậu chi về việc công ích thì ít, mà bỏ vào túi bọn ấy thì nhiều, thành ra chỉ giúp cho mấy kẻ hào trưởng mà thôi”. Ông khuyến cáo: “Giả sử ai có của dư dật, ngoài sự lập kế tự, chia tài sản cho họ hàng con cháu rồi, còn nữa không biết làm gì thì nên dùng vào những việc làm phúc chung cho xã hội, hoặc quyên vào những việc chẩn thải, hoặc giúp vào những hội học, nhà thương… để một cái kỷ niệm trong việc công ích, có lẽ còn hơn hưởng con gà ván xôi sau khi mình khuất mắt”.
Ngày nay, tục ký hậu không còn, song lời bàn của cụ Phan Kế Bính, thiết nghĩ vẫn là gợi ý hay đối với người thời nay về công tác từ thiện vì cộng đồng, nhất là giúp đỡ những người khác có hoàn cảnh khó khăn. Điều này không chỉ thể hiện tình người cao đẹp “lá lành đùm lá rách” của người Việt mà hơn thế, còn mang lại nhiều giá trị cao đẹp cho chính người làm thiện nguyện. Bởi khi chứng kiến những tình huống không may, chúng ta sẽ trở nên biết ơn và trân trọng những gì mình đang có, yêu cuộc sống và sống hạnh phúc hơn!
VÂN TRÌNH
(1)Tự khí [祀器]: Đồ thờ (Chú giải của ĐNCT).