Đà Nẵng cuối tuần

Mống trên trời và trong quan niệm dân gian

16:29, 07/09/2024 (GMT+7)

* Mống được hình thành như thế nào và có mấy loại? Câu ca “Mống Cu Đê, chạy về dọn gác/ Mống Cửa Đại, cá mại chết khô” có ý nghĩa ra sao? (Nguyễn Thành Hữu, Hòa Vang, Đà Nẵng).

Cầu vồng là hiện tượng quang học thiên nhiên khá quen thuộc với con người. Ảnh: V.T.L
Cầu vồng là hiện tượng quang học thiên nhiên khá quen thuộc với con người. Ảnh: V.T.L

- Mống là cách gọi theo phương ngữ của cầu vồng, là hiện tượng quang học thiên nhiên mà hầu như ai trong chúng ta đều từng được chiêm ngưỡng. Trả lời câu hỏi “Vì sao có cầu vồng?”, trang khoahoc.tv cho biết, cầu vồng không phải là một vật thể xác định, mà nó là hình ảnh phản chiếu của ánh sáng mặt trời qua những giọt nước trong không khí.

Ánh sáng mặt trời là hỗn hợp các màu sắc hòa trộn vào nhau mà mắt con người không thể nhìn rõ được. Chỉ khi được chiếu qua một lăng kính thủy tinh, các tia ánh sáng bị bẻ cong hay còn gọi là khúc xạ để tạo thành một dải màu sắc liên tục mà ta gọi là quang phổ. Ngoài 7 màu cơ bản là đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm và tím, cầu vồng được tạo thành từ hơn một triệu màu tán sắc liên tiếp, bao gồm những màu mà mắt thường con người không nhìn thấy.

Cầu vồng hiếm khi xuất hiện vào buổi trưa (do nhiệt độ thường cao hơn mức thích hợp) mà thường được nhìn thấy vào buổi sáng và buổi chiều tối. Theo trang thegioithienvan.com, đôi khi cầu vồng xuất hiện vào ban đêm, các nhà thiên văn học gọi là Moonbow, vì nó được tạo bởi ánh sáng của mặt trăng. Moonbow thường xuất hiện tại các hòn đảo nhiệt đới như vùng Caribbean, nơi có mưa lớn vào ban đêm.

Ở các thác nước lớn, không chỉ chờ đến trời mưa mới xuất hiện cầu vồng, hơi nước bắn lên từ thác gặp sự phản chiếu của mặt trời có thể tạo ra nhiều dạng cầu vồng đẹp mắt.

Ngoài ra, “cầu vồng trắng” hay còn gọi là “cầu vồng ma” là một hiện tượng hiếm gặp. Nếu cầu vồng 7 sắc được tạo từ ánh sáng mặt trời với những hạt mưa thì cầu vồng trắng lại được tạo ra từ những hạt sương có đường kính nhỏ hơn 0,05mm. Do đây là những hạt nước quá nhỏ bé nên nó không thể nào khúc xạ ánh sáng ra thành nhiều màu sắc như hạt nước mưa mà chỉ tạo ra một cầu vồng màu trắng mà thôi.

Tương tự với hiện tượng này là “cầu vồng sương mù”, được hình thành bởi mây và các giọt sương mù, chúng gần như có màu trắng với những màu khác có thể nhìn thấy được rất mờ. Từ hiện tượng này, dân gian miền Trung có thành ngữ “Mống bạch sạch đồng”, nghĩa là nếu xuất hiện cầu vồng màu trắng thì đó là điềm báo mưa to, lũ lụt.

“Mống Cu Đê, chạy về dọn gác” cũng là điềm báo tương tự. Cu Đê là một làng xưa ở phía bắc huyện Hòa Vang, nơi có núi và sông cùng mang tên Cu Đê. Sách Đại Nam Nhất thống chí chép: “Núi Cu Đê [...] lại có tên là núi Hoa Ổ (tục gọi là động Suối Đá), núi nhiều ve ve, người địa phương bắt nấu ăn rất ngon. Mùa thu mùa đông cầu vồng hiện ở phía nam núi, người ta lấy đấy mà chiêm nghiệm mưa lụt”.

“Mống Cửa Đại, cá mại chết khô” có một dị bản là “Mống Cửa Đại, ở lại làm ăn” với hai nghĩa gần như đối nghịch nhau. Cửa Đại có tên cũ là cửa Đại Chiêm, cửa sông nơi sông Thu Bồn chảy  ra Biển Đông, thuộc thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Cá mại là loài cá nước ngọt cùng họ với cá chép, cỡ nhỏ bằng ngón tay cái, thân dẹp và ngắn. Cùng hiện tượng “mống Cửa Đại” nhưng một đằng cho rằng trời sẽ hạn hán (đến nỗi cá mại chết khô), một đằng cho rằng chẳng có gì phải lo, cứ bình thản “ở lại làm ăn”!

ĐNCT

.