Đà Nẵng cuối tuần

Một thôi đường lưu dấu

14:31, 21/09/2024 (GMT+7)

1. Sau Đại hội XXI Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2015-2020, nhân sự Báo Đà Nẵng có nhiều biến động, những nhà báo, cán bộ có chuyên môn, giàu kinh nghiệm và thâm niên nghề hoặc được nghỉ hưu theo chế độ hoặc chuyển công tác. Trong vòng chưa đến 2 năm (năm 2016 và 2017), gần 80% cán bộ chủ chốt, từ Ban Biên tập đến các trưởng phòng Báo Đà Nẵng là nhân sự mới được bổ nhiệm từ nguồn tại chỗ. Ông bà ta nói: “Tre già măng mọc”, điều đáng mừng tất cả lớp măng này đều được đào tạo bài bản, tâm huyết và trách nhiệm với nghề.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi (thứ ba,  từ phải sang) và Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng Trương Công Định (thứ hai, từ phải sang) cùng các tác giả, đại biểu tại lễ tổng kết, trao giải tại cuộc thi phóng sự - ký sự “Đà Nẵng - dấu ấn 20 năm đổi mới” vào tháng 2-2017. Ảnh: PHAN NGUYỆT
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi (thứ ba, từ phải sang) và Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng Trương Công Định (thứ hai, từ phải sang) cùng các tác giả, đại biểu tại lễ tổng kết, trao giải tại cuộc thi phóng sự - ký sự “Đà Nẵng - dấu ấn 20 năm đổi mới” vào tháng 2-2017. Ảnh: PHAN NGUYỆT

Cũng giai đoạn này, triển khai thực hiện các quy định của Trung ương và thành phố về tinh giản biên chế, cơ cấu bộ máy tổ chức, nhân sự của Báo Đà Nẵng đã từng bước tinh gọn, từ 8 phòng chuyên môn còn 6 phòng, từ nhân sự gần 80 người là biên chế và hợp đồng hưởng lương từ ngân sách nay còn 60 người.

Để bảo đảm quyền lợi cho những cán bộ, phóng viên, nhân viên là hợp đồng, Báo Đà Nẵng vẫn giữ nguyên 20 hợp đồng không được hưởng lương từ ngân sách và chủ động tăng thu hoạt động dịch vụ để có nguồn chi trả, bởi Báo Đà Nẵng luôn ghi nhận những đóng góp của họ cho sự phát triển của Báo Đà Nẵng.

Năm 2016, thành phố triển khai thi công Dự án Nút giao thông phía tây cầu sông Hàn, trụ sở 42 Trần Phú theo thiết kế phải giải tỏa sâu vào mặt tiền 7,47m, với tổng diện tích thu hồi 170m2. Trước tình hình đó, theo thống nhất của Văn phòng Thành ủy chúng tôi được thuê mặt bằng tầng 2 Bưu điện thành phố (phía đối diện) để bảo đảm đủ chỗ làm việc, theo đó một bộ phận làm việc tại đây và một bộ phận làm việc tại tòa nhà phía sau, số 9 Lê Duẩn. Lúc đó, Báo Đà Nẵng rơi vào tình cảnh ‘một chốn 2 nơi’.

Hằng ngày, một số anh em phải băng qua công trường ngổn ngang máy móc, vật liệu, để làm việc. Trước những khó khăn như vậy, đầu năm 2017, được sự chấp thuận của cấp chủ quản, Báo Đà Nẵng tiếp tục di dời nơi làm việc về tầng 2 trụ sở Nhà in Báo Nhân Dân tại 6 Trần Phú để chờ ngày về trụ sở mới chính thức được khởi công xây dựng tại 33 Lê Lợi ngày nay. Tuy vậy, thời điểm đó tâm lý ‘ăn nhờ ở đậu’ còn phảng phất trong tâm trí không ít người.

Ông bà ta nói chớ có sai: “An cư lạc nghiệp”. Ai có rơi vào hoàn cảnh đó mới cảm nhận được ý nghĩa sâu sắc của thành ngữ. Báo cáo với Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa trong buổi làm việc với Báo Đà Nẵng, tôi đã nêu ra tình cảnh này. Đồng chí bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ với hoàn cảnh Báo Đà Nẵng đang gặp phải, động viên cán bộ, phóng viên, nhân viên báo gắng sức vượt qua khó khăn. Đồng chí nói, lãnh đạo thành phố, cá nhân Bí thư Thành ủy sẽ đôn đốc đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ công trình, tạo điều kiện Báo Đà Nẵng sớm an cư lạc nghiệp. Tuy vậy, đến tháng 6-2019, tôi được nghỉ hưu theo chế độ, trụ sở mới tại 33 Lê Lợi đến tháng 3-2020 hoàn thành đưa vào sử dụng.

2. Trước sự bùng nổ của mạng xã hội, thông tin nhanh đến từng phút, từng giờ, len lõi đến tận ngõ ngách của cuộc sống, thời gian đầu, báo Đảng địa phương thực sự gặp khó trên tất cả các hoạt động: thông tin, kinh tế báo chí và cả hoạt động từ thiện xã hội. Trong muôn màu rực rỡ của rừng hoa báo chí thời 4.0, Báo Đà Nẵng vẫn tìm được chỗ đứng cho mình, trung thành với tôn chỉ, mục đích là “tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố”. Bạn đọc truyền thống vẫn đồng hành chúng tôi, công nghệ dù hiện đại đến đâu, tiện ích đến đâu cũng chỉ là phương tiện hỗ trợ. Chất lượng tin bài vẫn là nhân tố quyết định sự hưng thịnh của một tờ báo. 

