Đà Nẵng cuối tuần

Danh xưng Hội An có xuất xứ từ Faifo?

16:50, 13/09/2024 (GMT+7)

* Tên gọi Hội An có phải từ Faifo mà ra? (Trần Ngọc, Điện Bàn, Quảng Nam).

- Mối dây “họ hàng” giữa Hội An và Faifo từ lâu đã được các nhà nghiên cứu phân tích, nhận định. Tác giả Đồ Quang Chính, trong cuốn Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620-1658 (Sài Gòn, NXB Ra Khơi, 1972, tr.21), cho rằng gốc của từ đó là Hải Phố (nơi buôn bán ở bờ biển). Tuy nhiên, tác giả chỉ viết “Theo sự hiểu biết của chúng tôi” chứ không đưa ra cứ liệu nào. Ông cho rằng Hải Phố do người Nhật đọc thành Hoaipho và sau thành Faifo.

Đình Hội An (đình Ông Voi) là di tích xác nhận Hội An nguyên là tên gọi của một đơn vị hành chính làng/xã thương nghiệp - buôn bán của người Việt. Ảnh: V.T.L
Đình Hội An (đình Ông Voi) là di tích xác nhận Hội An nguyên là tên gọi của một đơn vị hành chính làng/xã thương nghiệp - buôn bán của người Việt. Ảnh: V.T.L

Mục từ Faifo ở nội dung “Quảng Nam Đà Nẵng qua các địa danh” trên danang.gov.vn (Cổng Thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng) giải thích rằng, Faifo là phố cổ Hội An được gọi bằng Pháp ngữ. Từ Faifo lần đầu xuất hiện trong hồi ký nhà truyền giáo người Ý Christoforo Borri đã từng sống ở Hội An và Đàng Trong từ 1618 đến 1621. Cách giải thích nguồn gốc của Faifo ít nhất có 5 thuyết khác nhau: (1) từ Hải Phố mà ra (Chapuis); (2) từ Hội An Phố mà ra (Trần Kinh Hòa); (3) từ Hoa Phố mà ra (Châu Phi Cơ); (4) từ Hoài Phố mà ra (Phan Khoang); (5) suy diễn theo lối ngữ nghĩa dân gian từ câu hỏi “có phải phố không?”.

Trang danang.gov.vn cho rằng, trong các cách giải thích trên, Faifo từ Hoài Phố (Phố bên sông Hoài - tên gọi sông Thu Bồn ngày xưa) mà ra, như sử gia người Quảng Phan Khoang nhận định, là có sức thuyết phục hơn cả. [Phan Khoang (1906-1971) là một trong những sử gia miền Nam nổi tiếng trước năm 1975, đã để lại cho đời nhiều bộ sách lịch sử được giới nghiên cứu đánh giá cao trong sự nghiệp trước tác của mình].

Alexandre de Rhodes, trong Từ điển Việt - Bồ - La (1651), viết “Hoài Phố: một làng trong xứ Cochinchine mà người Nhật ở và gọi là Faifo”. Rồi các Từ điển Việt - La  tinh (1772-1773)  của P.de Béhaine, Từ điển Việt - La  tinh (1838) của Taberd,  Đại Nam quấc âm tự vị (1895-1896) của Huình Tịnh Của, Từ điển Việt - Pháp (1898) của Génibul đều ghi dạng gốc là Hoài Phố.

Ý kiến Hội An có “xuất thân” từ Hoài Phố được nhiều người cho là có lý hơn vì ở Hội An ngày nay vẫn còn tên sông Hoài. Hoài Phố biến thành Faifo là do hiện tượng đồng hóa trong ngôn ngữ mà thành. “Ph” của từ “Phố”  đồng hóa với “H” của từ “Hoài” thành “F” (“Ph” và “F” coi như một âm). Còn âm đệm “O” của từ Hoài  bị mất là vì trong tiếng Việt, phụ âm môi răng “Ph” không kết hợp với âm đệm tròn môi “W” (được ghi bằng chữ “O”).

Tác giả Nguyễn Chí Trung trong biên khảo “Về danh xưng Faifo - Hội An” đăng trên trang hoianheritage.net (Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An) cho biết thêm nhiều thông tin thú vị.

Theo đó, trong tác phẩm “Ô Châu Cận Lục” (Dương Văn An, 1553) có tên làng Hoài Phô và Cẩm Phô. Tên làng Cẩm Phô, hiện nay là tên phường Cẩm Phô. Tra theo bảng bằng chữ Hán thì thấy tác giả dùng chữ ở đây: Hoài (淮) nghĩa là sông, khác với Hoài (懷) nhớ; Phô (鋪) nghĩa là phô trương, phô diễn như chữ Phô của Cẩm Phô vậy, khác với phố (埔) là chợ, thị.

Faifo trở thành tên gọi của một đơn vị hành chính “Ville de Faifo” bắt đầu từ bản dụ của vua Thành Thái ngày 20-10-1898 và 12-7-1899, và Nghị định của Toàn quyền Đông Dương ngày 30-8-1899 cho thành lập thị xã Faifo. Còn Hội An nguyên là tên gọi của một đơn vị hành chính làng/xã thương nghiệp - buôn bán của người Việt, nay còn đình Tiền hiền (Hội An Tiên tự) và đình Hội An (đình Ông Voi) ở đường Lê Lợi.

Theo nguồn tư liệu thư tịch, đồ tịch cổ Việt Nam, bi ký thì danh xưng Hội An xuất hiện vào khoảng đầu thế kỷ XVII với tên gọi: Hội An phố, Hội An xã, Hội An kiều/cầu, Hội An đàm/đầm, Hội An khố/kho.

ĐNCT

.