Đáp ứng nhu cầu đó, một mặt, Báo Đà Nẵng vẫn duy trì, làm mới các chuyên trang, chuyên mục đã có chỗ đứng như “Thời sự và bàn luận”, “Xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị”, “Pháp luật và công dân”, “Vấn đề bạn đọc quan tâm”… trên báo ngày. Xây dựng các chuyên đề, duy trì các chuyên mục “Chuyện xưa xứ Quảng”, “Cửa sổ tri thức” , “Sách hay”, “Cuộc sống qua ảnh”… trên Đà Nẵng cuối tuần. Mở thêm các chuyên mục như: “Phóng sự - Ghi chép”, “Nghĩ”… để thu hút  bạn đọc.

Năm 2016 không khí thi đua sôi nổi các cấp, các ngành, các địa phương lập thành tích chào mừng 20 năm ngày thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương (1997-2017). Khí thế rạo rực đó đã cuốn hút, thôi thúc những người cầm bút. Đây thực sự là cơ hội để Báo Đà Nẵng huy động được nhiều tác phẩm báo chí chất lượng cao. Và tháng 7-2016, Báo Đà Nẵng phát động cuộc thi phóng sự - ký sự “Đà Nẵng - dấu ấn 20 năm đổi mới”. Lễ phát động cuộc thi là sự kiện thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội trong cả nước. Rất nhiều tờ báo Trung ương, địa phương đồng loạt đăng tải thông tin về sự kiện này. Có lẽ, trong các điểm nhấn các hoạt động chào mừng kỷ niệm 20 năm thành phố trực thuộc Trung ương, cuộc thi viết "Đà Nẵng - dấu ấn 20 năm đổi mới" là một trong những sự kiện gây được ấn tượng nhất.

Vẫn biết, phóng sự, ký sự báo chí là một thể tài kén người viết nhưng hiệu quả tác động xã hội rất cao. Cũng qua đây, Báo Đà Nẵng muốn nhìn nhận lại mình về vị thế xã hội, muốn nhận biết mình trong lòng bạn đọc. Chúng tôi có đủ cơ sở để tin vào sự thành công của cuộc thi. Tuy vậy, hơn một tháng sau lễ phát động, bộ phận thường trực chỉ nhận được mấy bài báo thể loại phản ánh thông thường. Là Phó ban Tổ chức cuộc thi, tôi rất băn khoăn, lo lắng: Do thời gian quá ngắn hay do bạn viết chưa có thông tin về cuộc thi? Có lẽ do cả hai. Chúng tôi vừa kiên trì chờ đợi, vừa kết nối với những cây bút thành danh để vận động tham gia. Không khí cuộc thi dần ấm lên.

Các cây bút Nguyễn Đình An, Hồ Duy Lệ, Bùi Công Minh, Bùi Văn Tiếng, Tần Hoài Dạ Vũ, Trương Điện Thắng, Văn Thành Lê… lần lượt tham gia, bên cạnh đó còn cả doanh nhân, nhà giáo, công nhân, người cao tuổi và nhiều cây bút trẻ. Rất xúc động khi được đọc bài dự thi viết trên giấy học trò của cụ Nguyễn Xuân Thiều (gần 90 tuổi) ở quận Hải Châu; bài "Nguyễn Bá Thanh và Nghị quyết trái tim" của tác giả Nguyễn Kim Thành gửi từ Hà Nội. Có tác giả như chị Lê Thị Thu Thanh gửi đến 6 bài tham gia. Doanh nhân Huỳnh Văn Chính, người gắn bó với từng bước chuyển mình của thành phố cũng góp sức bằng bài ký về một kỷ niệm sâu sắc của mình...

Tại lễ tổng kết và trao giải, thành viên ban giám khảo gồm các nhà báo Vĩnh Quyền, Huỳnh Văn Hùng, Mai Đức Lộc, Nguyễn Hữu Đổng, Hứa Văn Hải đánh giá cao chất lượng các tác phẩm dự thi và tác động xã hội. Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng, Trưởng ban Tổ chức đánh giá: “Qua cuộc thi, các tác phẩm thể hiện sự năng động, sáng tạo, những đột phá, cách làm mới của thành phố, với nhiều cách nhìn đa chiều, đa dạng về sự phát triển của thành phố. Các tác phẩm cũng đóng góp những ý kiến xây dựng thiết thực cho thành phố đồng thời quảng bá hình ảnh Đà Nẵng văn minh hiện đại, an bình, đáng sống với bạn bè trong nước và quốc tế”.

Nửa cuối thập niên thứ 2 của thế kỷ XXI là một chặng đường ngắn ngủi trong lịch sử gần 65 năm vẻ vang của Báo Đà Nẵng, nhưng với tôi đó là khoảng thời gian sôi động và đầy ắp kỷ niệm đủ sắc màu, chiều hướng của gần 40 năm làm báo. Thời gian cứ vô tình đẩy thế hệ chúng tôi ra xa ngôi nhà yêu thương Báo Đà Nẵng, nhưng càng ra xa, ký ức về ngôi nhà ấy càng về bên, hiện hữu. Không biết tôi là người hoài cổ, tự tin quá không khi vẫn coi Báo Đà Nẵng là tờ báo của mình. Cả nghĩ, thời gian không thể xóa được dấu tích con người để lại.

TRƯƠNG CÔNG ĐỊNH

.